Yên Bái vượt khó bảo tồn, phát huy di sản văn hoá

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/4/2014 | 2:24:25 PM

YBĐT - Bảo tồn di sản văn hóa truyền thống các dân tộc ở Yên Bái là công việc khá khó khăn, phức tạp do đối tượng cần được bảo tồn, phát huy các giá trị đã bị mờ nhạt về nội dung, hiện trạng, bản chất văn hóa, đồng thời, công việc này đòi hỏi đội ngũ cán bộ chuyên ngành phải tinh thông nghiệp vụ và tăng cường được sự hợp tác nghiên cứu liên ngành.

Lễ hội đền Đông Cuông (Văn Yên).
Lễ hội đền Đông Cuông (Văn Yên).

Bên cạnh đó, công tác này rất tốn kém thời gian, tài chính trong khi đó Yên Bái lại là tỉnh khó khăn ở khu vực miền núi phía Bắc. Tuy vậy, nhiều năm qua, ngành văn hóa - thể thao và du lịch Yên Bái đã thực sự nỗ lực để trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

Hai đơn vị đi tiên phong trong công tác này là Bảo tàng tỉnh Yên Bái và Ban quản lý Di tích và danh thắng thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 Bảo tàng tỉnh là đơn vị chuyên môn có nhiệm vụ khảo sát, sưu tầm di sản văn hóa, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học và giới thiệu giá trị của di sản văn hóa cũng như tuyên truyền nêu cao ý thức của nhân dân trong bảo vệ các di sản văn hóa…

Với nhiệm vụ này, trong nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc thám sát khảo cổ học và kết quả là đã phát hiện nhiều di tích, phế tích lớn như Khu di tích Khảo cổ học Hắc Y- Đại Cại; phế tích một ngôi chùa có niên đại từ thời Trần tại núi Pú Chùa thuộc xã Phù Nham (Văn Chấn); phế tích một ngôi chùa có niên đại khá sớm ở khu vực xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái)…

Những phát hiện này đã cung cấp các dữ liệu đặc biệt quan trọng để đi sâu nghiên cứu về mỹ thuật, kiến trúc, đặc biệt là lịch sử tôn giáo cùng những ảnh hưởng của nó qua các triều đại phong kiến đến vùng miền núi nước Đại Việt, trong đó có ảnh hưởng của tôn giáo với vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ xa xưa.

Những cuộc thám sát dọc sông Hồng này đã hé mở nhiều thông tin mới lạ về quá trình tiến hóa của  con người cũng như trầm tích văn hóa của nền văn minh lúa nước sông Hồng, đặc biệt là tinh hoa của kỹ nghệ đúc đồng thời Đông Sơn qua các hiện vật đã được phát hiện như trống đồng, thạp đồng...

Ngoài ra, Bảo tàng tỉnh còn tập trung vào công tác sưu tầm, nghiên cứu hiện vật. Đến nay, con số 22.179 hiện vật đã được sưu tầm và cơ bản được giải mã là khối lượng hiện vật hiếm có tỉnh làm được. Đặc biệt, những hiện vật của Bảo tàng tỉnh đã được các chuyên gia nghiên cứu khoa học chuyên ngành hàng đầu ở Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực đánh giá là hiện vật rất phong, quý hiếm hoặc hiện vật độc nhất.

Những hiện vật ấy không chỉ có giá trị rất lớn trong bảo tồn giá trị văn hóa mà nó còn phục vụ đắc lực cho công tác nghiên về cứu đời sống mọi mặt của người Việt như hình thái kinh tế, nghệ thuật, mỹ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, quân sự, ẩm thực… từ xa xưa cũng như đặc thù văn hóa của từng tộc người trên quê hương Yên Bái nói riêng, ở Việt Nam nói chung. 

Cùng với Bảo tàng tỉnh, Ban quản lí Di tích và danh thắng với nhiệm vụ bảo tồn nguyên trạng và đầy đủ các di tích theo Luật Di sản; phát huy giá trị di tích nhằm nâng cao nhận thức và tuyên truyền giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa các dân tộc; tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, mở rộng xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di tích gắn với quản lý bằng pháp luật đã điều tra, nghiên cứu  xây dựng nhiều hồ sơ khoa học xếp hạng di tích, danh thắng cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Trong đó đã trình và được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia Căng và Đồn Nghĩa Lộ, đèo Lũng Lô, khu di tích Khu ủy Tây Bắc ở huyện Văn Chấn, Di tích đội du kích Cao Phạ ở huyện Mù Cang Chải; Di tích bến Âu Lâu ở thành phố Yên Bái. Đèo Lũng Lô, Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học, bến Âu Lâu ở thành phố Yên Bái; Di tích Chiến khu Vần - Dọc huyện Trấn Yên… đều là các di tích lịch sử trong kháng chiến chống Pháp.

Bên cạnh các di tích lịch sử, Ban quản lý Di tích và danh thắng cũng đã nghiên cứu và lập hồ sơ xếp hạng di tích liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, danh thắng và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như đền mẫu Đông Cuông ở huyện Văn Yên, Di chỉ Khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại ở huyện Lục Yên, Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Di tích Danh thắng quốc gia hồ Thác Bà, Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ Cấp sắc của người Dao đỏ. Hàng chục di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cũng đã được nghiên cứu lập hồ sơ và được xếp hạng di tích cấp tỉnh trong khoảng 4 năm trở lại đây.

Hoạt động bảo tồn trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể cũng đã đạt được những kết quả vượt bậc trong bảo tồn dân ca, dân vũ, trang phục và các môn thể thao dân tộc thông qua các liên hoan nghệ thuật quần chúng từ cấp xã, huyện, tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Hệ thống lễ hội cũng được bảo lưu và phát triển có chọn lọc để vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống vừa hình thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù như hội xuân Hạn Khuống ở xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ); lễ hội Lồng Tồng ở nhiều xã trong các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình.

 

Lễ Cấp Sắc của người Dao đỏ ở Yên Bái.

Nghi lễ truyền thống của nhiều dân tộc cũng được phục dựng lại để trở thành những sinh hoạt văn hóa của nhân dân như lễ Cấp sắc, tết Nhảy của nhiều ngành Dao ở Yên Bái; hội chọi trâu và hội đền Đại Cại (Lục Yên); tết Mông (Trạm Tấu); lễ cúng rừng, cúng vía, lễ cưới truyền thống của người Mông; lễ cúng xên bản, Xên mường, múa xòe cổ của người Thái; nghi lễ Khảm hải, làm then, pụt, tục hát quan làng của người Tày, Nùng, múa mỡi, múa trống đu của người Mường…

Tham gia đắc lực vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn phải nhắc đến những đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí địa phương. Trên phương diện chuyên môn của mình, báo chí luôn tiên phong trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để nhân dân dân ngày càng nhận thức rõ hơn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trên quê hương Yên Bái, khơi dậy niềm tự hào về giá trị kho tàng văn hóa dân gian của mỗi dân tộc để mọi người dân cùng các cấp, ngành trân trọng giữ gìn và phát triển.

Đồng thời phát hiện, tham mưu và định hướng những di tích, sự kiện, loại hình văn hóa cần được chú trọng nghiên cứu bảo tồn; quảng bá các giá trị văn hóa có thể phục vụ cho phát triển kinh tế, du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch - dịch vụ; nêu gương các cá nhân, tập thể điển hình trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời, phê bình những quan niệm, suy nghĩ lệch lạc về bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống, kiên quyết ngăn chặn các biểu hiện xâm hại di tích lịch sử, văn hóa cùng các giá trị văn hóa phi vật thể.

 Hoàng Nhâm

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục