Trục lợi từ mua bán hóa đơn khống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/4/2017 | 11:38:32 AM

YBĐT- Tháng 1/2017, Tòa án nhân dân huyện Văn Yên xét xử 3 bị cáo: Lự Tuyên Huấn, Lự Minh Trì, Nguyễn Văn Lượng về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”. Điều đáng nói là 2 trong số 3 bị cáo có quan hệ bố con trong gia đình là Lự Tuyên Huấn và Lự Minh Trì.

Lợi dụng sơ hở trong chính sách quản lý thuế của cơ quan thuế và cơ chế quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp, các bị cáo đã thực hiện hành vi bán trái phép 36 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) có ghi nội dung nhưng không có hàng hóa, dịch vụ số lượng lớn.

Năm 2004, bị cáo Lự Tuyên Huấn sinh năm 1963, trú tại thôn Trạc, xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên thành lập Hợp tác xã (HTX) Tiểu thủ công nghiệp Ánh Dương có trụ sở chính tại thôn Trạc, xã Châu Quế Hạ.

Ngày 11/8/2009, đổi tên thành HTX Phát triển nông lâm nghiệp Ánh Dương (viết tắt là HTX Ánh Dương) kinh doanh đa ngành nghề gồm: trồng, chăm sóc rừng trồng, chế biến gỗ rừng trồng, vận tải hàng hóa, xây dựng các công trình… nhưng thực tế HTX Ánh Dương chỉ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản.

Đầu năm 2014, Nguyễn Văn Lượng ở thôn Đông Lý, xã Đông An (Văn Yên) đứng ra thành lập 1 tổ thợ hợp đồng lao động xây dựng một số hạng mục trong công trình thoát nước thuộc gói thầu A6 đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với Công ty Doosan.

Đến đầu tháng 5/2014, Lượng đề nghị Công ty Doosan thanh toán khối lượng đã thi công xong. Công ty Doosan yêu cầu Lượng phải có hóa đơn GTGT để làm chứng từ thanh quyết toán. Lượng do chỉ là cá nhân lao động tự do nên không thể có hóa đơn GTGT xuất cho Công ty.

Nhờ mối quan hệ quen biết, Lượng được giới thiệu đến gặp Huấn. Lượng thỏa thuận với Huấn, nhờ Huấn đứng tên ký hợp đồng kinh tế và mua hóa đơn GTGT của HTX Ánh Dương ghi về Công ty Doosan. Sau khi ký hợp đồng, xuất hóa đơn, Lượng sẽ phải trích 10% giá trị tiền trước thuế ghi trên hóa đơn và phải chi một khoản tiền khác chi phí cho Huấn xuất bán hóa đơn.

Tương tự với thủ đoạn như vậy, Huấn đã bán hóa đơn trái phép cho các đối tượng: Trần Danh Tuấn, sinh năm 1968, thôn Ngọc Châu, xã Châu Quế Hạ; Nguyễn Văn Ba, sinh năm 1970, thôn 7, xã Châu Quế Thượng (Văn Yên); Đỗ Văn Thọ, sinh năm 1984, xóm 4, khu An Nhân Đông, thị trấn Tứ Kỳ (Hải Dương) - nguyên là kỹ sư của Công ty Doosan.

Trong thời gian từ tháng 5/2014 đến tháng 11/2015, Huấn đã trực tiếp viết và xuất bán 36 số hóa đơn GTGT với tổng giá trị trước thuế ghi trên hóa đơn là 10.729.832.000 đồng; thuế GTGT là 1.072.983.200 đồng. Giá trị sau thuế là 11.802.851.200 đồng. Ngoài ra, Huấn còn thu của 4 người tiền chi phí là 558.663.224 đồng. Trong đó, Huấn bán trái phép cho Lượng tổng số 14 hóa đơn; bán cho Trần Danh Tuấn 9 hóa đơn; bán cho Nguyễn Văn Ba 9 hóa đơn và bán cho Đỗ Văn Thọ 4 hóa đơn.

Sau khi thỏa thuận bán trái phép hóa đơn GTGT cho các đối tượng trên để hợp thức hóa chi phí sản xuất nhằm che giấu việc bán hóa đơn GTGT, tránh bị phát hiện khi có cơ quan chức năng kiểm tra, Huấn đã chỉ đạo con trai mình là Lự Minh Trì – kế toán của HTX Ánh Dương lập khống các phiếu nhập kho, phiếu xuất kho, hợp đồng lao động, bảng kê chi tiết nhập kho, xuất kho, danh sách nhân công, bảng thanh toán tiền lương và các chứng từ, báo cáo thuế. Một số giấy tờ đều là do Trì tự viết, tự ký khống hoặc nhờ người khác ký hộ, một số loại giấy tờ khác, Trì trực tiếp soạn thảo trên máy tính để Huấn ký và đóng dấu của HTX Ánh Dương.

Sau khi Công ty Doosan chuyển tiền vào tài khoản của HTX Ánh Dương, số tiền Huấn thu được là 1.631.646.423 đồng. Huấn đã dùng trên 148 triệu đồng để nộp vào Ngân sách Nhà nước tiền thuế GTGT phải nộp của HTX Ánh Dương từ năm 2014 - 2016; đưa con trai khoảng 65 triệu đồng để mua trái phép 173 hóa đơn GTGT khống ghi mặt hàng xăng, dầu; dùng khoảng 430 triệu đồng để mua trái phép các hóa đơn GTGT khống ghi mặt hàng thép xây dựng, xi măng; khoảng 988 triệu đồng, còn lại Huấn dùng cho chi phí cá nhân.

Ngoài ra, để che giấu hành vi của mình, Huấn đã mua trái phép 128 hóa đơn GTGT khống ghi mặt hàng thép xây dựng, xi măng của Nguyễn Công Bình - người kinh doanh vận tải và mua bán các mặt hàng nông sản, vật liệu xây dựng ở các khu vực xã Châu Quế Hạ và Châu Quế Thượng.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thu lợi bất chính với số lượng lớn để phục vụ cho nhu cầu bản thân, thể hiện sự coi thường pháp luật, quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội không có sự phân công công việc cụ thể, trong quá trình điều tra ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 11/1/2017, Tòa án nhân dân huyện Văn Yên xử phạt bị cáo Lự Tuyên Huấn 1 năm 6 tháng tù; bị cáo Lự Minh Trì 1 năm tù cho hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Văn Lượng 9 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng; đồng thời, phạt mỗi bị cáo 10 triệu đồng sung quỹ nhà nước.

Mai Linh

Các tin khác
Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Sáng 28/3, tại Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Yên Bái (TPYB) tổ chức Phiên tòa lưu động xét xử 5 vụ án hình sự liên quan đến các tội danh: buôn bán, tàng trữ ma túy; sản xuất, buôn bán hàng cấm và vô ý làm chết người…

Bị can Phạm Hoàng Anh.

Ông Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị Cơ quan điều tra khởi tố về tội Nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu.

Ông Lê Viết Chữ tại cơ quan điều tra

Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng rời phiên tòa sau khi nghe bản án sơ thẩm.

Tòa ghi nhận toàn bộ thiệt hại hơn 8.600 tỷ đồng của 6.630 bị hại đã được Tân Hoàng Minh nộp khắc phục đầy đủ nên cho ông Dũng và 14 bị cáo hưởng mức án thấp nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục