“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/11/2017 | 7:03:07 AM

YBĐT - Hơn một tháng trước, những cánh đồng ở Bản Hát, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu tan hoang sau lũ. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng đó, tôi cứ nghĩ phải mất vài tháng đến một năm mới khôi phục lại sản xuất nông nghiệp trên những cánh đồng này. Vậy mà, chỉ sau chưa đầy một  tháng, màu xanh – sức sống của các loại cây rau màu vụ đông đã trở lại.

Người dân xã Hát Lừu vẫn đang tích cực khôi phục lại sản xuất sau đợt mưa lũ vừa qua.
Người dân xã Hát Lừu vẫn đang tích cực khôi phục lại sản xuất sau đợt mưa lũ vừa qua.

Dù diện tích khôi phục lại chưa nhiều song chỉ từng ấy thôi cũng đã thể hiện được tinh thần vượt khó vươn lên, không chịu khuất phục khó khăn của những người  dân vùng lũ. Và khi chứng kiến những hình ảnh ấy, tôi lại chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông trong bài thơ  "Bài ca vỡ đất”  được ông sáng tác vào năm 1948:

"Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”.

Nhắc đến đợt mưa lũ lịch sử này, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu Nguyễn Thành Hưng xót xa kể lại cho tôi nghe về những gì anh chứng kiến. 3 giờ sáng, ngày 11/10 một cuộc hội ý khẩn cấp giữa Thường trực Huyện ủy với các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn huyện đã diễn ra. Thông tin về những thiệt hại liên tục được báo về. 

Các tổ công tác đặc biệt của huyện Trạm Tấu được thành lập ngay trong đêm, trực tiếp kiểm tra tại các khu vực xảy ra lũ ống, lũ quét và chỉ đạo người dân sơ tán đến nơi an toàn. Mưa lũ tại huyện Trạm Tấu đã làm 13 người chết và mất tích, 7 người bị thương. 

Nhiều công trình cơ sở hạ tầng, nhà cửa, ruộng vườn của người dân bị vùi lấp, ước tính thiệt hại gần 247 tỷ đồng. Sau lũ, huyện đã huy động các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng nghìn lượt người đã được huy động vào "rốn lũ” Bản Hát giúp đỡ nhân dân. 

Cùng với việc khôi phục cơ sở hạ tầng, giúp người dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới thì công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ cũng được huyện Trạm Tấu đặc biệt quan tâm. Là một người gắn bó với nông nghiệp Trạm Tấu nhiều năm, anh Hưng được giao phụ trách chỉ đạo trực tiếp công tác này. 

Nghe anh kể, tôi thấy những con số thiệt hại về nông nghiệp của huyện cũng thật khủng khiếp. Diện tích ruộng bị cuốn trôi, vùi lấp không thể khắc phục được là 58 ha; diện tích ruộng bị vùi lấp có thể khắc phục được là 42 ha; diện tích lúa nương bị thiệt hại trên 36 ha và gần 60 ha ngô bị cuốn trôi và vùi lấp. 

Ngoài ra, mưa lũ đã làm chết và cuốn trôi trên 2.100 con gia súc, gia cầm; phá hỏng gần 3 ha ao nuôi cá của người dân. Tổng giá trị thiệt hại về nông nghiệp ước tính trên 10,5 tỷ đồng. Ngay sau lũ, hơn 100 ha lúa đang độ thu hoạch ở ven Suối Nậm Tộc bị ảnh hưởng, huyện đã huy động lực lượng trên 1.000 lượt đoàn viên, dân quân tự vệ tham gia giúp nhân dân thu hoạch để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.

Những ngày này, không khí lao động trên cánh đồng Bản Hát vẫn diễn ra hết sức khẩn trương. Bên này suối, anh Hưng cùng các cán bộ khuyến nông hướng dẫn nhân dân san lấp, nhặt đá để cải tạo đồng ruộng. Những mảnh ruộng bị vùi lấp nhiều đất đá, bà con thuê máy xúc đến cải tạo cho nhanh để kịp sản xuất vụ xuân. 

Chốc lát, anh lại chạy sang bên kia suối cùng Chủ tịch UBND xã Hát Lừu Lò Văn Chiến kiểm tra, hỗ trợ cán bộ Trạm Thủy nông huyện khắc phục những đoạn mương thủy lợi bị hư hỏng. Sự có mặt liên tục của các anh trên cánh đồng này dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho những người nông dân vùng lũ vực dậy sau thiên tai. 

Những diện tích ruộng, những đoạn kênh mương được khắc phục và cải tạo thành công cứ tăng dần và mầm xanh  được gieo xuống, rồi lại mạnh mẽ vươn lên, hướng về phía mặt trời đón nắng mai. Trong những ngày mưa lũ, tôi gặp chị Lò Thị Phượng tất tả cùng người thân trong gia đình đi mót những hạt thóc còn sót lại, giờ lại gặp chị mồ hôi nhễ nhại nhặt từng hòn đá, san từng luống đất để cải tạo đồng ruộng. 

Chị bảo, làm nông dân thì rất cần đến ruộng, đến đất sản xuất, cố cải tạo được càng nhiều càng tốt để trồng rau màu vụ đông, mấy nữa xong mương thủy lợi lấy nước về để cấy lúa vụ xuân. "Mong Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để cải tạo ruộng, hỗ trợ thêm giống, phân bón để nhân dân tập trung cho sản xuất, bà con chúng tôi quyết tâm giành thắng lợi trong vụ xuân tới” -  chị Phượng cho biết. 

Quyết tâm của chị Phượng cũng là quyết tâm chung của những người dân đang canh tác trên cánh đồng này. Họ mong sang năm cánh đồng Bản Hát sẽ tràn ngập màu xanh của lúa SRI, ĐS1 hay Chiêm Hương như vụ xuân năm ngoái, dẫu rằng công việc cải tạo đồng ruộng vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Lò Văn Chiến chia sẻ: "Xã cũng đã huy động các lực lượng tham gia giúp đỡ nhân dân khôi phục sản xuất, song diện tích đất ruộng bị thiệt hại vẫn còn nhiều, trong đó diện tích ruộng bị cuốn trôi, vùi lấp không thể khắc phục được là 23,4 ha, diện tích ruộng có thể khắc phục được gần 15 ha. Chính quyền xã mong Nhà nước sớm có kinh phí hỗ trợ giúp nhân dân khôi phục sản xuất”. 

Tiếp lời anh Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu trao đổi: "Trước mắt cần quan tâm chỉ đạo cải tạo diện tích ruộng 2 vụ/ năm, tập trung khôi phục lại để kịp cho sản xuất rau màu vụ đông, tạo nguồn thu nhập cho người dân sau lũ. Đồng thời rà soát các hộ dân có diện tích ruộng không thu hoạch được lúa mùa trong đợt lũ vừa qua đề nghị tỉnh, huyện hỗ trợ cứu đói kịp thời”. 

Anh Hưng cũng đề nghị về lâu dài, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ giống cho sản xuất cần đề xuất thêm những chính sách hỗ trợ đặc thù cho người dân đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng nề nhưng có thể phục hồi lại được như chính sách hỗ trợ đối với những diện tích ruộng khai hoang mới. 

Cùng với đó, tiếp tục rà soát đối với các hộ bị mất ruộng hoàn toàn để hỗ trợ kinh phí họặc chuyển đổi sang nghề phi nông nghiệp; chỉ đạo và xây dựng các mô hình dân vận khéo, vận động nguời thân trong gia đình, dòng họ có nhiều đất sản xuất nhường lại một phần cho các hộ bị mất đất sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần huy động tối đa lực lượng giúp nhân dân nhanh chóng khôi phục lại ruộng, đảm bảo kịp thời gian cho sản xuất vụ xuân. 

Về khắc phục các công trình thủy lợi, huyện đề nghị Công ty TNHH Nghĩa Văn chỉ đạo Trạm Thủy nông huyện khẩn trương khắc phục các công trình thủy lợi bị hư hỏng, tạm thời khắc phục bằng hệ thống ống HDPE và dẫn nước từ các khe phụ, đảm bảo cung cấp được nước tưới tới các cánh đồng trước ngày 20/12 để phục vụ cho sản xuất lúa vụ xuân. 

Những mất mát sau đợt mưa lũ vừa qua đối với ngành nông nghiệp huyện Trạm Tấu không thể khắc phục ngay trong "một sớm, một chiều”. Nhiều mảnh ruộng vẫn còn trơ sỏi đá. Song trong gian khó mới thấy hết được sự cần cù và khả năng sáng tạo trong lao động của con người và cùng với sự trợ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, màu xanh của lúa, của rau sẽ trở lại trên cánh đồng Bản Hát bởi "Bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đã cũng thành cơm”.

Mạnh Cường

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục