Được dựng rạp cưới, tang trên hành lang, lề đường nhưng phải theo quy định

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/12/2019 | 8:10:54 AM

YênBái - Dù năm 2019, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Yên Bái đã có công văn về việc tiếp tục chấn chỉnh thực hiện các quy định trong việc cưới, việc tang trên địa bàn, nghiêm cấm không dựng rạp cưới, rạp tang lấn chiếm hành lang, vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, mùa cưới lại về, ở Yên Bái lẻ tẻ còn hiện tượng người dân dựng rạp cưới trên hành lang, vỉa hè, lòng đường.

Một rạp cưới trên đoạn đường đối diện Bưu điện thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. (Ảnh chụp vào 9 giờ ngày 26/10/2019, tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình).
Một rạp cưới trên đoạn đường đối diện Bưu điện thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. (Ảnh chụp vào 9 giờ ngày 26/10/2019, tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình).

Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Danh Tú - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh xung quanh vấn đề này. 

P.V: Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 9/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, UBND tỉnh đã giao cho Sở GTVT tham mưu giúp UBND tỉnh sửa đổi Quy định đảm bảo hợp lý, hiệu quả, đúng quy định hiện hành. Vậy việc tham mưu của ngành giúp UBND tỉnh đến đâu thưa ông?

Ông Bùi Danh Tú: Thời gian vừa qua, tại một số địa phương còn để xảy ra tình trạng sử dụng hè phố, lòng đường trái quy định để tổ chức đám tang, đám cưới. Trước tình hình đó UBND tỉnh đã có Công văn số 577/UBND-VX ngày 15/3/2019 và Công văn số 873/UBND-VX ngày 10/4/2019 chấn chỉnh thực hiện các quy định trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh, đồng thời UBND tỉnh đề nghị Sở GTVT nghiên cứu, xem xét sửa đổi các quy định tại Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND cho phù hợp với điều kiện thực tế. 



Ông Bùi Danh Tú - Ủy viên Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Yên Bái. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã có Văn bản số 412/SGTVT-QLKCHTGT  ngày 17/4/2019 đề nghị các sở, ngành, địa phương (4 sở, ngành và 9 địa phương) liên quan nghiên cứu, rà soát việc thực hiện và tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung (nếu cần) vào các nội dung tại Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND ngày 6/8/2015. 

Sau khi tổng hợp, nghiên cứu ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương cho thấy các Quy định của Quyết định vẫn sát thực tế, do vậy Sở GTVT đã giải trình, đề xuất giữ nguyên nội dung quyết định và báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định tại Văn bản số 465/SGTVT-QLKCHTGT ngày 27/4/2019.

Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND ngày 06/8/2015 của UBND tỉnh Yên Bái quy định tại Điều 5 về yêu cầu và điều kiện sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn, ùn tắc giao thông và chỉ nằm trong các trường hợp như: tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình.

Hoạt động phục vụ kinh doanh, buôn bán hàng hóa chỉ ở một số tuyến phố đặc thù nhưng phải bảo đảm các yêu cầu cụ thể; việc chiếm chỗ, sử dụng hè phố để xây dựng cửa hàng chỉ được lắp đặt tạm thời các cửa hàng, ki ốt phục vụ cho các dịp lễ hội và phải tháo dỡ sau khi kết thúc lễ hội theo quy định của chính quyền địa phương; việc sử dụng tạm thời một phần hè phố đối với hoạt động xã hội được xem xét trên nguyên tắc không gây cản trở giao thông cho người đi bộ, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Các trường hợp sử dụng hè phố không vào mục đích giao thông trên đều có quy định cụ thể, chi tiết cả về thời gian, mỹ quan, môi trường và đảm bảo an toàn giao thông.

Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện: phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu 1,5m; hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp. 

Yêu cầu không được gây mất trật tự, an toàn, ùn tắc giao thông. Riêng lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp: là điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội, thời gian sử dụng không quá thời gian tổ chức hoạt động; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị, sử dụng từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. 

Vị trí lòng đường được phép sử dụng tạm thời phải đáp ứng đủ các điều kiện: không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị; phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe cho một chiều đi, có kết cấu chịu lực phù hợp.

Như vậy, theo quy định hè phố được sử dụng tạm thời một phần để tổ chức đám tang, đám cưới nhưng phải đảm bảo các quy định cụ thể nêu tại Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND và phải được chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cấp giấy phép sử dụng tạm thời và tuyệt đối không được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để tổ chức đám tang, đám cưới. 

P.V: Theo Quyết định số 12, người dân vẫn được dựng rạp cưới, rạp tang trên hành lang đường nếu được cấp phép,  thưa ông?

Ông Bùi Danh Tú: Theo quy định tại Quyết định số 12 ngày 6/8/2015 của UBND tỉnh, hè phố được sử dụng tạm thời một phần để tổ chức đám tang, đám cưới nhưng phải đảm bảo các quy định nêu trong quyết định và phải được chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố cấp giấy phép sử dụng tạm thời, tuyệt đối không được phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường để tổ chức đám tang, đám cưới. Việc người dân, tổ chức cố tình sử dụng hè phố không xin phép, lòng đường để tổ chức đám tang, đám cưới trái quy định là vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định.

P.V: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh lẻ tẻ vẫn còn hiện tượng dựng rạp cưới chiếm tới 50% lòng đường, vậy đâu là nguyên nhân chính và cần những giải pháp gì để giải quyết triệt để tình trạng này thưa ông?

Ông Bùi Danh Tú: Theo quy định không được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức đám cưới, nhưng hiện nay vẫn còn hiện tượng này là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một số người dân chưa cao, công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương chưa sâu rộng, việc kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng chưa thường xuyên và chưa nghiêm nên một số người dân vẫn cố tình vi phạm.

Để giải quyết triệt để tình trạng dựng rạp cưới lấn chiếm lòng, lề đường, thứ nhất chính quyền các địa phương, các tổ chức cơ quan đoàn thể cần tích cực tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức đến người dân các quy định của Nhà nước về việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố không vào mục đích giao thông. 

Ở đây chính quyền cơ sở từ phường, xã đến tổ dân phố, các đoàn thể xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc chấp hành các quy định của người dân. 

Thứ hai, các lực lượng chức năng phải tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu UBND phường, xã, thị trấn nếu để xảy ra vi phạm. 

Thứ ba, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất với UBND tỉnh để đầu tư các công trình phục vụ các sự kiện, đám cưới, tang lễ tập trung bằng nguồn vốn ngân sách, xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp để đáp ứng nhu cầu của người dân.

P.V: Xin chân thành cảm ơn ông!   

Bùi Minh (thực hiện)

Tags Yên Bái rạp cưới lòng đường hè phố

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục