Triệt phá ổ nhóm tội phạm chiếm đoạt sim điện thoại để “hack” tài khoản ngân hàng

  • Cập nhật: Thứ bảy, 18/6/2022 | 8:49:33 AM

Ngày 17-6, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm 5 đối tượng về các tội danh "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức" và "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Các đối tượng gồm: Phạm Thu Diệu (sinh năm 1991, ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Tuấn (sinh năm 1993, ở xã Thanh Hòa, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), Nguyễn Quang Anh (sinh năm 1987, ở phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Nguyễn Ngọc Cảnh (sinh năm 1984, ở xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ), Trần Thị Thu Hương (sinh năm 1980, ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Hà Trung (sinh năm 1987, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trước đó, khoảng tháng 5-2022, Công an quận Hà Đông phát hiện nhiều người đã bị các đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Qua quá trình điều tra, ban chuyên án xác định kẻ cầm đầu đường dây này là Phạm Thu Diệu.

Theo hồ sơ, Diệu là đối tượng không có công ăn việc làm, không có nơi ở cố định, đang được tại ngoại chờ xét xử do nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, do Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an thành phố Hà Nội) khởi tố điều tra từ năm 2021.

Khoảng đầu tháng 5-2022, nắm được sơ hở trong giao dịch chuyển khoản qua hệ thống ngân hàng, Diệu vào mạng xã hội mua thông tin tài khoản ngân hàng. Khi có đầy đủ thông tin, Diệu móc nối, giao Nguyễn Thanh Tuấn làm lại sim điện thoại của chủ tài khoản với giá 25 triệu đồng/1 sim. Nhận "hợp đồng", Tuấn vào mạng xã hội liên hệ với Nguyễn Quang Anh là đại lý ủy quyền của nhà mạng viễn thông; mua thông tin chủ thuê bao số sim điện thoại cần làm lại theo yêu cầu của Diệu với giá 150.000 đồng/1 sim.

Tiếp tục thông qua mạng xã hội, Tuấn mua chứng minh nhân dân giả mang tên chủ thuê bao số sim cần làm lại với giá 1,5 triệu đồng rồi móc nối, giao nhiệm vụ cho Nguyễn Ngọc Cảnh, Trần Thị Thu Hương, Nguyễn Hà Trung dùng các chứng minh nhân dân giả đến các cửa hàng mạng viễn thông để cấp lại sim với giá thỏa thuận 5 triệu đồng/1 sim.

Sau đó, Diệu lắp sim vào điện thoại, tải ứng dụng chuyển tiền của ngân hàng, xin cấp lại mật khẩu tài khoản rồi đăng nhập vào tài khoản chuyển khoản toàn bộ tiền trong tài khoản của chủ tài khoản đến nhiều tài khoản trung gian, mua bán tiền ảo để thực hiện việc rửa tiền, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định với thủ đoạn nêu trên, từ ngày 22-5-2022 đến ngày 31-5-2022, nhóm đối tượng này đã chiếm đoạt khoảng 10 tỷ đồng.

Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.

(Theo HNMO)

Các tin khác
Ông Lê Tùng Vân tại phiên tòa hồi tháng 7/2022.

Ông Lê Tùng Vân, 92 tuổi, sống tại "tịnh thất Bồng Lai", bị khởi tố về hành vi Loạn luân, sau thời gian dài nhà chức trách làm rõ nguồn tin tố giác tội phạm.

Ảnh minh họa

Với hành vi phát sóng trực tiếp trận đấu có hình ảnh quảng bá, quảng cáo các website cá độ vi phạm pháp luật Việt Nam, FPT Telecom và VTV vừa bị phạt hành chính lần lượt 85 triệu đồng và 50 triệu đồng.

Tiểu phẩm “Lầm lỡ” do học sinh trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Lục Yên biểu diễn tại chương trình ngoại khóa tuyên truyền phòng chống ma túy học đường mang đến thông điệp: Nói không với chất gây nghiện và ma túy.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền pháp luật trong trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn xã hội, hình thành ý thức, thói quen tuân thủ nội quy, quy chế cho các em.

Bị cáo Phạm Đình Cự (đứng) và Đỗ Duy Vinh (ngồi) tại phiên toà.

Ông Phạm Đình Cự (SN 1956, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) đã bị toà xử phạt 3 năm tù cho hưởng án treo vì gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 10 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục