“Mẻ lưới” lớn của cảnh sát truy nã tội phạm

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/3/2016 | 9:34:14 AM

YBĐT - Khi đã ngồi sau song sắt của Trại Tạm giam Công an tỉnh Yên Bái, Lê Thế Cường, sinh năm 1979, thường trú tại xã Y Can, huyện Trấn Yên mới thức sự hiểu được rằng, đã phạm tội thì trước sau cũng phải đền tội.

Các đối tượng tại cơ quan công an.
Các đối tượng tại cơ quan công an.

19 năm trốn chui lủi, qua nhiều tỉnh, thành, đã xây dựng được vỏ bọc khá vững chắc (có gia đình, vợ con, có hộ khẩu, đất đai, nhà cửa mãi tận Tây Nguyên xa xôi), Cường vẫn phải tra tay vào còng số 8 trở về Yên Bái chờ một bản án thích đáng dành cho mình.

Chuyến xuất quân đầu tiên của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Yên Bái xuân Bính Thân do Thượng tá Đinh Xuân Nghĩa - Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm chỉ huy lên đường đáp máy bay vào Nam. Hành trình của các anh mang theo là nguồn thông tin ngắn ngủi nhưng rất “quý hiếm” về những tên tội phạm đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái phát lệnh truy nã.

Đồng hành với tổ công tác gồm 4 cảnh sát truy nã chính là ý chí quyết tâm, lập thành tích xuất sắc, mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới. Với ý chí quyết tâm và kinh nghiệm chiến đấu của những chiến sỹ cảnh sát truy nã dạn dày nhất, lại được các đồng nghiệp thuộc cơ quan công an các tỉnh bạn, chỉ một thời gian ngắn, tổ công tác của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã bắt giữ được bị can Hoàng Liên Sơn, hộ khẩu thường trú nơi bỏ trốn tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên. Sơn can tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.

Sau khi gây án, Sơn đã bỏ trốn và bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trấn Yên phát lệnh truy nã. Không mất nhiều thời gian và sức lực, lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Yên Bái đã bắt giữ Hoàng Liên Sơn khi hắn đang lẩn trốn tại xã Ea Kiệt, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp đó, tổ công tác Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm đã bắt được bị can Trần Tiến Dũng, hộ khẩu thường trú khi bỏ trốn tại xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên. Dũng can tội đánh bạc, bị cơ quan cảnh sát điều tra phát lệnh truy nã. Để lẩn tránh sự truy bắt của cơ quan công an, Dũng đã lẩn trốn vào tận thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum.

Trong “mẻ lưới” mà lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Yên Bái giăng lên ở các tỉnh Tây Nguyên dịp đầu xuân Bính Thân, có Chuyên án mang bí số 298C - một chuyên án lớn, đã bắt một “con cá” lớn mang tên Lê Thế Cường, sinh năm 1979, thường trú trước khi lẩn trốn tại xã Y Can, huyện Trấn Yên, một tên tội phạm đã gây ra một vụ án nghiêm trọng, rồi bỏ trốn suốt 19 năm qua. Vụ án đánh người gây thương tích xảy ra tại xã Y Can, huyện Trấn Yên vào tối ngày 24/5/1997, nạn nhân là Phạm Trọng Tuệ, thường trú tại xã Minh Tiến, huyện Trấn Yên.

Anh Phạm Trọng Tuệ đã bị Lê Thế Cường dùng côn gỗ đánh nhiều phát vào đầu và vùng mặt, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức. Bản giám định thương tích pháp y ngày 8/8/1997 kết luận, Phạm Trọng Tuệ mất vĩnh viễn 48% sức khỏe. Ngày 15/8/1997, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trấn Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Thế Cường.

Sau khi gây án, Lê Thế Cường đã lập tức bỏ trốn nên đến ngày 10/2/1998, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phát lệnh truy nã toàn quốc đối với bị can này. Biết mình đã gây trọng án, bị bắt sẽ phải ngồi tù, Cường bỏ trốn qua nhiều địa phương như: Phú Thọ, Hà Nội, Bình Phước, thành phố Hồ Chí Minh, rồi đến đầu năm 2000, y đã chọn địa bàn Tây Nguyên làm nơi ẩn náu, tất nhiên nơi lẩn trốn đều thuộc các địa bàn vùng sâu, vùng xa rất hẻo lánh.

Khoảng năm 2002, Lê Thế Cường đã xây dựng gia đình với chị Ngân Thị Tứ, người dân tộc Thái từ Nghệ An di cư vào Đắk Lắk và đã sinh được hai người con. Lợi dụng sự sơ hở của chính quyền và cơ quan chức năng, Cường đã có hộ khẩu, mua nhà và ổn định cuộc sống với nghề đào giếng thuê cho người dân trồng cà phê.

Thượng tá Đinh Xuân Nghĩa cho biết: “Suốt quá trình lẩn trốn, Cường không trở về địa phương thăm gia đình, không thông tin liên lạc, người thân của Cường ở xã Y Can đã nhiều lần loan tin Cường đã chết. Tên tội phạm đã lẩn trốn gần 20 năm, thông tin về hắn rất mờ mịt, Cường lại chọn Tây Nguyên, nơi có địa hình phức tạp, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt… thì việc phát hiện và bắt giữ là vô cùng khó nhưng ngày nào tội phạm truy nã còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì ngày ấy, các chiến sỹ công an còn “mang nợ” với nhân dân và các chiến sỹ cảnh sát truy nã tội phạm đã vượt lên gian khó với ý chí quyết tâm cao nhất”.

Được biết, suốt hành trình truy nã của mình, lực lượng Công an Yên Bái đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ hết lòng, hết sức của công an các tỉnh bạn cũng như sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Ngày 22/2/2016, tổ công tác của Công an Yên Bái đã đến Công an tỉnh Đắk Lắk. Sáng sớm ngày 24/2/2016, anh em cùng các chiến sỹ PC52 Công an tỉnh bạn di chuyển về huyện Cư M'gar - địa phương mà Lê Thế Cường ẩn náu.

Tây Nguyên tháng Hai nắng vàng rực rỡ, hoa nở trắng rừng, buôn làng vang tiếng chiêng, tiếng trống, đồng bào hòa mình trong các lễ hội. Tổ công tác của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm vượt qua những cánh rừng đại ngàn, băng qua những nương cà phê bát ngát đến thẳng buôn Thái Ea Kuêh, quá trình xác minh tên tuổi của Lê Thế Cường với công an địa phương diễn ra rất nhanh và chính xác nhưng chưa thể bắt ngay được Lê Thế Cường vì trinh sát báo về Cường đang đi làm thuê ở xã bên, hắn sẽ về khi hết giờ làm việc.

Thượng tá Đinh Xuân Nghĩa nhận định: “Tất cả vẫn an toàn, Cường chưa thể biết Công an từ Yên Bái đã về tận nơi thâm sơn cùng cốc này để bắt hắn”. Dù vậy, những cán bộ, chiến sỹ cảnh sát vẫn triển khai các biện pháp nghiệp vụ, mật phục, đón đường để bắt bằng được Lê Thế Cường một cách an toàn nhất.

17 giờ 50 cùng ngày, mặt trời đã khuất núi, Cường lầm lũi từ xã bên trở về đến cổng thì tổ công tác ập vào còng tay hắn, khiến hắn không thể có những hành động chống cự hoặc bỏ chạy. Câu hỏi: “Cường, mày có tội, mày biết không?” của cảnh sát truy nã Yên Bái vang lên. Cường cúi đầu đáp khẽ: “Có” trước sự ngỡ ngàng của vợ và gia đình, hàng xóm bởi hơn 10 năm qua, Cường không hề tâm sự với vợ về hành vi phạm tội của mình, tuyệt nhiên không cho vợ và gia đình nhà vợ biết tung tích thật của mình.

Ngày 28/2/2016, tên tội phạm Lê Thế Cường cùng Hoàng Liên Sơn và Trần Tiến Dũng đã được di lý từ Đắk Lắk về Yên Bái và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra.

“Mẻ lưới” đầu xuân của Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Yên Bái đã bắt được 3 “con cá lớn”, trong niềm hân hoan mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương đổi mới. Chiến công nối tiếp chiến công, cán bộ, chiến sỹ cảnh sát truy nã tội phạm đã và đang viết tiếp trang sử vàng của Công an tỉnh Yên Bái và truyền thống 70 năm lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm Công an nhân dân anh hùng.

 Lê Phiên

Các tin khác
Ảnh minh họa

Với hành vi phát sóng trực tiếp trận đấu có hình ảnh quảng bá, quảng cáo các website cá độ vi phạm pháp luật Việt Nam, FPT Telecom và VTV vừa bị phạt hành chính lần lượt 85 triệu đồng và 50 triệu đồng.

Tiểu phẩm “Lầm lỡ” do học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Lục Yên biểu diễn tại chương trình ngoại khóa tuyên truyền phòng chống ma túy học đường mang đến thông điệp: Nói không với chất gây nghiện và ma túy.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội, hình thành ý thức, thói quen tuân thủ nội quy, quy chế cho các em.

Bị cáo Phạm Đình Cự (đứng) và Đỗ Duy Vinh (ngồi) tại phiên toà.

Ông Phạm Đình Cự (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) đã bị toà xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo vì gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Từ lời trình báo của nữ kế toán bị chiếm đoạt hơn 19,9 tỷ đồng, vào cuộc điều tra, cơ quan Công an phát hiện đường dây tội phạm xuyên quốc gia, chuyên hoạt động lừa đảo, rửa tiền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục