Day dứt nỗi đau từ vụ án buôn bán người

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2016 | 3:05:30 PM

YBĐT - Người làng, người bản cùng có mặt trong một phiên tòa, họ đối nghịch nhau bởi kẻ là bị cáo, người là bị hại nhưng điểm chung ở họ là nước mắt. Khóc vì ân hận, khóc vì căm tức và khóc vì buồn thương, tất cả chỉ vì tham lam và thiếu hiểu biết.

Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Sùng A Tang, sinh năm 1994, ở thôn Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, là một thanh niên người Mông khỏe mạnh. Từ lúc 19 tuổi, Tang đã lên biên giới Việt - Trung để làm thuê. Tại đây, Sùng A Tang đã quen với một người đàn ông Trung Quốc tên là Sin. Có lần, Sin nói với Tang rằng: “Có phụ nữ thì đưa sang Trung Quốc bán” và bọn chúng đã lưu số điện thoại để tiện liên lạc khi có “hàng”.

Khoảng đầu năm 2015, khi đang làm thuê tại bãi vàng Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, Sùng A Tang thường xuyên tâm sự qua điện thoại với Thào Thị Của, người thôn Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải với cái tên là Seo nhà ở Mường Khương.

Qua tâm sự, Tang được biết, chị Của thường xuyên bị chồng đánh, gia đình khó khăn nên muốn sang Trung Quốc để lấy chồng và tìm việc làm. Sau nhiều lần Của nhờ đưa sang Trung Quốc, Tang nảy ra ý định bán Của cho Sin để lấy tiền như đã hẹn nhau từ trước.

Sáng ngày 10/8/2015, Thào Thị Của cùng Giàng Thị Xê (em chồng của mình) đang đi làm nương thì Của gọi điện. Của nói với Tang: “Đang đi nhổ lạc bán lấy tiền sang Trung Quốc”, Sùng A Tang thấy vậy bảo: “Không phải lo, Tang sẽ đến đón và lo chi phí đi đường”.

Câu chuyện giữa Tang và Của được Xê nghe thấy, Xê bảo Của cho đi cùng, Của và Tang đã đều đồng ý. Tang hẹn hai chị em xuống quốc lộ 32 thuộc huyện Mù Cang Chải để Tang đón đi Trung Quốc vào buổi tối cùng ngày. Do không có xe đi lại, Sùng A Tang đã gặp và bảo Giàng A Dình, sinh năm 1996, người thôn Đề Sủa, xã Lao Chải (làm thuê cùng Tang ở bãi vàng Minh Lương) cùng mang hai phụ nữ sang Trung Quốc bán lấy tiền.

Thấy vậy, Dình đã đồng ý và cả hai góp tiền làm chi phí đi lại. Chiều ngày 10/8/2015, Tang và Dình đeo khẩu trang lên mặt (với mục đích không cho chị em Của và Xê nhận ra), mua hai bộ quần áo phụ nữ người Kinh (với mục đích không cho mọi người biết khi đi đường), bọn chúng về Than Uyên thuê một chiếc xe taxi làm phương tiện đi lại cho nhanh chóng và an toàn để thực hiện phi vụ “làm ăn”.

Đúng hẹn, Tang và Dình đón chị em Của và Xê, chúng đi thẳng một mạch lên đến Mường Khương thì trời đã rạng sáng. Đã có thời gian làm việc tại đường biên nên Tang khá thông thạo đường sá. Hắn dẫn hai chị em vào sâu trong nội địa Trung Quốc để gặp Sin và bọn buôn người phía bên kia biên giới. Tại đây, Tang và Dình đã bán hai phụ nữ cùng xã với giá 12.000 nhân dân tệ. Bán xong người, chúng quay lại Việt Nam, đến xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, quy đổi sang tiền Việt Nam đồng được 42 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, Tang chia cho Dình 20 triệu đồng. Bọn chúng chi dùng số tiền vào việc mua xe máy và ăn tiêu hết số tiền kiếm được từ vụ bán hai phụ nữ.

Thào Thị Của sau khi bị bán đã bị một số người đưa đi nhiều nơi, sau đó bị Công an Trung Quốc bắt giữ, đến ngày 28/8/2015, được trao trả về Việt Nam; còn Giàng Thị Xê sau khi bị bán sang Trung Quốc không xác định được hiện đang ở đâu. Quá trình làm việc với cơ quan công an, Thào Thị Của đã xác định người đưa mình sang Trung Quốc chính là Sùng A Tang, người cùng xã. Cơ quan cảnh sát điều tra lập tức vào cuộc và Sùng A Tang và Giàng A Dình đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Vụ án mua bán người ở xã Lao Chải đã khép lại, Sùng A Tang bị tuyên phạt 7 năm tù, Giàng A Dình lĩnh án 6 năm nhưng điều day dứt cho những ai tham dự phiên tòa và cả những người theo dõi vụ án vẫn còn đọng mãi. Tại sao Tang và Dình lại cả gan bán cùng lúc hai người cùng làng, cùng xã của mình sang bên kia Trung Quốc. Chúng có biết đó là trọng tội, phải chịu hình phạt lên đến cả chục năm tù? Đã có quá nhiều bài học, rất nhiều lần tuyên truyền rồi nhưng sao Của lại mong muốn sang Trung Quốc để lấy chồng và tìm việc làm? Khi biết chị dâu bỏ anh mình đi Trung Quốc mà Xê không những không ngăn cản lại còn xin được đi cùng?

Vấn đề đặt ra là, chúng ta phải đổi mới công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật, đặc biệt tại vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần để cho những nạn nhân của những vụ buôn người như chị Thào Thị Của kể lại những ngày cực nhục ở bên Trung Quốc để mọi người, nhất là những đối tượng có nguy cơ bị mua bán và những ai hiểu lầm rằng, sang Trung Quốc làm việc và lấy chồng sẽ được đổi đời, từ đó cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của những tên tội phạm.

Tấn Đạt

Các tin khác
Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Sáng 28/3, tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Yên Bái (TPYB) tổ chức Phiên tòa lưu động xét xử 5 vụ án hình sự liên quan đến các tội danh: buôn bán, tàng trữ ma túy; sản xuất, buôn bán hàng cấm và vô ý làm chết người…

Bị can Phạm Hoàng Anh.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị Cơ quan điều tra khởi tố về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.

Ông Lê Viết Chữ tại cơ quan điều tra

Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng rời phiên tòa sau khi nghe bản án sơ thẩm.

Tòa ghi nhận toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 bị hại đã được Tân Hoàng Minh nộp khắc phục đầy đủ nên cho ông Dũng và 14 bị cáo hưởng mức án thấp nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục