Vỡ mộng đổi đời sau “xuất ngoại”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/2/2016 | 9:56:42 AM

YBĐT - Do không có bằng cấp, trình độ nên rất nhiều lao động nghèo đã tìm đường vượt biên sang Trung Quốc làm thuê với giấc mơ đổi đời. Tuy nhiên, cuộc sống mới không lý tưởng như họ mong chờ mà ngược lại đã có không ít người trở về trong nỗi sợ hãi, bệnh tật và nghèo đói, thậm chí đã có nhiều trường hợp phải bỏ mạng nơi đất khách, quê người.

Lực lượng Công an huyện Yên Bình tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép.
Lực lượng Công an huyện Yên Bình tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép.

Thế nhưng, số lượng người vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê hàng năm vẫn không ngừng gia tăng và kéo theo hàng loạt những hệ lụy đau lòng. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này? Đó vẫn đang là một bài toán nan giải đối với các lực lượng chức năng.

Cứ mỗi lần có các cán bộ của huyện và của xã đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ, chị Mè Thị Lẩu, 49 tuổi, sống tại thôn Pa Te, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu lại không giấu được nỗi buồn. Điều làm chị ân hận nhất đó là ngay từ đầu chị đã không quyết liệt ngăn cản đứa con gái lớn của mình là cháu Lèo Thị Y, sinh năm 2000 có ý định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động, để bây giờ khi nhận ra mọi thứ đều đã quá muộn.

Chị cho biết: “Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cháu thương tôi tàn tật và các em còn nhỏ nên đã xin đi làm thuê. Hơn 1 năm rồi, từ lúc đi, cháu chỉ gọi điện về nhà có 1 lần và bảo đang ở bên Trung Quốc. Tôi thấy cháu khóc nhiều lắm. Giờ thì chẳng nhận được tin tức gì, không biết cháu ở đâu nữa rồi. Thương con nhưng cũng chẳng biết phải làm gì, chỉ mong không có chuyện gì xảy ra với cháu”.

May mắn hơn trường hợp của cháu Lèo Thị Y, chị Lý Thị Bình ở thôn 7, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên sang Trung Quốc lao động làm thuê từ khoảng đầu tháng 2/2015 đến nay đã trở về với gia đình. Chị cho biết, trước đây, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định, lại được một số người trong thôn rủ rê, lôi kéo nên chị đã quyết định xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê với mong muốn tìm một công việc lương cao để trang trải cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, khi sang đó mới chỉ được hơn 1 tháng, do phải lao động vất vả trong điều kiện không bảo đảm nên chị đã kiệt sức và bị chủ lao động người Trung Quốc tìm mọi cách đuổi về Việt Nam.

Công việc nhàn hạ, lương cao, không phải lo giấy tờ xuất cảnh, chỉ cần đồng ý đi là sẽ có người đưa sang tận bên kia biên giới - bằng những thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ và những lời mật ngọt như vậy mà trong thời gian qua đã có hàng trăm lượt người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh Yên Bái đánh cược số phận của mình khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê với một mong muốn duy nhất là được đổi đời.

Theo thống kê của Công an tỉnh, tính đến hết năm 2015, số lượng người xuất cảnh đi lao động trái phép đã lên tới hơn 2.700 người. Những địa bàn có số lượng người xuất cảnh lao động trái phép nhiều nhất phải kể đến như: Văn Chấn, Yên Bình, Văn Yên…

Lợi dụng nhu cầu việc làm của số lao động nhàn rỗi, số lao động tự do có thu nhập thấp và thông qua quan hệ gia đình, bạn bè, số đối tượng đã và đang ở Trung Quốc về thăm thân nhân tiếp cận, tuyên truyền và lôi kéo sang Trung Quốc lao động.

Thậm chí, để tạo niềm tin, các đối tượng này còn có cả hợp đồng viết tay với người lao động, bảo đảm đưa người sang Trung Quốc, sắp xếp công ănviệc làm, nếu không thì sẽ hoàn trả lại tiền.

Theo Đại tá Bùi Đức Ly - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị, Công an tỉnh, việc người dân tự ý xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động không chỉ vi phạm pháp luật mà còn phải gánh chịu nhiều rủi ro như: không được bảo vệ quyền lợi, bị đánh đập, bị quỵt tiền lương, phải lao động trong điều kiện không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe, một số trường hợp còn bị bán vào các cơ sở mại dâm hoặc làm vợ người dân tộc bản địa...

Bên cạnh đó, tình trạng này đang gây ra những ảnh hưởng xấu trong xã hội. Nhiều trường hợp lao động trái phép đi về đã du nhập lối sống thực dụng, mắc vào các tệ nạn xã hội, gây mâu thuẫn trong gia đình. Lao động trụ cột đi để lại người già và trẻ nhỏ, các em không được quản lý, dạy dỗ, dễ sa vào các thói hư, tật xấu…

Mặt khác, lực lượng xuất cảnh lao động trái phép chủ yếu là thanh niên. Đây cũng là lực lượng lao động chính ở địa phương nên gây nhiều khó khăn về sản xuất; bên cạnh đó, các chi đoàn thanh niên ở các khu dân cư hiện cũng khó hoạt động do thiếu đoàn viên. Việc thực hiện chính sách ở địa phương cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Trước thực trạng này, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo xuống từng xã thành lập các tổ vận động, tuyên truyền; trong đó, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt cùng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể xuống từng hộ dân để tuyên truyền, vận động.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng đã huy động lực lượng an ninh, phong trào xuống địa bàn để nắm tình hình, kịp thời xử lý các đối tượng rủ rê, lôi kéo và tổ chức đưa người đi xuất cảnh trái phép.

Từ đầu năm từ năm 2014 đến nay, Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố 3 vụ/6 bị can về tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép; hàng trăm lao động xuất cảnh trái phép cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, nhiều người dân do trình độ nhận thức còn hạn chế nên vẫn tiếp tục xuất cảnh trái phép, bất chấp những hậu quả có thể xảy ra.

Vẫn biết xuất khẩu lao động với mong muốn thay đổi cuộc sống nghèo khó là ước mơ chính đáng, là một trong những hướng xóa đói giảm nghèo hiệu quả của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nếu là vượt biên trái phép để phải gánh chịu những hệ lụy khôn lường thì lại là sự lựa chọn sai lầm.

Đỗ Huy - Cảnh Toàn

Các tin khác
Ông Lê Tùng Vân tại phiên tòa hồi tháng 7/2022.

Ông Lê Tùng Vân, 92 tuổi, sống tại "tịnh thất Bồng Lai", bị khởi tố về hành vi Loạn luân, sau thời gian dài nhà chức trách làm rõ nguồn tin tố giác tội phạm.

Ảnh minh họa

Với hành vi phát sóng trực tiếp trận đấu có hình ảnh quảng bá, quảng cáo các website cá độ vi phạm pháp luật Việt Nam, FPT Telecom và VTV vừa bị phạt hành chính lần lượt 85 triệu đồng và 50 triệu đồng.

Tiểu phẩm “Lầm lỡ” do học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Lục Yên biểu diễn tại chương trình ngoại khóa tuyên truyền phòng chống ma túy học đường mang đến thông điệp: Nói không với chất gây nghiện và ma túy.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội, hình thành ý thức, thói quen tuân thủ nội quy, quy chế cho các em.

Bị cáo Phạm Đình Cự (đứng) và Đỗ Duy Vinh (ngồi) tại phiên toà.

Ông Phạm Đình Cự (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) đã bị toà xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo vì gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục