“Đất Mường thời dông lũ”

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2014 | 2:30:26 PM

YBĐT - Sinh ra và lớn lên ở đất Mường Lò, từng đi bộ đội tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào rồi trở về theo nghiệp làm báo, với vốn sống phong phú, tác giả Trần Cao Đàm đã lần lượt hoàn thành và xuất bản các tập tiểu thuyết: “Bến Ngòi”, “Pa Thí mù sương”, “Âu Lâu bến lửa”. Vào dịp đầu năm 2014, tác giả lại cho ra mắt bạn đọc tiểu thuyết “Đất Mường thời dông lũ” - Nhà xuất bản Công an nhân dân.

Cuốn sách tái hiện lại cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào các dân tộc trong khoảng thời gian từ năm 1947 khi chúng tái chiếm đến khi bộ đội chủ lực mở chiến dịch Tây Bắc đánh tan Phân khu quân sự Nghĩa Lộ, giải phóng Mường Lò, Trạm Tấu vào năm 1952.

Từng tận mắt chứng kiến cảnh nhân dân phố Nghĩa Lộ nghe theo lời kêu gọi tiêu thổ kháng chiến đã tự đốt ngôi nhà mà họ phải dè từng phên gianh, bó lạt để dựng nên mà không khỏi nao lòng “Nhà lợp gianh cháy. Nhà lợp ván thông cháy. Nhà to, nhà lụp xụp, nhà dột nát đều cháy, góp thành biển lửa. Khói ngùn ngụt ngất trời”. Rồi các gia đình cũng rơi vào cảnh phân ly, cha mẹ mất con, vợ xa chồng bởi tao loạn.

Cùng cực nhất vẫn là ách áp bức của thực dân cùng bọn bang tá, thống lý tay sai. Người Kinh, người Thái, người Xá và cả người Mèo trên núi cao nếu không chịu cảnh làm nô lệ Téng plo hầu hạ nhà quan thì cũng phải đi phu, góp ván thông cho xấc Tây - Phăng ký xây đồn, đắp lũy. Song con cháu của những Lạng Trượng, Lò Lẹt, Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng… đã nối tiếp truyền thống cha ông không cam chịu cúi đầu làm nô lệ, vùng đứng dậy kháng chiến đánh đuổi bọn xâm lược giải phóng quê hương.

Trong cuộc chiến đấu này nổi bật vai trò của những cán bộ như Bùi Hà, Trọng, Tom, Trường Sơn… Xuất thân của họ vốn là người dân Mường Lò, vì căm thù thực dân cướp nước tàn sát dân lành mà xung vào đội quân cách mạng. Môi trường hoạt động cực kỳ gian khổ, phải ngủ lán, luồn rừng, đói ăn củ báng củ nâu, thiếu muối và nhất là luôn bị bọn địch lùng sục, phục kích. Song các chiến sĩ trong Đội xung phong Quyết Thắng hiểu hơn ai hết “Nhiệm vụ của đội là vào vùng địch chiếm đóng, bí mật tuyên truyền cho mọi người hiểu âm mưu thâm độc của địch, không để chúng lừa bịp, chia rẽ, nói rõ đường lối kháng chiến của ta, qua đó mà vận động gây cơ sở”.

Nhân vật Bùi Hà được tác giả xây dựng trên nguyên mẫu của các lão thành cách mạng Bùi Lạc, Hà Thiết Hùng đã trở thành linh hồn của cả đội. Để chiếm được lòng tin  của đồng bào vùng cao, anh phải để tóc dài, phơi nắng và hun khói gỗ thông cho màu da đen sạm; hút thuốc phiện những khi giao tiếp và mỗi lần như thế lại phải nhắm mắt mũi mà nuốt giun đất để khỏi mắc nghiện ảnh hưởng đến công tác. Bị thương nặng vào đùi vẫn cắn răng chịu đau đớn, lại còn nhịn cả phần muối đồng đội ưu tiên cho mình dành cho dân.

Nơi nào khó là thấy anh xuất hiện: Chủ động đến gặp thống lý Giàng A Giao, Thào Sái Vư thuyết phục theo cách mạng, trực tiếp chỉ huy trận phục kích tiêu diệt đại đội địch do bang Nính cầm đầu đi càn quét vùng đồng bào Mèo Trạm Tấu, tham gia đánh đồn Nghĩa Lộ, tiễu phỉ và diệt tên ác ôn biệt kích Trần Nhàn… Gần dân giúp cho Bùi Hà hiểu “Lòng dân như cục than hồng. Ta phải biết làm thế nào đưa ngọn gió thổi thành ngọn lửa thiêng”. Còn Trường Sơn trên đường hoạt động bị địch bắt, biết chắc mình không giấu nổi tung tích, anh im lặng. Bọn giặc dùng mọi thủ đoạn từ đánh đập đến đe dọa và muốn dùng anh để uy hiếp tinh thần dân bản.

Hiểu rõ âm mưu kẻ thù, Trường Sơn bình tĩnh nói với mọi người: “Tôi là chiến sĩ công an. Nhiệm vụ của tôi là vào vùng này tìm cách bảo vệ đồng bào. Việc làm này quân thù  căm ghét, tức tối. Vì đồng bào mà phải hy sinh tôi cam lòng. Tôi chỉ tiếc không còn được tham gia kháng chiến, không còn được thấy ngày đất Mường Lò sạch bóng quân xâm lược”. Lũ giặc hèn hạ giết chết anh, rạch bụng xem gan Việt minh to bằng nào, đâu ngờ thân thể anh thành mầm giống về lòng yêu nước gieo ra rừng núi.

Từ giác ngộ, những người như Trọng, Tom, Cứ A Cấu… đã đi theo cách mạng và trở thành cán bộ tích cực. Với cô Mỷ, ông Hảng hay mo Thấu đều sớm nhận ra bản chất tàn bạo, độc ác của thực dân và bè lũ tay sai, hết lòng giúp đỡ các chiến sĩ để sớm đưa cuộc kháng chiến đến thành công.
Ở tiểu thuyết “Đất Mường thời dông lũ”, bộ mặt thật của thực dân Pháp cũng được phơi bầy. Đóng đồn, ném bom, bắn giết dân lành, cướp bóc tài sản nhưng thâm độc hơn cả là chính sách chia để trị. “Chúng tung ra những khẩu hiệu bất nhân, gây hận thù lẫn nhau. Nào là “giết Thổ lấy ruộng”, “giết Kinh lấy muối”, “giết Mán lấy bạc”, “giết Mèo lấy thuốc phiện”.

Chúng còn lập ra “Xứ Thái tự trị” lừa bịp về nền độc lập giả hiệu”. Nguy hiểm hơn là chính sách dồn dân vào sống trong khu tập trung, phá hoại kinh tế, cấm buôn bán muối và treo phần thưởng lớn để dân lấy đầu cán bộ cách mạng. Ngoài ra còn lập một đội ngũ lính kín, bang tá tay sai gồm cả người Thái, người Mông và người Mán. Nhưng rồi kẻ gieo gió phải gặt bão.

Phong trào cách mạng vẫn phát triển rộng khắp từ vùng ngoài Đại Lịch đến Văn Chấn - Mường Lò và lan đến cả vùng cao Trạm Tấu. Cuộc công đồn mở đầu cho chiến dịch giải phóng Tây Bắc của bộ đội chủ lực đã tiêu diệt hoàn toàn phân khu Nghĩa Lộ. Âm mưu gây phỉ sau này mong vớt vát lại tình thế cũng bị đập tan. “Hoàn thành nhiệm vụ trở về, đội quân chiến thắng qua bản vẫy chào nhân dân… Cả người, cả rừng núi, trời đất như cùng reo vui trong nắng xuân”.

Lợi thế làm báo, tiểu thuyết của tác giả Trần Cao Đàm ngồn ngộn tư liệu. Tuy vậy, việc kết hợp với hư cấu để nâng cao giá trị nghệ thuật của tác phẩm chưa thật nhuần nhuyễn khiến cho nhiều trường đoạn vẫn còn khô khan, nặng thông tin sự kiện. Chọn kết cấu chương hồi theo trục thời gian tuyến tính để tái hiện lịch sử là cách làm đúng, giúp cho bạn đọc dễ dàng được hòa trong không gian của vùng đất vốn có nhiều truyện thơ cổ về truyền thống đánh giặc cứu bản mường: “Quắm tố mương” (Truyện bản mường), “Quắm tay pú sấc” (Truyện người Thái đánh Tây), “Cầm Hánh tặp sớc Cớ Lương” (Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng).

Đặc biệt, vốn hiểu biết về vùng đất Mường Lò, các phong tục của người dân bản địa phong phú cũng giúp tác giả phả vào trong truyện, vừa cung cấp hiểu biết về văn hóa vùng, đồng thời làm sâu sắc thêm bản chất tốt đẹp của người cán bộ cách mạng khi làm công tác dân vận. Cũng như ở các tiểu thuyết trước, việc xây dựng tuyến nhân vật đối lập điển hình chưa phải là ưu thế của tác giả. Dù vậy, ở “Đất Mường thời dông lũ”, nhân vật Bùi Hà được đặt trong nhiều hoàn cảnh, nhiều mối quan hệ khác nhau, tính cách nhân vật cũng được chú ý khắc họa: mưu trí, dũng cảm; gắn bó với dân, kiên quyết với kẻ thù; tha thiết với gia đình, tận trung với cách mạng.

Bên cạnh đó, các nhân vật Trọng, Giàng A Giao hay tâm trạng phân vân của thống lý Thào Sái Vư, bản chất gian ngoan của trùm biệt kích Trần Nhàn đều đã được miêu tả rõ trong tương quan nhằm làm nổi tính cách nhân vật chính, phần nào đã khắc phục được hạn chế đó. Đến tiểu thuyết này, tác giả Trần Cao Đàm đã khẳng định vị trí người viết văn xuôi về đề tài chiến tranh cách mạng tại vùng quê Yên Bái. Mong rằng với vốn tư liệu còn khá nhiều, ông sẽ vượt qua được sức khỏe tuổi cao để cho ra đời những trường thiên truyện mới.

 Thế Quynh

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục