Lễ hội mùa xuân: Vui nhưng còn “sạn”

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/4/2014 | 9:15:31 AM

YBĐT - Lễ hội mùa xuân còn bộc lộ những bất cập như việc có nơi lễ hội còn để cho tư nhân tổ chức các trò chơi có bóng dáng cờ bạc như trò tôm, bầu, cua, cá; có người lợi dụng thi đá gà để cá cược hoặc trong hội chọi trâu vẫn có những nhóm người tự cá cược với nhau…

Lễ hội Hạn khuống ở Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ).
Lễ hội Hạn khuống ở Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ).

Lễ hội mùa xuân ở Yên Bái thường có quy mô nhỏ và diễn ra chủ yếu sau tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng, vì thế, không khí lễ hội khá sôi động trên diện rộng trong thời gian ngắn.

Lễ hội sớm nhất được tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng là hội Xuống đồng xã Quy Mông: Hội chọi trâu xã Y Can (huyện Trấn Yên). Trung tuần tháng Giêng trở đi, hàng loạt lễ hội được diễn ra ở vùng ngoài như hội Lồng tồng xã An Thịnh, hội đình Yên Phú, hội đền Đông Cuông, đền Phúc Linh (huyện Văn Yên). Huyện Yên Bình có lễ hội đền Mẫu Thác Bà thu hút khá đông khách chiêm bái và hội đình làng Đại Minh. Huyện Lục Yên trong nhiều năm nay, nhờ làm tốt việc bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch nên được du khách nước ngoài trên hành trình du lịch lên Sa Pa cùng đông đảo người dân các tỉnh lân cận: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ… tìm về với hội đền Đại Cại, hội chọi trâu. Ở thành phố Yên Bái, ngoài đền Mẫu phường Nam Cường mở hội đền vào ngày rằm tháng Giêng, còn các đền, chùa khác như: chùa Ngọc Am, chùa Bách Lẫm, chùa Rối, đền Tuần Quán đều là điểm thu hút đông khách thập phương đến cầu an, cầu tài, cầu lộc.

Vùng phía tây của tỉnh, đầu xuân chỉ tổ chức một số lễ hội đặc thù của một số dân tộc như lễ hội Xên đông (cúng rừng) của người Thái xã Hạnh Sơn (Văn Chấn); hội Hạn khuống (hát giao duyên) của người Thái tại xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ). Cùng đó, nhiều xã thực hiện sự chỉ đạo của ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho nhân dân vui tết đón xuân. Đặc biệt, ở hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải là năm thứ hai đồng bào Mông thực hiện cùng ăn chung tết Nguyên đán nên tại các trung tâm huyện, trung tâm xã đều tổ chức các hoạt động vui xuân để bà con người Mông hòa chung bầu không khí vui tươi đầm ấm của ngày tết cổ truyền dân tộc.

Điểm nổi bật trong các lễ hội đầu xuân ở Yên Bái là thể hiện nét văn hóa truyền thống trong tín ngưỡng đạo Phật, tín ngưỡng thờ thần bảo hộ như thần hoàng làng, thờ ma rừng, thờ ma mường, tín ngưỡng thờ mẫu và tục cầu phồn thực. Cùng với văn hóa tâm linh, các lễ hội truyền thống và các điểm tổ chức vui xuân đều coi trọng tiêu chí bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như phục dựng lại loại hình hát giao duyên từ xa xưa của đồng bào Thái; giao duyên qua ném pao, hát ống của người Mông.

Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian cũng giữ vai trò chủ đạo trong hội xuân như thi ném còn, đấu cờ tướng, thi đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, tó mắc lẹ, bịt mắt đánh trống, bịt mắt bắt vịt...

Cùng với đó, các loại hình văn nghệ, các môn thể thao hiện đại như múa hát, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cầu lông cũng được chú trọng để cho bầu không khí hội xuân càng thêm sôi động, hấp dẫn.

 

Hội chọi trâu xã Y Can (Trấn Yên) ngày 8 tháng Giêng Giáp ngọ. (Ảnh: Lê Bác Đạt)

Những lễ hội lớn như hội đền Đông Cuông, hội chọi trâu Lục Yên ngày càng có sức thu hút du khách. An ninh trật tự lễ hội được bảo đảm nên không xảy ra tình trạng trộm cắp, mất an toàn giao thông, lạm dụng lễ hội để thực hiện các hành vi mê tín, dị đoan. Các dịch vụ trong lễ hội, nhất là nơi thu hút đông người không có dấu hiệu bắt chẹt du khách làm mất đi vẻ đẹp của lễ hội…

Tuy nhiên, hoạt động lễ hội đầu xuân 2014 vẫn còn có những điểm cần rút kinh nghiệm. Có thể thấy lễ hội đầu xuân ở các địa phương vùng ngoài khá sôi động thì ở các huyện, thị phía Tây, ngoài các hoạt động vui chơi, những lễ hội truyền thống còn ít, trong khi đây lại là miền quê của những lễ hội như: lễ hội Lồng tồng, lễ hội Cầu mưa, Cầu mùa, Xên bản, xên mường của đồng bào Thái, Mường, Khơ Mú; lễ cấp sắc, tết nhảy của người Dao; hội Gầu tào của người Mông…

Sự thiếu hụt các lễ hội mùa xuân không chỉ làm cho không khí ngày xuân kém sinh động mà còn làm hạn chế hiệu quả của mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống cũng như việc từng bước khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, khi bà con người Mông thực hiện ăn chung tết Nguyên đán mà tổ chức được một hội xuân ở điểm nào đó phù hợp để bà con người Mông vùng phía Tây cùng đến dự thì chắc chắc sẽ là điều vô cùng hấp dẫn không chỉ với đồng bào Mông.

Ngược lại, ở vùng ngoài, lại hơi “thừa” lễ hội chọi trâu. Với việc mở thêm lễ hội chọi trâu ở xã Y Can (Trấn Yên) dịp đầu xuân Giáp Ngọ thì Yên Bái hiện có tới 4 địa phương tổ chức hội chọi trâu và tháng 4 này Trấn Yên lại tiếp tục mở hội chọi trâu tại xã Việt Thành. Việc mở quá nhiều hội chọi trâu khiến dư luận cho rằng, một lễ hội thiêng liêng mang ý nghĩa hiến tế thần linh và tôn vinh sản xuất đã bị thương mại hóa. Mục đích thông qua hội chọi trâu nhằm kích thích phát triển chăn nuôi trâu trong nhân dân cũng không đạt được do những chú trâu tốt nhất trong các vùng đã được gom về để tham gia hội chọi, sau đó chuyển sang “hội mổ trâu”. Thậm chí, có nơi còn trà trộn cả những chú trâu không phải là trâu chọi để mổ và bán thịt với giá đắt gấp nhiều lần thịt trâu thường.

Điểm đáng lưu ý nữa là hiện nay các hội chọi trâu chủ yếu do tư nhân đảm nhiệm. Vì thế, việc đóng góp vào ngân sách từ việc tổ chức lễ hội chưa biết nhiều hay ít nhưng cái bất lợi lớn và rõ nhất là sự lãng phí thời gian và sức lao động của hàng vạn người đời sống chưa thật sự dư dật nhưng vẫn đến xem. Trong khi đó, tiền mua vé xem chọi trâu khá cao, tiền mua thịt trâu đắt đỏ nên lợi ích kinh tế chắc chắn chỉ thuộc về nhóm người đứng ra tổ chức.

Thiết nghĩ, ở Yên Bái, chỉ nên mở hội chọi trâu ở Lục Yên là nơi có giống trâu tốt và có truyền thống chăn nuôi trâu. Điểm mở hội chọi trâu thứ hai là thị xã Nghĩa Lộ, vì đây là trung tâm của các huyện, thị phía Tây, là nơi tập trung đông dân cư và cũng là khu vực chăn nuôi trâu khá phát triển của tỉnh.

Lễ hội mùa xuân còn bộc lộ những bất cập như việc có nơi lễ hội còn để cho tư nhân tổ chức các trò chơi có bóng dáng cờ bạc như trò tôm, bầu, cua, cá; có người lợi dụng thi đá gà để cá cược hoặc trong hội chọi trâu vẫn có những nhóm người tự cá cược với nhau… Có nơi tổ chức hội chưa bảo đảm an toàn cho người xem như hội chọi trâu xã Y Can. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vẫn lãng phí thời gian, tiền bạc để đi lễ đền, chùa vẫn khá phổ biến. Đã xuất hiện một hình thức dịch vụ mới nếu không cẩn thận nhiều người sẽ dễ bị lợi dụng moi tiền, đó là dịch vụ đi lễ thuê…

P.V

Các tin khác

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hoá bản địa đã trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa bản địa, Yên Bái không chỉ thu hút du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục