Văn Chấn: “Đổi đời” nhờ xuất khẩu lao động

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/7/2019 | 1:56:34 PM

YênBái - Xuất khẩu lao động không chỉ giúp người lao động nói chung và lao động ở Văn Chấn nói riêng giảm nghèo nhanh chóng mà còn là cách tốt nhất để người lao động học hỏi về kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả.

Đơn vị giới thiệu xúc tiến việc làm phát tờ rơi, hướng dẫn thủ tục XKLĐ tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn.
Đơn vị giới thiệu xúc tiến việc làm phát tờ rơi, hướng dẫn thủ tục XKLĐ tại xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn.

Lâu nay, nhắc đến người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), người ta thường nghĩ tới đối tượng lao động có trình độ cao, đặc biệt là ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Thực tế, việc XKLĐ chủ yếu vẫn cần những lao động phổ thông nhưng yêu cầu có ý thức kỷ luật lao động và tính chuyên nghiệp cao trong công việc.

Hiệu quả từ xuất khẩu lao động

Vừa qua, gia đình anh Lường Văn Sơn thôn Co Hả, xã Thạch Lương đón niềm vui lớn khi cháu Lường Thị Thu Hà - con gái đầu của gia đình anh đi XKLĐ tại Nhật Bản gửi về những tháng lương đầu tiên. Số tiền ban đầu 60 triệu đồng là rất lớn với gia đình nông dân như anh Sơn, nhưng niềm vui hơn cả đối với gia đình anh là cháu đã yên tâm, ổn định công việc. 

Anh Sơn cho biết: "Hàng ngày, gia đình vẫn gặp cháu, nói chuyện qua zalo, facebook. Thấy cháu bảo vẫn ổn, gia đình không yên tâm lắm vì cháu là con gái, lại bươn chải một mình nơi xứ người. Nhưng qua thời gian, thấy cháu khỏe mạnh, nay gửi tiền về gia đình rất mừng”.

Ở xã thuần nông như Thạch Lương không riêng gì gia đình anh Sơn mà còn có cả chục hộ có người đã tham gia XKLĐ. Ngoài những thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia, Trung Đông thì có cả những lao động đi XKLĐ tại Hàn Quốc, Nhật Bản đã trở về. 

Qua đánh giá, hầu hết các hộ có người đi XKLĐ đều trở lên khá giả, có nguồn vốn khá lớn để xây dựng nhà cửa, đầu tư phát triển kinh tế. 

Anh Lò Nhật Quang ở thôn Bản Bát, xã Thạch Lương - một trong những người đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc cho biết: "Trước khi đi làm tại Hàn Quốc, tôi cũng lo trình độ không đáp ứng, nhưng qua bên đó, thấy hầu hết các công việc cũng không mấy phức tạp. Quan trọng là người lao động phải biết tuân thủ pháp luật nước sở tại, rèn luyện ý thức kỷ luật thì công việc rất suôn sẻ. 3 năm lao động ở Hàn Quốc, ngoài nguồn vốn để xây nhà, đầu tư cửa hàng kinh doanh, tôi cũng đúc rút được chút kinh nghiệm để về áp dụng vào cuộc sống”.

Những trở ngại đặt ra

Với dân số trên 150.000 người, Văn Chấn có trên 60% dân số trong độ tuổi lao động. Những năm qua, thông qua công tác đào tạo nghề và chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mỗi năm, huyện đã giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Tuy nhiên, cơ cấu lao động chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp rất chậm. 

Mặt khác, các ngành nghề tạo ra chưa nhiều, thu nhập còn hạn chế. Thực hiện chủ trương XKLĐ của Đảng, Nhà nước, huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các lao động tiếp cận với các thị trường lao động trong và ngoài nước. 

Tuy nhiên, do xuất phát điểm chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lao động ở Văn Chấn thiếu tác phong lao động công nghiệp, chưa nhận thức rõ nhu cầu lao động cũng như công việc ở nước bạn nên tâm lý lo sợ, e ngại. 

Mặt khác, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhiều lao động muốn đi XKLĐ nhưng phải lo nguồn kinh phí lớn để đào tạo nghề, học tiếng cùng chi phí khác nên không đủ điều kiện tham gia XKLĐ. 

Ông Hà Văn Tuấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Lương cho biết: "Nhiều hộ dân đã nhận thấy rõ hiệu quả từ việc XKLĐ, nhưng do trình độ học vấn có hạn chế nên không đáp ứng. Bên cạnh đó, tác phong làm việc thiếu khoa học, thiếu chuyên nghiệp cũng tạo tâm lý ngại làm việc ở môi trường khắt khe. Đặc biệt, nhiều hộ còn thiếu vốn, thiếu thông tin về thị trường lao động nên địa phương vẫn bỏ phí rất nhiều nguồn lao động. Nếu được hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi cho người tham gia XKLĐ và có được thông tin về thị trường lao động xuất khẩu thì chắc chắn nhiều hộ sẽ tham gia”.

Cơ hội cho lao động phổ thông

Nhận thức được tiềm năng lao động dồi dào, cũng như những nhược điểm của lao động tại địa phương, những năm gần đây, huyện Văn Chấn đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng lao động. Hàng năm, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các trường dạy nghề, phối hợp với các đơn vị đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm đa dạng ngành nghề đào tạo, gắn đào tạo với thị trường lao động. Huyện đã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị tuyển dụng lao động xuất khẩu, hàng ngàn lao động đi lao động xuất khẩu. 

Với mức thu nhập khá ổn định, trung bình 25 triệu đồng/tháng đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, 15 triệu đồng/tháng đối với thị trường Đài Loan và Trung Đông, XKLĐ đang là hướng đi được nhiều lao động lựa chọn. 

Phát huy kết quả đạt được, năm 2019, huyện đề ra mục tiêu tạo việc làm cho 400 lao động qua XKLĐ với thị trường truyền thống là Nhật Bản, Đài Loan và Trung Đông. 

Thực hiện mục tiêu này, huyện đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các đơn vị tư vấn giới thiệu việc làm tổ chức phiên giao dịch việc làm, tư vấn tuyển dụng lao động tại các xã, thị trấn nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho người lao động được tiếp cận thông tin việc làm. 

Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và rà soát nhu cầu lao động đi xuất khẩu trên địa bàn. Trên cơ sơ đó, xây dựng kế hoạch, quan tâm tạo điều kiện cho đối tượng người lao động có nhu cầu cũng như khó khăn về vốn để đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời.

Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối với các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm nhiều đơn vị đã thường xuyên cung cấp thông tin thị trường lao động xuất khẩu đến người dân; đồng thời, có những cơ chế, chính sách để thu hút người dân tham gia XKLĐ. 

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Công ty cổ phần XKLĐ Chí Đức cho biết: "Để giúp đỡ người có nhu cầu XKLĐ tiếp cận với các thị trường Nhật Bản và Đài Loan, Công ty chúng tôi đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi đối với người tham gia. Ngoài việc hỗ trợ làm thủ tục nhanh chóng, chúng tôi đang phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ người tham gia XKLĐ vay vốn ưu đãi. Công ty cũng miễn phí ăn, ở sinh hoạt trong quá trình đào tạo nghề”. 

Có thể khẳng định, XKLĐ không chỉ giúp người lao động nói chung và lao động ở Văn Chấn nói riêng giảm nghèo nhanh chóng mà còn là cách tốt nhất để người lao động học hỏi về kỹ năng, tác phong làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Lao động ở nước bạn, người lao động sẽ tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến và rèn luyện khả năng nhận thức, tư duy lao động, kỹ năng sống. 

Lựa chọn đúng thị trường lao động sẽ mang lại nguồn thu nhập cao, chế độ đãi ngộ tốt khi làm việc tại nước bạn, là "cơ hội vàng” cho mỗi lao động cơ hội học hỏi, rèn luyện các kỹ năng để phục vụ cho tương lai sau này. 

Trần Van - Quang Sơn  

Tags Văn Chấn XKLĐ lao động xúc tiến việc làm

Các tin khác

Theo quy định hiện hành, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bắt đầu từ ngày 2 của tháng. Vì vậy, dự kiến lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2024 sẽ được chi trả sau dịp nghỉ lễ.

Ảnh minh hoạ.

Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay dịp lễ 30/4 - 1/5.

Hai anh em Hà Mạnh Hùng và Hà Duy Minh - Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái nhận quà của nhà tài trợ.

Với mong muốn hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống, thời gian qua, Thành đoàn Yên Bái đã tích cực phối hợp triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là hoạt động “Nâng cánh ước mơ - cùng em tôi đến trường”.

Ngày 24/4, Tỉnh đoàn Yên Bái - Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức khánh thành công trình tu bổ Khu di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Dự chương trình có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục