Tuyển sinh vào Trường mầm non Thực hành tỉnh:

Vui như đỗ “Ha-vớt” buồn như rớt đại học!

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cứ vào dịp tháng Sáu hàng năm là Trường Mầm non Thực hành tỉnh Yên Bái (Trường Thực hành) lại bắt đầu tiến hành công tác tuyển sinh cho năm học mới. Mấy năm trở lại đây, chuyện quá tải hồ sơ dự tuyển vào Trường không còn mới lạ. Với nhà trường, có thể coi đây là niềm vui vì sự tin tưởng, yêu mến của các bậc phụ huynh, nhưng cũng có khá nhiều chuyện khiến mọi người… “cười ra nước mắt”.

Ở trường, các cháu được tham gia nhiều trò chơi khơi gợi trí sáng tạo. Trong ảnh:
Ở trường, các cháu được tham gia nhiều trò chơi khơi gợi trí sáng tạo. Trong ảnh: "Em tập làm bác sĩ".

Xin được bắt đầu từ câu hỏi: Vì sao nhiều người chỉ muốn con mình được vào học ở Trường Thực hành? Câu trả lời không khó. Trước hết, đây là trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đầu tiên của thành phố Yên Bái. Trường nằm trên địa bàn phường Đồng Tâm - phường trung tâm của thành phố Yên Bái, nơi có nhiều cơ quan, ban, ngành đứng chân, rất thuận lợi cho việc đưa, đón trẻ của các bậc phụ huynh là cán bộ công chức công tác trên địa bàn. Nhưng điều cốt yếu, quan trọng nhất chính là chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đã tạo nên uy tín và “thương hiệu” riêng cho nhà trường.

Một ngày làm việc của các cô nuôi dạy trẻ nơi đây bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc sau 5 giờ chiều. Nhiều người đã nghĩ, trông trẻ là việc quá đơn giản, nhưng hãy thử chứng kiến một ngày làm việc của hai cô giáo với gần 30 em bé độ tuổi mầm non mới thấy hết sự kiên nhẫn, vất vả và đầy “phức tạp” của công việc này. Một ngày - 10 giờ đồng hồ căng thẳng vì những áp lực công việc, tất cả vì một mục tiêu mang lại những ngày vui và an toàn cho bé. Mùa đông cũng như mùa hè, ngày nắng cũng như ngày mưa, hình ảnh thân thuộc, gắn bó, đồng hành cùng những năm tháng đầu đời của trẻ thơ chính là các cô nuôi dạy trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh đã phải thừa nhận, trẻ con bây giờ nghe lời cô giáo hơn nghe lời ông bà, bố mẹ. Với chúng, cô giáo là cái gì đó thật tốt, thật đúng, thật tuyệt vời. Đã có người so sánh bằng hình ảnh, chỉ cần cô giáo vỗ nhẹ vào mông, bọn trẻ còn sợ hơn là bị bố mẹ cầm roi đánh. Cái “sợ ” của trẻ con chính là thành công của cô giáo trong việc uốn nắn, dạy dỗ, đưa các cháu vào nền nếp - điều mà nhiều bậc phụ huynh hiện nay còn lúng túng trong nuôi dạy con cái do bận công tác, không có nhiều thời gian gần gũi hoặc nuông chiều, đáp ứng một cách “vô điều kiện” trước nhu cầu của các bé.

Trở lại với chuyện tuyển sinh vào Trường Thực hành. Do yêu cầu về số lượng, để bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc trẻ độ tuổi mầm non nên hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh vào Trường ít hơn rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Đơn cử, năm học 2009 - 2010 tới đây, chỉ có khoảng 20 chỉ tiêu dành cho các bé sinh năm 2006 và 40 chỉ tiêu dành cho các bé sinh năm 2007 nhưng lượng hồ sơ dự tuyển nhiều gấp ba lần.

Tiêu chuẩn ưu tiên số một để bé được vào học ở Trường Thực hành là gia đình có hộ khẩu thường trú và bố mẹ công tác trên địa bàn phường Đồng Tâm. Nhưng nhiều người mới chỉ đáp ứng được một trong hai điều kiện trên; vì muốn con mình vào được trường đã “vận dụng” nhiều cách khác nhau như xin giấy đăng ký tạm trú cho bé vào phường Đồng Tâm; nhờ người quen, đến tận nhà cô hiệu trưởng trình bày hoàn cảnh… Người được thì không sao, người không được thì bức xúc, thậm chí còn tạo dư luận không tốt cho nhà trường.

Cô Đàm Thị Ngọ, Hiệu trưởng nhà trường, trong một lần nói chuyện với tôi đã tâm sự: “Việc nhiều người muốn xin cho con vào học ở Trường Thực hành, đối với nhà trường là điều vinh dự, sự động viên tinh thần rất lớn. Chúng tôi rất cảm động vì các bậc phụ huynh đã tin tưởng, đây cũng là động lực để mỗi giáo viên của trường phấn đấu, rèn luyện nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuyên môn và bồi dưỡng thêm lòng nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ...”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm nhiều chuyện... “cười ra nước mắt” xung quanh việc tuyển sinh vào trường.

Ngày công bố danh sách trúng tuyển, người được thì mừng vui, có mẹ còn reo lên, ôm chầm lấy người khác giữa sân trường vì thấy tên con mình. Nhiều mẹ còn dí dỏm khoe: “Con mình đỗ vào “Ha-vớt (Havard) Thực hành” rồi” (Havard - Trường đại học Mỹ danh tiếng hàng đầu thế giới) Người không được thì buồn không khác gì nghe con... trượt đại học.

Có người còn thiếu văn hoá, văng tục, chửi thề ngay tại bảng thông báo. Khổ nhất là có những người cùng cơ quan, cùng tổ dân phố, cùng nộp đơn xin cho con, đến khi chỉ có 1 - 2 trường hợp trúng tuyển, thế là bức xúc, đến tận Ban giám hiệu yêu cầu giải thích, thậm chí có người còn đòi “kiện” nhà trường; có vị phụ huynh còn tuyên bố với đồng nghiệp: “Con tôi mà không được thì con người A, người B… cũng sẽ không được”. Lại có người từ tỉnh khác mới chuyển về, không hiểu nghe ai giới thiệu, tìm đến tận nhà hiệu trưởng rồi “ra điều kiện”: “Cô phải cho con tôi vào học, nếu không tôi nhất quyết không cho cháu học ở trường khác.”. Có cặp vợ chồng giận nhau , thậm chí còn đòi “ly hôn” chỉ vì không “hoàn thành nhiệm vụ” xin học cho con vào Trường Thực hành.

Rồi chuyện có không ít người đến nhà hiệu trưởng, trong túi quà còn có cả “ tiêu cực phí ”, nhưng trước sự cương quyết của cô hiệu trưởng, họ phải mang về, dập tắt ngay suy nghĩ không đúng mà đâu đó trong dư luận đã đề cập đến. Tôi còn được biết, có phụ huynh đến tận nhà để xin học cho con nhưng chị hiệu trưởng đi vắng, ngay lập tức hôm sau chị tìm đến tận nơi để trả lại “lá thư bí ẩn” cho chủ của nó.

Chúng tôi hiểu và thông cảm với những tình huống khó xử của nhà trường, nhất là đối với những trường hợp phải chịu “sức ép” về tâm lý, tình cảm, thậm chí có khi còn ảnh hưởng cả tiếng nói của lãnh đạo ngành, lãnh đạo tỉnh. Nhưng không vì thế mà trường làm sai nguyên tắc, các cháu đảm bảo đủ tiêu chuẩn, thuộc đối tượng ưu tiên số một bao giờ cũng trúng tuyển ngay, sau đó mới xét đến đối tượng khác.

Kết

Xin được kết thúc bài viết này bằng chính suy nghĩ của cô Đàm Thị Ngọ: “Thực tế, chất lượng các trường mầm non trên địa bàn thành phố hiện nay đều tốt, nhưng số lượng hồ sơ dự tuyển vào Trường Thực hành năm nào cũng quá tải. Nhà trường luôn xác định, phải lấy chất lượng giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ làm chuẩn. Trường đã tạo được hình ảnh, tình cảm, niềm tin với nhiều bậc phụ huynh, điều đó càng thôi thúc cán bộ, giáo viên phải tiếp tục đổi mới, xây dựng và tạo thêm nhiều yếu tố làm nên sự khác biệt giữa Trường Mầm non Thực hành với các trường mầm non khác trên địa bàn. Mong rằng, với trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Thực hành, nhiều bậc phụ huynh sẽ thông cảm và chia sẻ với nhà trường nếu con, cháu mình không trúng tuyển…”.

Chuyện vui, buồn mùa tuyển sinh ở Trường Mầm non Thực hành càng làm chúng ta suy nghĩ và ước ao: Giá như trên địa bàn tỉnh có thêm được những trường mầm non được đầu tư về “chất” như thế có phải việc lo cho thế hệ măng non vào đầu cấp đỡ làm đau đầu bố mẹ và cả xã hội?

 Hồng Thanh Tâm

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục