Máu đào D978

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/7/2018 | 7:54:38 AM

YBĐT - D978 là ký hiệu của Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Công an Hoàng Liên Sơn, đơn vị ra đời trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Dù gặp nhiều khó khăn, trang bị thiếu thốn nhưng những chiến sỹ đơn vị D978 đã anh dũng chiến đấu hy sinh quên mình nơi địa đầu biên giới, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 


Đầu năm 1978, tình hình biên giới phía Bắc hết sức căng thẳng, do bị kích động, hàng nghìn người Hoa từ khắp nơi đổ về cửa khẩu quốc tế Lào Cai để chạy sang bên kia biên giới. Tình hình ngày càng trở nên căng thẳng và phức tạp, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn tuyến biên giới phía Bắc nói chung và tỉnh Hoàng Liên Sơn nói riêng bị đe dọa một cách nghiêm trọng; đất nước đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến quy mô lớn.
 
Trước tình hình đó, ngày 5/8/1978, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ra Quyết định số 182 về việc thành lập Tiểu đoàn CSCĐ, trực thuộc 18 sở, ty công an các tỉnh và trung đội CSCĐ tại công an các huyện, thị xã biên giới.
 
Thực hiện Quyết định số 182, tháng 8/1978, Giám đốc Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn ban hành quyết định thành lập Tiểu đoàn CSCĐ mang ký hiệu là D978 (ngày 18/9/1978, Tiểu đoàn CSCĐ Hoàng Liên Sơn chính thức tuyên thệ ra mắt) với nhiệm vụ là tổ chức huấn luyện quân sự, võ thuật, sẵn sàng vũ trang chiến đấu, dẹp bạo loạn, bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; đồng thời, phối hợp với các lực lượng vũ trang tuần tra khu vực biên giới, phòng chống xâm nhập, vượt biên trái phép.

Ra đời khi Tổ quốc lâm nguy, 410 cán bộ, chiến sỹ D978 phần lớn được điều động từ các phòng, ban nghiệp vụ của Công an Hoàng Liên Sơn, công an các huyện, thị trong tỉnh và tuyển dụng những chiến sỹ mới là những thanh niên có phẩm chất chính trị tốt, dũng cảm, hăng hái lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc đến từ các tỉnh Hà Nam Ninh, Hà Sơn Bình, Thái Bình.
 
Ngay sau khi được thành lập, D978 biên chế thành 5 đại đội, tổ chức huấn luyện quân sự, luyện tập võ thuật rồi triển khai lực lượng đóng quân tại các huyện, thị xã: Lào Cai, Bảo Thắng, Văn Bàn, Cam Đường, Bát Xát, Si Ma Cai… với điều kiện vật chất vô cùng khó khăn, thiếu thốn, trang bị hết sức nghèo nàn, vũ khí chủ yếu là súng trường K44, tiểu liên nòng ngắn, các bin và côn quay (thu được của Mỹ, ngụy từ năm 1975). Khó khăn, vất vả, thiếu thốn là vậy, nhưng cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn CSCĐ Hoàng Liên Sơn (D978) luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, yên tâm, tin tưởng, phấn đấu công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Sáng ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc đã tràn qua biên giới. Riêng tại mặt trận Hoàng Liên Sơn, địch đã huy động 15 vạn quân cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại đồng loạt tấn công xâm lược thị xã Lào Cai và các huyện có đường biên giới.
 
Ngay sau khi chiến sự xảy ra, lực lượng CSCĐ đã phối hợp với lực lượng vũ trang anh dũng chiến đấu, tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ bám dân, bám địa bàn, nắm tình hình, phát hiện, bắt giữ nhiều phần tử phản cách mạng; kịp thời bắt giữ nhiều tên tội phạm lợi dụng chiến tranh để cướp bóc, trộm cắp tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh và chính quyền địa phương tổ chức hướng dẫn 14 vạn người sơ tán, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của tỉnh và huyện tại hậu cứ để chỉ huy chiến đấu.
 
Mặc dù vũ khí trang bị hạn chế nhưng quân và dân ta, trong đó có những chiến sỹ D978 đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu với quân thù, bảo vệ nhân dân, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, điển hình là cán bộ, chiến sỹ Trung đội 1, Trung đội 2, thuộc Đại đội 4, do đồng chí Hà Văn Nhở là Đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy, chiến đấu với kẻ địch tại cao điểm 100, thôn Đồng Hồ, xã Tả Phời, Cam Đường bảo vệ máy móc, thiết bị và kho vật liệu nổ của Công ty Apatít Việt Nam vào ngày 24 và 25 tháng 2 năm 1979.
 
Cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu vô cùng anh dũng, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt nhiều tên địch, song do lực lượng không cân sức, lại bị quân địch bao vây từ 3 phía nên Đại đội 4 đã hy sinh 31 đồng chí, 11 đồng chí bị địch bắt, nhiều đồng chí khác bị thương.
 
Nhiều đồng chí đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, có đồng chí hy sinh nhưng đôi tay vẫn ôm chặt khẩu súng như: Trần Công Hợi, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình; Nguyễn Văn Hạnh, xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên; Nguyễn Trọng Trường, xã Y Can, huyện Trấn Yên…

Thấm thoắt đã 40 năm ngày các anh – những chiến sỹ Công an Hoàng Liên Sơn cùng chung phiên hiệu D978, giờ người còn, người mất, người mang thương tật suốt đời nhưng kỷ niệm D978, chiến công oanh liệt của các anh vẫn sẽ được thế hệ trẻ lực lượng công an nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung nhớ mãi.

Lê Phiên

Các tin khác

Theo quy định hiện hành, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bắt đầu từ ngày 2 của tháng. Vì vậy, dự kiến lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2024 sẽ được chi trả sau dịp nghỉ lễ.

Ảnh minh hoạ.

Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay dịp lễ 30/4 - 1/5.

Hai anh em Hà Mạnh Hùng và Hà Duy Minh - Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái nhận quà của nhà tài trợ.

Với mong muốn hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống, thời gian qua, Thành đoàn Yên Bái đã tích cực phối hợp triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là hoạt động “Nâng cánh ước mơ - cùng em tôi đến trường”.

Ngày 24/4, Tỉnh đoàn Yên Bái - Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức khánh thành công trình tu bổ Khu di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Dự chương trình có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục