“Bỏ sổ hộ khẩu để tránh lãng phí, phiền hà”

  • Cập nhật: Chủ nhật, 31/5/2020 | 9:17:13 AM

Việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước, đồng thời gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân. Trên thực tế, cũng có rất nhiều vấn đề tiêu cực, nhũng nhiễu nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu và những giấy tờ liên quan.

Mã số định danh cá nhân gồm 12 chữ số, sẽ theo công dân suốt cuộc đời.
Mã số định danh cá nhân gồm 12 chữ số, sẽ theo công dân suốt cuộc đời.

Mã số định danh sẽ rút ngắn được hàng triệu giờ của công chức, người dân?

Dự thảo Luật Cư trú được Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày trước Quốc hội ngày 23/5 đề xuất bãi bỏ sổ hộ khẩu và các thủ tục hành chính liên quan, thay thế bằng hình thức quản lý qua mã số định danh cá nhân. Theo dự thảo, mã số định danh cá nhân là dãy số gồm 12 chữ số, xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mỗi công dân Việt Nam sẽ được nhận một mã số định danh cá nhân và gắn theo họ đến suốt cuộc đời.

Mỗi mã số định danh sẽ chứa đựng cơ sở dữ liệu về họ tên, ngày tháng năm sinh, nhóm máu, nơi thường trú, số chứng minh nhân dân, dữ liệu về cha mẹ, vợ hoặc chồng, dữ liệu về con cái, số hộ chiếu... Có thể hiểu, mã số này thể hiện gần như tất cả những thông tin cơ bản của người sở hữu, để tiện cho cơ quan quản lý cũng như người dân.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.

Trên cơ sở này, dự thảo luật cư trú cũng đề xuất bỏ các quy định về sổ hộ khẩu, hộ khẩu cấp cho gia đình, cá nhân, tách sổ hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu... Thông tin về nơi thường trú, tạm trú của công dân sẽ được số hóa, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Luật sư Nguyễn Đạt (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc thay đổi phương thức quản lý dân cư từ sổ hộ khẩu sang mã số định danh cá nhân là một bước tiến lớn trong công tác quản lý dân cư, hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của xã hội nói chung và áp dụng công nghệ thông tin nói riêng.

"Việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu như hiện nay gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước, đồng thời gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân. Trên thực tế, cũng có rất nhiều vấn đề tiêu cực, nhũng nhiễu nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu và những giấy tờ liên quan. Quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân sẽ giúp làm đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính cho công dân, góp phần bảo đảm quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn” – Luật sư Nguyễn Đạt nói.

Mã số định danh cấp cho công dân và được xây dựng vào kho dữ liệu toàn quốc, theo luật sư Nguyễn Đạt sẽ tiết kiệm được hàng triệu giờ phí phạm mà công chức, người dân bỏ ra để chấp hành quy định về sổ hộ khẩu.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Nguyễn Đạt thì việc sử dụng mã số định danh thay thế sổ hộ khẩu sẽ đứng trước một số khó khăn. Việc thay đổi những thói quen đã tồn tại 70 năm sẽ gây ra sự xáo trộn trong một số trường hợp. Để xác định thông tin pháp lý cần thiết trong quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch có thể sẽ gặp khó khăn, vì các bên không thể tự mình truy cập cơ sở dữ liệu về cư trú để xác định thông tin cần thiết. Bên cạnh đó là nguy cơ lộ bí mật thông tin cá nhân nếu cơ sở dữ liệu không được quản lý tốt.

Minh bạch hóa, tạo thuận tiện cho người dân

Bàn về mã số định danh cá nhân, luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng công lý cho rằng: Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do cư trú, đi lại, giao dịch, quyền bầu cử, ứng cử… là quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng và bảo vệ. Việc bỏ sổ Hộ khẩu góp phần tiến tới công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân.

"Hiện tại là kỷ nguyên số, tất cả dữ liệu cần số hóa là hợp với thời đại. Nhiều nước phát triển cũng đã có cách làm tương tự, số hóa để quản lý dữ liệu người dân và đã thành công. Đối với người dân, hiện tại họ làm việc, cư trú ở nhiều nơi. Nếu cần xác nhận việc gì liên quan đến cá nhân cũng phải về nơi đăng ký thường trú thì rất mất công, ví dụ xác nhận độc thân, xác nhân lý lịch tư pháp, xác nhận tạm vắng...” – Luật sư Lê Văn Kiên cho biết.

Luật sư Kiên cũng cho rằng việc số hóa dữ liệu dân cư cũng sẽ khiến cho công việc được tiến hành nhanh gọn, trôi chảy hơn trong phần lớn trường hợp: "Tôi lấy ví dụ trường hợp một nhân viên làm ở ngân hàng. Nếu có thể tiếp cận thông tin cá nhân với mã số định danh, thì trong phút chốc người nhân viên này có thể kiểm tra mọi thông tin về tài sản, có phạm tội hay không, tình trạng nợ vay tốt hay xấu. Việc đó sẽ giúp ngân hàng rải ngân cho vay rất nhanh, tiện lợi hơn, ít rủi ro”.

Trong khi đó, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP Luật sư Tinh thông luật) cho rằng đây là một đề xuất hợp lý, nhưng cơ quan chức năng cũng phải giải quyết được những bài toán còn vướng mắc. Bởi khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành. Bên cạnh đó là sự tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân. Vì việc chứng minh hộ gia đình và quan hệ nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế các sổ này trong việc chứng minh quan hệ hộ gia đình, xác định quan hệ nhân thân, giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước” – Luật sư Diệp Năng Bình nêu quan điểm.

Trưởng VP Luật sư Tinh thông luật cho rằng: Phương thức quản lý cư trú mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12/2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. Đây là nhiệm vụ đặt ra và với quyết tâm cao của Bộ Công an, của Chính phủ thì người dân có nhiều cơ sở để hi vọng Việt Nam sẽ thực hiện thành công việc số hóa dữ liệu dân cư và quản lý trên không gian mạng.

(Theo VOV)

Các tin khác
Hiện trường xảy ra vụ cháy

Khoảng 8h sáng ngày 16/4, tại phòng khám dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe của gia đình bà Bùi Thị Ban, tổ 2, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải đã xảy ra cháy.

Giao dịch viên của VNPT Yên Bái thực hiện chuẩn hóa thông tin cho khách hàng tại điểm giao dịch Km5, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Đến nay đã hơn một năm các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao cùng với sự vào cuộc triển khai nhiều giải pháp song hành của các cơ quan hữu trách nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng SIM “rác”. Tuy nhiên, người dân vẫn liên tục phải nhận các tin nhắn không mong muốn, các cuộc gọi rác, có dấu hiệu lừa đảo làm phiền, nhũng nhiễu.

Quang cảnh hội nghị

Ngày 16/4/2024, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái tổ chức phiên tòa trực tuyến, xét xử một vụ án hình sự.

Năm 2023 và quý I năm nay, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Yên Bái, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục