Xử phạt và không cho bà Phạm Thị Yến tạm trú tại chùa Ba Vàng

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/3/2019 | 2:45:35 PM

Công an thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, đã có thông báo không chấp nhận cho công dân Phạm Thị Yến tạm trú và không được hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Trước dư luận về hoạt động tôn giáo với các nghi lễ như "thỉnh vong”, cúng "oan gia trái chủ” đang diễn ra tại chùa Ba Vàng, ngày 26/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) tổ chức thông tin tới các cơ quan báo chí về sự việc. 

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà cho biết, Công văn số 33/CV-BTS, Ban Trị  sự Giáo hội  Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh khẳng định Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định của Giáo hội đều quy định các hoạt động Phật sự, hành đạo, tu đạo tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm. Việc công dân Phạm Thị Yến có các hoạt động tại chùa Ba Vàng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm.

Nghi thức "thỉnh vong,” "cúng oan gia trái chủ” không có trong giáo lý Phật giáo. Trong nghi lễ Phật giáo Bắc truyền chỉ có nghi thức "triệu linh" và nghi thức "lập đàn cúng giải oan thích kết."

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng lên án các hành vi lợi dụng niềm tin của Phật tử, nhân dân, núp bóng nghi lễ Phật giáo để trục lợi...”

Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm các hoạt động "thỉnh vong,” "cúng oan gia trái chủ” đều nằm trong khuôn viên chùa Ba Vàng nên sư trụ trì chùa là người chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố Uông Bí đang tiếp tục xác minh, xử lý vấn đề liên quan đến chùa Ba Vàng. Cơ quan Công an đang thu thập chứng cứ để làm rõ vụ việc.

Dù hai nghi thức "thỉnh vong” và cúng "oan gia trái chủ” không nằm trong giáo lý Phật giáo, song hành vi này có được coi là mê tín dị đoan hay không, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí phải chờ vào thông tin từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về việc bà Phạm Thị Yến, phật tử chùa Ba Vàng có hoạt động "thỉnh vong,” "cúng oan gia trái chủ,” ông Nguyễn Mạnh Hà thông tin bà Yến là công dân thành phố Hạ Long, có hoạt động tôn giáo tại chùa Ba Vàng.

Công an thành phố Uông Bí đã có thông báo không chấp nhận cho công dân Phạm Thị Yến tạm trú và không được hành nghề mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng.

Bước đầu, bà Yến bị Ủy ban Nhân dân phường Quang Trung (Uông Bí) xử phạt hành chính 5 triệu đồng về các hành vi vi phạm liên quan đến nếp sống văn hóa (căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).

Hiện nay, các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ liệu bà Yến có vi phạm các quy định của Nhà nước về lĩnh vực thông tin, trục lợi hay lợi dụng tôn giáo hay không. 

Để tiếp tục làm rõ vụ việc nêu trên, Cơ quan Công an đã và đang thu thập tài liệu, nếu đủ cơ sở kết luận sai phạm như báo chí nêu thì sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, thành phố Uông Bí chỉ đạo lực lượng chức năng của địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, xác minh và tuyên truyền cho nhân dân và ổn định tình hình tại chùa Ba Vàng.

Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí đề nghị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sớm có ý kiến chính thức về các hoạt động không đúng thuộc lĩnh vực Phật giáo và những việc làm chưa đúng của sư trụ trì chùa Ba Vàng thuộc thẩm quyền của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.  

Thông qua sự việc nêu trên tại chùa Ba Vàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí đề nghị các cơ quan truyền thông, các phóng viên cùng với các cấp chính quyền tuyên truyền đến nhân dân để bài trừ những hoạt động mê tín dị đoan, kiên quyết không tham gia, hưởng ứng, cùng thực hiện tuyên truyền mê tín dị đoan trong các cơ sở đền, chùa…

Trải qua các lần trùng tu, tôn tạo vào các năm 1988 và 1993, đến năm 2007 chùa Ba Vàng được xây dựng mới hoàn toàn với nhiều hạng mục công trình bằng nguồn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách Nhà nước.

Là Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp tỉnh (theo Quyết định số 4424/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 28/11/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh), những năm qua, cùng với hệ thống các di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh, chùa Ba Vàng là điểm đến du lịch tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân và phật tử thập phương tới tham quan, vãn cảnh, tạo thêm điểm đến trong chuỗi du lịch tâm linh cho khách du lịch trên địa bàn thành phố Uông Bí nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn chăm lo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh, chính đáng của nhân dân theo đúng các quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các cơ sở thờ tự trên địa bàn.

Chính quyền thành phố Uông Bí cũng đã phối hợp với các sở, ngành triển khai tích cực. Cụ thể năm 2015, thành phố Uông Bí, Sở Nội vụ đã có sự nhắc nhở, chấn chỉnh đối với hoạt động tại chùa Ba Vàng khi phát hiện có những dấu hiệu không đảm bảo đúng quy định của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Ông Lê Tùng Vân tại phiên tòa hồi tháng 7/2022.

Ông Lê Tùng Vân, 92 tuổi, sống tại "tịnh thất Bồng Lai", bị khởi tố về hành vi Loạn luân, sau thời gian dài nhà chức trách làm rõ nguồn tin tố giác tội phạm.

Ảnh minh họa

Với hành vi phát sóng trực tiếp trận đấu có hình ảnh quảng bá, quảng cáo các website cá độ vi phạm pháp luật Việt Nam, FPT Telecom và VTV vừa bị phạt hành chính lần lượt 85 triệu đồng và 50 triệu đồng.

Tiểu phẩm “Lầm lỡ” do học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Lục Yên biểu diễn tại chương trình ngoại khóa tuyên truyền phòng chống ma túy học đường mang đến thông điệp: Nói không với chất gây nghiện và ma túy.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội, hình thành ý thức, thói quen tuân thủ nội quy, quy chế cho các em.

Bị cáo Phạm Đình Cự (đứng) và Đỗ Duy Vinh (ngồi) tại phiên toà.

Ông Phạm Đình Cự (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) đã bị toà xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo vì gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục