Phía sau những vụ cháy rừng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2016 | 10:03:36 AM

YBĐT - L.T.S: Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như kiến thức, hiểu biết pháp luật cho người dân, từ tháng 4/2016, Báo Yên Bái mở chuyên mục “Chuyện vụ án” đăng trên trang 8, tuần 1 và tuần 3 hàng tháng. Ban biên tập Báo Yên Bái rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả!

Bị cáo Mùa A Phong trong phiên tòa xét xử lưu động tại xã Pá Hu (Trạm Tấu).
Bị cáo Mùa A Phong trong phiên tòa xét xử lưu động tại xã Pá Hu (Trạm Tấu).

Khỏi phải nói đến những khó khăn, vất vả cũng như thời gian của các lực lượng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong quá trình chiến đấu với giặc lửa để bảo vệ lá phổi xanh. Bởi, nếu đã từng tham gia chống giặc lửa thì ai cũng có chung tâm lý "bắt được đối tượng đốt rừng phải xử thật nặng".

Song, phía sau những đám cháy ấy là cả ngàn lẻ một lý do; trong đó, có những lý do rất đơn giản như: người dân vô tình nướng thức ăn, hút thuốc lá vứt tàn thuốc xuống đất, mong có đám cỏ non mọc mới cho đàn gia súc... Đau lòng hơn là hầu hết các nguyên nhân gây cháy rừng đều xuất phát từ ý thức chủ quan và sự kém hiểu biết pháp luật của người dân.

Đầu tiên phải kể đến vụ cháy 5,1 ha rừng đầu nguồn Háng Gàng ngày 4/2/2014 do đối tượng Hảng A Sình, sinh 1993, ở bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải) đốt rừng "để cho cỏ mọc làm bãi chăn thả gia súc của gia đình".

Phát hiện cháy rừng, Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng của 3 xã: Dế Xu Phình, Kim Nọi và Lao Chải cùng các ngành chức năng, Ban quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện đã kịp thời huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ tham gia dập lửa hết 1 ngày mới khống chế được đám cháy. Sau hơn 1 tháng xảy ra cháy rừng, Hảng A Sình mới đến trụ sở xã tự thú về hành vi đốt rừng của mình. Diện tích rừng bị cháy do Sình đốt là 5,1 ha, mức độ thiệt hại là 100% diện tích cây thông trồng năm 2006 bị cháy không có khả năng phục hồi, giá trị tài sản rừng bị cháy trên 38,3 triệu đồng.

Hảng A Sình bị Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mù Cang Chải truy tố về tội "Hủy hoại rừng" theo Điểm b Khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự. Tại phiên xử sơ thẩm ngày 28/8/2014, sau khi nghe luận tội và tuyên án 5 năm tù, Sình rất hối hận, cùng gia đình xin tự giác nộp 1 triệu đồng mua cây giống cho Ban quản lý rừng phòng hộ và khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại diện tích rừng đã bị cháy.

Không giống bị cáo Sình ở Mù Cang Chải, bị cáo Cầm Ngọc Hùng nhiều hơn Sình 10 tuổi, trú tại tổ 10, phường Trung Tâm (thị xã Nghĩa Lộ) là công nhân hợp đồng của Công ty cổ phần Đại Sơn làm nhiệm vụ giám sát việc khai hoang, thu dọn thực bì trên diện tích đất được quy hoạch trồng cây cao su ở huyện Văn Chấn để giao đất cho Công ty Cao su Yên Bái.

Ngày 2/3/2014, theo chỉ đạo của Công ty về việc yêu cầu các hộ dân đã nhận đền bù và tiền hỗ trợ thu dọn thực bì tại khu vực thôn Khe Lo, xã Nậm Mười đốt, dọn nương để giao đất. Hùng gọi điện cho anh Bàn Sinh Viên nhắc gia đình đốt, dọn nương nhưng vợ anh Viên nghe điện thoại nói chồng chị bị ốm, không tới được, nhờ Hùng đốt nương giúp, nếu xảy ra việc gì thì sẽ chịu trách nhiệm. Hùng đã nhận lời giúp gia đình anh Viên đốt nương dọn thực bì.

Do không thực hiện các biện pháp PCCC rừng cần thiết nên khi đốt, Hùng đã làm cháy lan sang diện tích rừng trồng sản xuất năm 2004 tại hai thôn Bó Siu và Khe Lo, xã Nậm Mười với tổng diện tích 45.000 m2. Cầm Ngọc Hùng đã bị Tòa án Nhân dân huyện Văn Chấn tuyên phạt mức án 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về PCCC" theo Khoản 3 Điều 240 Bộ luật Hình sự. Bị cáo còn phải chịu trách nhiệm dân sự bồi thường cho Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng của huyện Văn Chấn số tiền trên 216 triệu đồng và bồi thường cho gia đình có đất, rừng được giao số tiền 50 triệu đồng.

Xảy ra cháy rừng có lẽ là điều đáng sợ nhất với tất cả đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của địa phương sở tại. Nhiệm vụ đầu tiên là báo động và huy động tất cả các lực lượng tại chỗ từ cán bộ, đảng viên cho tới nhân dân cùng tham gia dập lửa, cứu rừng. Sau đó, mới tính thiệt hại từ diện tích rừng bị cháy, điều tra làm rõ nguyên nhân và xử lý đối tượng vi phạm.
Gần đây nhất là trường hợp gây cháy rừng ngày 2/4/2015 cũng từ nguyên nhân đốt nương trồng sắn của hai vợ chồng Mùa A Phong, sinh năm 1985, ở xã Pá Hu (Trạm Tấu), làm cháy 17,5 ha rừng với tổng trị giá gần 46,8 triệu đồng. Mặc dù Phong đã cùng vợ dọn cỏ khô vun thành từng đống để đốt từ 5 giờ sáng. Sau 2 giờ, thấy lửa đã cháy hết, chỉ còn một ít tàn đang cháy trên đầu mảnh nương, Phong dùng cuốc đào đất lấp vào tàn lửa rồi mới đi về nhà.

Song, do thời tiết hanh khô, gió thổi mạnh làm lửa cháy lan sang khu rừng sản xuất của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu. Khi có người báo tin, hai vợ chồng đã hô gọi người nhà cùng lên dập lửa. Đến 12 giờ 30 cùng ngày, lửa chưa dập được, Phong cử người nhà về nấu cơm mang đến hiện trường phục vụ những người tham gia chữa cháy và đến 18 giờ chiều cùng ngày, ngọn lửa mới được dập tắt. Dù đã tích cực dập lửa nhưng hành vi đốt nương làm cháy rừng của Phong cũng đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về PCCC" và phải đối diện với mức án 7 năm tù mà các cơ quan chức năng huyện Trạm Tấu đã truy tố, xét xử cuối tháng 3 vừa qua.

Đồng chí Đỗ Thái Trung - Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Trạm Tấu tâm sự: "Với huyện vùng cao Trạm Tấu, trung bình mỗi năm, chúng tôi cũng tham gia xét xử từ 1 - 2 vụ án cháy rừng, hầu hết đều do nguyên nhân chủ quan và trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế của người dân. Vì vậy, những vụ án cháy rừng thường được xét xử lưu động để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hiểu rõ mà hạn chế vi phạm".

Là cán bộ công tác ở các cơ quan truy tố, xét xử nhưng khi địa bàn có báo cháy thì tất cả cán bộ, anh em "làm án" cũng đều phải "khăn gói lên rừng chống giặc lửa".

Đi đã mệt, lên núi dập lửa mệt gấp bội phần nhưng không thể so sánh được với tâm trạng thao thức, nỗi băn khoăn, trăn trở của anh em trước khi đặt bút ký vào bản cáo trạng hay bản án xét xử đối tượng làm cháy rừng. Tôi hiểu, trong phiên xử Mùa A Phong hôm ấy, ai cũng thấy thương hoàn cảnh của "ông chủ gia đình người Mông không biết chữ với 5 đứa con nhỏ. Đứa lớn sinh năm 2007, nhỏ mới vừa tròn 1 tuổi". Vợ dại, con thơ, là lao động chính trong gia đình, nay phải đối diện mức án 7 năm tù thực sự là điều chẳng ai mong muốn.

Mong cho vùng cao không còn cảnh cháy rừng để lá phổi thiên nhiên luôn lành lặn và những giọt nước mắt hối hận muộn màng do thiếu kiến thức pháp luật của đồng bào trước vành móng ngựa sẽ được đổi bằng những giọt mồ hôi thấm vào đất mẹ để những cánh rừng phía Tây của tỉnh mãi ngút ngàn những màu xanh.

Hà Thanh

Các tin khác
Ảnh minh họa

Với hành vi phát sóng trực tiếp trận đấu có hình ảnh quảng bá, quảng cáo các website cá độ vi phạm pháp luật Việt Nam, FPT Telecom và VTV vừa bị phạt hành chính lần lượt 85 triệu đồng và 50 triệu đồng.

Tiểu phẩm “Lầm lỡ” do học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Lục Yên biểu diễn tại chương trình ngoại khóa tuyên truyền phòng chống ma túy học đường mang đến thông điệp: Nói không với chất gây nghiện và ma túy.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội, hình thành ý thức, thói quen tuân thủ nội quy, quy chế cho các em.

Bị cáo Phạm Đình Cự (đứng) và Đỗ Duy Vinh (ngồi) tại phiên toà.

Ông Phạm Đình Cự (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) đã bị toà xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo vì gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Từ lời trình báo của nữ kế toán bị chiếm đoạt hơn 19,9 tỷ đồng, vào cuộc điều tra, cơ quan Công an phát hiện đường dây tội phạm xuyên quốc gia, chuyên hoạt động lừa đảo, rửa tiền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục