Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua tư vấn du học

  • Cập nhật: Chủ nhật, 8/5/2022 | 7:36:25 AM

Con dấu và các loại giấy tờ Đinh Thị Quỳnh (trú tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam) làm giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Con dấu và các loại giấy tờ Đinh Thị Quỳnh (trú tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam) làm giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Lợi dụng tâm lý muốn đi du học ở nước ngoài của một số học sinh, nhiều đối tượng đã có các thủ đoạn tinh vi để lừa đảo thông qua hình thức tư vấn du học. Không ít phụ huynh, học sinh vì thiếu tìm hiểu thông tin đã "sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, dẫn đến "tiền mất, tật mang”.

Giữa tháng 4 vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đinh Thị Quỳnh (trú tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng việc thực hiện các thủ tục đưa người đi du học, đi lao động, núp bóng công ty hợp pháp... 

Thủ đoạn của Quỳnh là thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân sự, làm thủ tục đưa công dân Việt Nam đi du học hoặc đi lao động ở nhiều nước trên thế giới. Dưới danh nghĩa hoạt động trong lĩnh vực du học, công ty do Quỳnh mở đã nhận hồ sơ và thu phí dịch vụ khoảng 200 triệu đồng/bộ. Với thủ đoạn này, Quỳnh lừa đảo chiếm đoạt số tiền khoảng một tỷ đồng của các bị hại để sử dụng cá nhân. 

Cũng trong tháng 4/2022, Công an thành phố Hải Phòng điều tra vụ án hình sự liên quan hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH TCS Education. Cơ quan công an xác định, đối tượng Đào Thị Trang (trú tại quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) lập công ty nêu trên để ký hợp đồng dịch vụ tư vấn du học và xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nhưng không thực hiện. Để phục vụ công tác điều tra, mở rộng vụ án, Công an thành phố Hải Phòng đã thông báo để các cá nhân, tổ chức đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn du học và xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc với đối tượng Đào Thị Trang liên hệ cơ quan chức năng. 

Qua các vụ việc xảy ra, có thể thấy, lợi dụng tâm lý muốn được đi du học nước ngoài của nhiều phụ huynh, học sinh, các đối tượng đã có những thủ đoạn lừa đảo một cách tinh vi để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thường thành lập các công ty, trung tâm đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, sau đó lợi dụng sự thiếu hiểu biết của phụ huynh, học sinh để thu tiền dịch vụ nhưng không dùng số tiền đó đúng mục đích mà tiêu xài cá nhân hoặc bán lại hồ sơ cho các trung tâm khác. 

Anh N.T.T. (ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) cho biết, cách đây hơn một năm, qua giới thiệu, anh đăng ký hợp đồng dịch vụ đi du học Nhật Bản tại một trung tâm ở Hà Nội với phí dịch vụ hơn 100 triệu đồng. Ban đầu, trung tâm cam kết sẽ lo toàn bộ thủ tục, anh T. chỉ đi thi và chờ ngày ra nước ngoài. Tuy nhiên, sau đó, anh T. không đủ điều kiện để được giấy chứng nhận tư cách lưu trú dành cho du học sinh tại Nhật Bản (COE). 

"Tôi hỏi lại trung tâm thì họ nói đây là lỗi từ phía mình, dù trước khi ký hợp đồng, tôi được họ cam kết 100% đậu COE. Sau đó, họ yêu cầu tôi đóng thêm một số khoản tiền nữa, tôi cũng chấp nhận, nhưng chờ đợi hơn một năm, tôi vẫn không thể đi du học. Đến nay, sau nhiều lần hứa hẹn, tôi đã không còn liên lạc được với nhân viên tư vấn và trung tâm cũng biến mất cho nên tôi không đòi lại được khoản tiền mình đã đóng”, anh T. chia sẻ. 

Theo một số nhân viên tại các công ty, trung tâm tư vấn du học có uy tín, hình thức lừa đảo du học không phải là mới và rất nhiều người phải "ngậm đắng nuốt cay” vì tin vào lời quảng cáo. Thủ đoạn của các đối tượng thường là quảng cáo trên các website, mạng xã hội về việc sẽ cam kết với khách hàng là sẽ được học ở các trường tốp đầu, bằng cấp được công nhận toàn cầu, học bổng cao và không cần chứng minh thu nhập… để thu hút phụ huynh, học sinh. Sau khi tư vấn dịch vụ, ký hợp đồng, thu tiền, các đối tượng sẽ cao chạy xa bay hoặc hứa hẹn nhiều lần, đòi thêm tiền để hoàn thiện thủ tục. 

Anh Mai Hoàng Linh (quê ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), du học sinh theo học ngành kinh tế tại một trường đại học danh tiếng ở Australia cho biết, nếu có dự định đi du học tại nước ngoài, việc đầu tiên là phải tìm hiểu thật kỹ về quốc gia mình muốn đến và trường mình muốn nhập học. Tốt nhất là tìm hiểu thông tin tại các đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán của nước mình có dự định. Nhiều quốc gia có trung tâm chính thống phi lợi nhuận của các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, nơi học viên có thể tìm hiểu về trường, ngành học, học phí, visa và quy định nước đó về du học sinh. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Quân, giám đốc một công ty tư vấn du học tại Hà Nội, nhiều trung tâm quảng cáo với khách hàng là chắc chắn đậu vào trường, đậu visa dễ dàng. Đây là những quảng cáo không đúng thực tế vì có được theo học tại trường hay không là quyết định của hội đồng tuyển sinh của trường đó. Việc cấp visa là quyền của cơ quan ngoại giao. Các trung tâm không liên quan gì đến các hoạt động này. Với các loại học bổng như các trung tâm hay quảng cáo, người có nhu cầu đi du học cần hết sức chú ý. Hầu hết các trường ở nước ngoài chỉ trao học bổng cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc và các thông tin này sẽ được thông báo công khai.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), nếu có dự định du học qua các công ty, trung tâm tư vấn dịch vụ này thì khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ giấy phép, độ uy tín của các cơ sở này. Không nên nghe vào những lời quảng cáo rồi ký hợp đồng, chuyển tiền một cách nhanh chóng mà cần xem xét kỹ, nhất là các điều khoản trong hợp đồng. Không ít trường hợp các trung tâm kém chất lượng đã đưa vào hợp đồng các điều khoản bất lợi, thậm chí miễn trừ trách nhiệm của họ khi xảy ra sự cố đối với khách hàng. 

Nếu phát hiện mình bị lừa, người dân cần đến cơ quan công an tố giác tội phạm để xử lý những kẻ lừa đảo. Pháp luật hiện hành xử lý rất nghiêm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.

(Theo nhandan)

Các tin khác
Khu vực Nhà máy xi măng Yên Bái, nơi xảy ra vụ tại nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Mạnh Hùng (sinh năm 1980), là nhân viên cân băng liệu của Nhà máy xi măng về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động” để điều tra làm rõ.

Bị cáo Trần Quí Thanh và bị cáo Trần Ngọc Bích (áo đen ngồi sau bên phải)

Sáng nay (23.4), 3 cha con ông Trần Quí Thanh bị đưa ra xét xử sơ thẩm với cáo buộc cho vay bằng "hợp đồng giả cách" chuyển nhượng bất động sản rồi chiếm đoạt hơn 1.000 tỉ đồng của 4 người bị hại.

Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội để điều tra liên quan vụ Tập đoàn Thuận An.

Bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, trong phiên xử sơ thẩm diễn ra sáng 5.3.

Liên quan đến những thông tin lan truyền đi tìm "kho báu Trương Mỹ Lan" trên mạng xã hội, ngày 20.4, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan cho hay, vừa có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm Luật An ninh mạng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục