Ghi từ tâm lũ

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/7/2018 | 8:04:37 AM

YBĐT - 3 ngày sau lũ, con đường vào thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương vẫn ngổn ngang cây cối, bùn đất từ trên cao đổ xuống. Không ai ngờ con suối Khe Ma ngày thường hiền hòa là vậy mà trong phút chốc đã xé toạc Bản Tủ thành một "đại công trường” của sự đổ nát.

Chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Sơn Lương.
Chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ ở xã Sơn Lương.

Đến trưa ngày 22/7, công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa lũ tại huyện Văn Chấn vẫn đang được khẩn trương tiến hành. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã lội suối, vượt dốc có mặt trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục. Những chuyến hàng cứu trợ tiếp tục đến các thôn bản bị cô lập, hàng nghìn người được huy động tìm kiếm người mất tích, giúp đỡ người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.

3 ngày sau lũ, con đường vào thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương vẫn ngổn ngang cây cối, bùn đất từ trên cao đổ xuống. Không ai ngờ con suối Khe Ma ngày thường hiền hòa là vậy mà trong phút chốc đã xé toạc Bản Tủ thành một "đại công trường” của sự đổ nát. Những ngôi nhà sàn ván lịa năm gian ở sát con suối ngày nào giờ chỉ là bãi đá khổng lồ kéo dài từ sườn núi xuống cánh đồng cuối thôn.
 
Trưởng thôn Hà Văn Huyên đang ngồi thống kê diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại mà chua xót: "Thôn tôi có 70 nóc nhà, lũ dữ đã san phẳng 6 ngôi nhà, 11 ngôi nhà khác bị hư hỏng, 3 người chết và mất tích, tài sản của bà con thì chưa thống kê được”.
 
Đứng thẫn thờ trên nền nhà cũ, ông Lò Văn Muồn kể lại: "Trời mưa to quá, nước lũ, cây cối, đất đá cứ ùn đổ về. Sau tiếng ầm ầm như bom nổ, cả nhà tôi chỉ kịp chạy lên đồi cao, may mắn thoát nạn nhưng tất cả bàn ghế, giường tủ dưới gầm sàn thì bay theo dòng lũ”.
 
Ngay trước nhà ông Muồn là căn nhà sàn của ông Hà Sơn Hòa cũng bị lũ nước, lũ đá cuốn phăng đi trong chốc lát. Vợ ông Hòa bị nước lũ hất lên đường bê tông rồi được mọi người cứu, còn ông Hòa và căn nhà bị cuốn trôi đi mất.
 
Hiện, hàng trăm người vẫn đang đào bới tìm ông Hòa trong lớp đất, đá bùn lầy. Ở thôn Bản Tủ, người ta nhắc nhiều đến trường hợp của anh Lò Văn Dung. Anh mất cả vợ lẫn con. Anh Dung làm ăn xa tận Hà Nam, ở nhà có mẹ già, vợ và hai con. Sáng đó, mẹ anh dậy sớm nên được bà con trong bản giúp đưa lên đồi thoát nạn, còn vợ anh là chị Ngân Thị Thủy ôm theo cả 2 đứa con chạy trong lũ, chưa kịp thoát thì cả ngôi nhà đã đổ ụp xuống.
 
Đứa con lớn tật nguyền được bà con cứu, còn vợ anh và cháu Lò Quang Duy bị cuốn trôi. Người dân đã tìm thấy thi thể cháu Duy, còn vợ anh giờ vẫn mất tích... Không có thiệt hại về người như thôn Bản Tủ nhưng thôn Bản Mười, xã Sơn Lương cũng chịu thiệt hại nặng nề về nhà ở, tài sản.
 
Ngồi trước đống đất đắp cao bằng cửa nhà, chị Hà Thị Quyên vẫn chưa hết bàng hoàng: "4 giờ sáng, nước lũ lên cao, hai mẹ con tôi chỉ kịp đưa chồng là anh Trương Văn Minh là bệnh nhân lên đồi. Khi 2 mẹ con quay lại thì nước đã ngập trắng xóa, toàn bộ căn nhà và tài sản bị vùi lấp”.
 
Ngay trước nhà chị Quyên vài bước chân, căn nhà sàn 4 gian và ngôi nhà cấp 4 của cha con ông Bùi Văn Dũng và Bùi Văn Thắng cũng bị dòng lũ cuốn phăng. Chị Quyên nói rằng, tất cả mọi người trong xóm đều may mắn thoát chết nhưng nhà cửa và tài sản đều bị ngập chìm trong nước.

Ngay sáng 20/7, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh Yên Bái đã có mặt tại tâm lũ Văn Chấn để chỉ huy khắc phục hậu quả mưa lũ, thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại. Sở Chỉ huy hiện trường tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ nhanh chóng được thành lập.
 
Huyện Văn Chấn đã thành lập 4 tổ công tác để tiếp cận hiện trường, trực tiếp chỉ đạo khắc phục thiệt hại và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ những người bị thương, hỗ trợ kinh phí cho những hộ ở các xã: An Lương, Sùng Đô, Nậm Mười, Sơn Lương. Văn Chấn cũng đã huy động lực lượng tìm kiếm là 480 người cùng với lực lượng khắc phục hậu quả thiệt hại 437 người.
 
Sáng 22/7, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của Quân khu II, Sư đoàn 316, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, dân quân tự vệ địa phương và nhân dân vẫn đang huy động phương tiện máy móc, nhân lực mở đường, dọn dẹp nhà cửa, vận chuyển tài sản cho nhân dân. Khi chúng tôi đến thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương, hàng trăm chiến sỹ, thanh niên tập trung miệt mài tìm kiếm thi thể người mất tích và giúp người dân thu dọn đồ đạc, vệ sinh nhà cửa.
 
Thượng tá Nguyễn Văn Xuân - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 đang trực tiếp có mặt tại thôn Bản Tủ cho biết: "Chúng tôi đã huy động 110 cán bộ, chiến sỹ có mặt tại hiện trường để giúp nhân dân sơ tán đến nơi an toàn, sau đó cứu tài sản, khi nước rút thì giúp bà con sửa chữa nhà ở, dọn vệ sinh, ổn định cuộc sống; đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích. Một mũi khác gồm 24 chiến sỹ giúp địa phương tiếp tế lương thực, thực phẩm vào các thôn, bản bị chia cắt”.
 
Với tinh thần nhường cơm sẻ áo, từng đoàn người đã và đang cắt rừng, lội suối vượt dốc, chia sẻ cùng khó khăn, mất mát của bà con vùng lũ. Hơn 3.990 kg gạo đã được tiếp tế cho 54 hộ dân tại 9 xã bị ảnh hưởng.
 
Hiện nay, hơn 3 tấn gạo và 200 thùng mì tôm đang được tiếp tế đến 2 xã bị cô lập là Nậm Mười, Sùng Đô. Cùng với đó, huyện Văn Chấn đã huy động 1,5 tấn gạo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã An Lương để hỗ trợ cho 100 khẩu tại xã An Lương. Những hộ mất nhà ở đều được các địa phương bố trí ở nhờ nhà văn hóa các thôn và trường học, huy động bà con cho mượn chăn chiếu và các nhu yếu phẩm cần thiết”.
 
Chị Đường Thị Hợi, thôn Bản Mười, xã Sơn Lương cho biết: "Lũ về, nhiều nhà trong thôn đã bị cuốn hết nhà ở, tài sản, chúng tôi được hàng xóm láng giềng cưu mang nên không ai phải chịu cảnh màn trời chiếu đất”.
 
Bên cạnh huy động lực lượng giúp dân dọn dẹp nhà ở, khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện Văn Chấn cũng đã nhanh chóng tiến hành rà soát các quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng nặng tại các địa phương.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn tiếp tục tập trung toàn lực với nỗ lực cao nhất, quyết tâm thông đường sớm nhất để tiếp cận bằng được các xã còn bị cô lập.
 
Văn Thông - Hùng Cường

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, nhiều tuyến tàu đã được bổ sung vào chạy dịp này.

Theo quy định hiện hành, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bắt đầu từ ngày 2 của tháng. Vì vậy, dự kiến lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2024 sẽ được chi trả sau dịp nghỉ lễ.

Ảnh minh hoạ.

Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay dịp lễ 30/4 - 1/5.

Hai anh em Hà Mạnh Hùng và Hà Duy Minh - Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái nhận quà của nhà tài trợ.

Với mong muốn hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống, thời gian qua, Thành đoàn Yên Bái đã tích cực phối hợp triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là hoạt động “Nâng cánh ước mơ - cùng em tôi đến trường”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục