Hướng đi nào cho thể thao dân tộc ?

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/8/2014 | 9:50:26 AM

YBĐT - Thể thao dân tộc là biểu hiện sức mạnh tự cường, lấy sức khỏe để vượt qua mọi thử thách từ thiên tai, địch họa, làm chủ cuộc sống của mỗi người, mỗi dân tộc. Phát huy thế mạnh thể thao của một tỉnh có 31 dân tộc anh em chung sống, Yên Bái sẽ tạo nên sức mạnh của các vận động viên và các môn thể thao dân tộc ( TTDT) độc đáo nếu có sự lựa chọn và đầu tư đúng đắn.

Đoàn viên thanh niên xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) thi đấu môn đẩy gậy tại giải thể dục thể thao nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Ảnh: Quang Sơn)
Đoàn viên thanh niên xã Thượng Bằng La (Văn Chấn) thi đấu môn đẩy gậy tại giải thể dục thể thao nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. (Ảnh: Quang Sơn)

Độc đáo thể thao dân tộc

Thể thao dân tộc ở Yên Bái có thể chia ra các loại: thể thao có tính nghệ thuật (ném còn, đánh yến, đánh quay, đánh đu…); thể thao trí tuệ (cờ tướng, cờ người…); thể thao mang tính cơ bắp kết hợp trí tuệ, hiểu biết về kỹ thuật, kỹ năng, có thể tấn công, phòng thủ (đẩy gậy, đấu vật, bắn nỏ…) và có cả những môn mang tính giải trí, trò chơi cộng đồng (bắt vịt, bắt dê, leo núi, kéo co…).

Mỗi khi tết đến, xuân về, nhất là các dịp lễ hội: Lồng tồng của người Tày, Thái; lễ hội Gầu tào của người Mông…, các môn thể thao dân tộc càng thu hút mọi người hăng hái tham gia, thể hiện thế mạnh thể thao của bản thân.

Ở nhóm các môn thể thao có tính nghệ thuật như: ném còn, đánh yến, đánh quay, đánh đu…, ngay các dụng cụ, phương tiện cho người tham gia đã được dày công chuẩn bị. Quả còn với những dải tua vải đủ màu, trọng lượng vừa tay cho các chị, các em cầm ném được bọc, gói, khâu, buộc thật khéo. Có vậy khi lấy đà rồi vung ném, còn mới đủ lực, đủ tầm vút bay lên để chọc thủng tấm màng dán hình mặt nguyệt tít tận đỉnh cột cao hút tầm cây tre ngố. Con quay phải tiện, đẽo, gọt sao cho thật tròn, thật cân, thật chắc để quay vừa tít, vừa có thể chọi bắn văng quay đối thủ ra ngoài. Và ở nơi vào cuộc đánh đu, cột chôn sao cho thật chắc, người đu cao mà vẫn an toàn. Những cặp đu lôi cuốn người xem, bao giờ cũng một nam, một nữ, anh nhún, chị rướn, bật vút lên gần ngang với đỉnh kèo; những dải áo quần như quấn quyện, khiến hai người như gắn chặt, vụt xuống, vút bay lên…

Thể thao mang tính cộng đồng, thắng thua chỉ là yếu tố phụ. Mỗi đội kéo co chỉ chục hoặc vài chục người. Kéo để thử sức đối thủ, vỡ òa niềm vui khi cả nhóm xiêu vẹo, bị lôi tuột qua vạch đích. Leo núi ào ào, đứt hơi mà vẫn cố lên điểm ban tổ chức đã chọn. Con vịt, thậm chí cả con dê bắt được không nặng về giá trị, phần thưởng chính là sự khéo léo đạt được trước mọi người đang hò reo cổ vũ ở xung quanh. Thể thao mà như chơi, như để thỏa mãn niềm vui thích mỗi mùa lễ hội, mỗi dịp xuân về. Đó chính là một cách tập hợp, rèn luyện trí tuệ, sức khỏe cộng đồng, học hỏi kinh nghiệm dân gian truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Từ thực trạng…

Những môn thực sự mang vóc dáng thể thao dân tộc như: đẩy gậy, bắn nỏ đã có sự tuyển chọn VĐV, đưa vào huấn luyện, thành các bộ môn thi đấu trong các đại hội thể dục thể thao của tỉnh cũng như khu vực và cả nước. Năm 1995, đẩy gậy, bắn nỏ là những môn được chọn thi đấu tại Đại hội TDTT của tỉnh Yên Bái. Đến năm 2000, phong trào TTDT đã phát triển ra cộng đồng, các cơ quan, đoàn thể, trong đồng bào các dân tộc cũng như đồng bào người Kinh.

Hai giải bắn nỏ, đẩy gậy được Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch duy trì hàng năm bao gồm giải cá nhân và tập thể. Năm 2009, Hội thao các dân tộc thiểu số toàn quốc tại tỉnh Yên Bái có 31 đoàn tham gia, TTDT tỉnh Yên Bái đoạt giải Nhất toàn đoàn. Năm 2014, tham gia môn đẩy gậy giải toàn quốc tại Bắc Giang, đoàn Yên Bái giành được 2 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng. Hai môn đẩy gậy và bắn nỏ đã phát triển rộng khắp ở các địa phương và trường học trong tỉnh; 100% huyện tổ chức các giải thi đấu hàng năm.

Tuy vậy, các môn thể thao dân tộc vẫn chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của đông đảo người xem. Ông Trần Xuân Nhữ - Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Trạm Tấu cho biết: Việc tổ chức các giải thể thao các dân tộc gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng. Các VĐV tham gia các giải đấu chủ yếu vẫn tuyển chọn từ các lễ hội, ít được huấn luyện một cách bài bản. Vì vậy, VĐV thiếu bề dày kinh nghiệm để duy trì các giải đấu có chất lượng, cường độ thi đấu cao. Việc đầu tư cơ sở vật chất, luyện tập và huấn luyện cho VĐV ở cơ sở chủ yếu dựa vào phong trào tự phát của toàn dân.

... Đến quyết tâm phải bảo tồn

Đem tâm sự của ông Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Trạm Tấu, trao đổi  với ông Phạm Văn Dương - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, ông Dương cho biết, quả thật, đầu tư cho hai môn thể thao dân tộc (đẩy gậy, bắn nỏ – P.V) của tỉnh vẫn còn ở mức khiêm tốn, mặc dù TTDT luôn là thế mạnh, “mỏ huy chương” trong các kỳ thi đấu, hội thao. Có lẽ bởi nguồn lực đầu tư đã dồn vào 12 môn thể thao trọng tâm mà theo ông cũng là dàn trải.

Có những môn thể thao Yên Bái từng được xếp hạng như bóng rổ nữ, có tới 5 lần giải Nhất toàn quốc; môn cử tạ đã có nhiều VĐV từng vô địch và thường được xếp trong tốp dẫn đầu, song việc duy trì thứ hạng cũng đang gặp khó khăn. Cái chính là thiếu nguồn lực cho tuyển chọn, huấn luyện, tạo lập các thế hệ cầu thủ kế tiếp.

Và đặc biệt là chế độ đãi ngộ cho VĐV tài năng chưa thật sự thu hút, giữ chân được các nhân tài. Ví như môn cử tạ, VĐV từng đoạt giải quốc gia, quốc tế chính là VĐV được đào tạo, trưởng thành từ môi trường thể thao Yên Bái nhưng rồi do đãi ngộ, họ vẫn dứt áo ra đi. Theo ông Phó giám đốc Sở, để phát huy TTDT cũng như thể thao đỉnh cao, cần phải có chính sách chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho các VĐV tài năng.

Trong khi nguồn lực hạn chế thì việc cần phải làm ngay là lựa chọn những môn thể thao trọng điểm có chọn lọc, phát huy được thế mạnh của VĐV Yên Bái; có thể dưới con số 12 môn trọng điểm mà hiệu quả thì vẫn hơn duy trì nhiều môn nhưng ít đạt được thứ hạng cao. Ngay ở hai môn TTDT thế mạnh của Yên Bái là đẩy gậy và bắn nỏ cũng phải dành nguồn kinh phí đầu tư tổ chức tuyển chọn, huấn luyện có bài bản, tạo ra các thế hệ VĐV kế tiếp.

Ví như môn bắn nỏ, để có được chiếc nỏ sức bật căng, không biến dạng lực suốt quá trình thi đấu thì khâu chế tạo nỏ cũng phải dựa vào các nghệ nhân. Họ phải chọn đúng loại gỗ, đẽo gọt đôi cánh nỏ cân bằng. Rồi chế tạo tên, sao cho tên bay không bị lạng, chệch mục tiêu. Không tìm các bậc thầy làm nỏ để học, duy trì cách chế tạo thì dụng cụ cho các tuyển thủ thi đấu khó thuần, quen tay; đó là chưa nói đến việc duy trì môn bắn nỏ trong luyện tập thể thao quần chúng.

Bắn nỏ là một trong hai môn thể thao dân tộc thế mạnh của Yên Bái. (Ảnh: Thu Chung)

Môn đẩy gậy cũng vậy, ngoài sức khỏe còn phải có kỹ năng, thủ thuật thi đấu. Làm sao nắm chắc gậy, giữ được thế, công thủ đẩy bật đối thủ ra ngoài. Muốn vậy cũng cần có những bậc thầy có kinh nghiệm dạy dỗ. Tình trạng liên tục “gặt lúa non” VĐV từ các lễ hội dân gian, thiếu tính chủ động như đã từng thì ngay tuyển thủ thể thao quần chúng rồi cũng mai một, khó mong có đội tuyển thủ chất lượng cao đua tài trên đấu trường cả nước.

TTDT là biểu hiện của sức mạnh tự cường, lấy sức khỏe để vượt qua mọi thử thách từ thiên tai, địch họa, làm chủ cuộc sống của mỗi người, mỗi dân tộc. Nhìn ở  khía cạnh khác, TTDT còn là truyền thống chủ động hòa nhập với thiên nhiên, hòa đồng với các dân tộc khác. Phát huy thế mạnh thể thao của một tỉnh có tới 31 dân tộc anh em, Yên Bái sẽ tạo nên sức mạnh độc đáo của VĐV và các môn TTDT nếu có lựa chọn và đầu tư đúng đắn. Cùng với việc đầu tư để đào tạo các thế hệ VĐV, mua sắm sản xuất những trang thiết bị dụng cụ thể thao, cần phải xây dựng chính sách tranh thủ kinh nghiệm của các nghệ nhân chế tác, VĐV bậc thầy để bảo tồn vốn quý cho TTDT trọng điểm.

Đồng thời xã hội hóa huy động nguồn lực đẩy mạnh TTDT phong trào nhân các kỳ lễ hội, sự kiện văn hóa liên quan; sưu tầm, truyền dạy bảo tồn các môn TTDT còn khuất lấp trong các nghệ nhân. Một cuộc chơi “tó mắc lẹ” của chị em phụ nữ Thái, đám vui nhảy bao tải của trẻ em và cả người lớn tuổi trong lễ hội đầu năm của dân tộc Mông, trò chơi bập bênh của người Thái, Tày trong lễ hội luôn là nơi cuốn hút đông người  luyện tập, tham gia…

Hoài Văn

Các tin khác
Klopp cùng học trò dừng bước ở sân chơi Europa League.

Atalanta, AS Roma, Bayer Leverkusen và Marseille đã xuất sắc đánh bại các đối thủ của mình để ghi tên vào bán kết Europa League mùa này.

Đội trưởng Phạm Đức Hoà của ĐT Futsal Việt Nam.

Hôm nay 19/4, đội tuyển (ĐT) Futsal Việt Nam sẽ gặp ĐT Futsal Trung Quốc lúc 14h00 với mục tiêu giành chiến thắng để nuôi hy vọng vào tứ kết giải Futsal châu Á 2024.

Chị em phụ nữ CLB Shuffle Dance tích cực tập luyện thường xuyên để có cơ thể khỏe đẹp, dẻo dai.

Thời gian tập luyện thể dục thể thao ở thành phố Yên Bái không còn bó hẹp vào buổi sáng sớm mà mọi người dành thời gian tập luyện nhiều hơn vào buổi chiều. Không chỉ những người già mà nhiều thanh thiếu niên cũng duy trì mỗi ngày các môn tự chọn như chạy bộ, tập gym, luyện tập xà đơn, xà kép, đạp xe...

Vĩ Hào chia sẻ niềm vui cùng đồng đội ngoài sân sau khi nâng tỉ số trận đấu lên 3-1 nghiêng về đội Việt Nam

U23 Việt Nam giành thắng lợi nghẹt thở trước U23 Kuwait tại trận ra quân bảng D Vòng chung kết (VCK) U23 châu Á 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục