Bâng khuâng xúc cảm “Giao mùa”

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/7/2014 | 9:17:23 AM

YBĐT - Bạn đọc biết nhiều đến tác giả Dương Soái kể từ khi bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” được cố nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc và một số ca sĩ thành danh đã chọn trong chương trình biểu diễn của mình. Cũng từ đó anh lần lượt xuất bản 3 tập thơ: Đất lạ - năm 1991; Gửi em ở cuối sông Hồng - năm 1998 và gần đây là tập Giao mùa.  

Bốn mươi ba bài, tập hợp tản mạn những bài thơ viết từ thập niên bẩy mươi của thế kỷ trước đến nay cho ta thấy sự chuyển biến sâu sắc về nội dung và hình thức trong hành trình thơ. Nghĩ về thơ, Dương Soái viết: “Chẳng bao giờ tôi muốn/thơ tôi như chiếc kèn đồng/nếu bất ngờ thơ được người yêu mến/thì đấy là điệu vần của thanh âm” (Nói hộ vần thơ). Khiêm tốn vậy song vì những bài thơ được viết từ cảm xúc thực, mang hơi thở cuộc sống nên nó có sự hấp dẫn riêng. Có thể chia những bài thơ trong tập thành 2 thời kỳ: trước và sau năm 1985.

Trước năm 1985, cảm xúc chủ đạo của thơ Dương Soái là ca ngợi công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương Hoàng Liên Sơn; ca ngợi cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới phía Bắc và bước đầu gắn với công cuộc đổi mới của đất nước. Đây cũng nằm trong xu thế chung của văn chương thời đại lúc bấy giờ.

Sáng tác của anh hướng về quê hương làng Lỗ “hương bưởi ngạt ngào/tiếng sóng xôn xao” và sông Châu “Ngã ba của lời hẹn ước/Ngày về hiểu hết lòng nhau/Dù sông chia ba hướng nước/Ai lòng riêng một trước sau” (Ngã ba sông Châu). Đặc biệt mảnh đất Hoàng Liên Sơn nơi anh sống và công tác đã có sự cuốn hút bước chân tuổi trẻ. Ở đây cũng đang hừng hực khí thế công trường “Đất nước dựng xây/Đồi quê hương vươn mình hăm hở”. Những con người mới với “Cô gái nông trường đôi tay như mê/Lùa trong lá xanh hái búp về kịp lứa”; người thầy thuốc trong bệnh viện hay bao con người bình dị khác “Anh đội trưởng  một tay đi coi nước, lội đồng/Đồng chí bí thư sâu sát từng công việc”. Nhất là những chiến sĩ đứng vững trên trận tuyến chống quân xâm lược bảo vệ quê hương:

Đánh thắng bọn giặc này, chiến sĩ ta vụt lớn
Hóa Phù Đổng thiên thần trên đất ải Lê Hoa.

   (Sắt thép trên đỉnh pháo đài)

Bước vào thời kỳ đổi mới, thơ Dương Soái có sự chuyển hướng nhạy bén hơn. Suy nghĩ về cuộc sống, về thời đại được gửi gắm vào thơ qua những hiện tượng nho nhỏ như “Tiếng chim trong rừng phố”, “Đặc sản nhà quê, “Gốc khế bạn xưa” đến “Xem chèo”, “Cảm nghĩ phòng tranh hay “Góp ý”… Anh băn khoăn trước vấn nạn phá rừng, hủy hoại môi trường “Đồi đỏ lói như rừng chảy máu/Chim trốn biệt tăm, nai hoẵng hết đường về”; trăn trở bởi nghịch lý thời công nghiệp “Người nhà quê quen dùng đồ công nghiệp/Người công nghiệp phố phường ưa đặc sản nhà quê”. Và đôi lúc ưu tư trước nhân tình biến đổi khi bất chợt xem một cảnh chèo “Ai giết trăn, chém đại bàng/Có công phải mượn tiếng đàn gửi trao” hay gặp lại “Gốc khế bạn xưa”:

Phố quen, nhà lạ thay chủ khác
Cây khế bạn yêu họ chặt rồi
Nảy xuân, gốc cũ chồi ngơ ngác
Đọt mầm chua thoảng nỗi bạn… ôi!

Càng từng trải, kinh nghiệm sống cũng đem lại cho anh cái nhìn sâu sắc về nghề nghiệp, con người và về Đảng. Đối với con người thì giá trị, tầm vóc không phải như tờ lịch bóc “phận ngày hoặc mỏng tang trên tờ giấy xỉn/Hoặc kềnh cang hình hài với vô số những lời răn” mà là phẩm chất trí tuệ và sự cống hiến. Nhà thơ cũng nhận xét khá độc đáo song có lý khi đưa ra cách tính tuổi Đảng bằng cộng thêm tuổi của những người trẻ tuổi đã sớm hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân:

Tuổi Đảng là tuổi Tám mươi Xuân
Cống hiến hy sinh: tuổi chấp hành, thường vụ
Chi bộ xin cộng thêm tuổi những người mãi trẻ
Cho đảng viên tuổi liền mạch thắm hồng!

     (Góp ý)

Trong tập thơ, cái riêng tư cũng được tác giả chú ý thể hiện đa dạng: niềm vui mẹ già được nhìn thấy ánh sáng sau khi làm phẫu thuật mắt, lời ru con ngọt ngào bà mẹ trẻ, vẻ đẹp mặn mà con gái nơi suối tắm, bâng khuâng lúc giao mùa, tình yêu lứa đôi. Những tình cảm đó luôn hồn nhiên, trong sáng, theo thời gian  ngày càng trầm tĩnh hơn “Và anh nữa chắc là thu chớm nửa/Mà tình em như đang độ chín muồi/Thời gian cứ biếc màu thu tiếc nuối/Tóc anh thì lấm tấm tuyết sương rơi” (Chớm nửa mùa thu).

Gắn với nghiệp thơ, nhà thơ xác định “Xin cho thơ tôi chung thủy trước sau/Như trái tim giữ cho đời nhịp sống/Đừng trách thơ tôi vì sao nhiều khát vọng/Vì sao cháy bỏng tình đời/Bởi cuộc đời thơ chỉ có một mà thôi”. Và cứ thế “điệu vần của thanh âm” đã có sự thăng hoa. Nếu như buổi ban đầu tứ thơ còn dàn trải, nhiều bài sa vào diễn ca thì sau này thơ đã cô đọng, hàm xúc hơn để có những “Ngòi Thia”, “Thành phố nơi tôi sống”… làm tiền đề cho trường ca. Cái mạnh của thơ Dương Soái là ngôn ngữ gần gũi cuộc sống, không cầu kỳ bóng bẩy mà rất gợi, giàu tính triết lý:

Ô hay tuổi ngỡ giờ đi chậm
Đông còn vớt đuổi rắc lây phây

    (Phố  Bàng)

Hay:

Vậy mà người cứ ngầm ngóng mơ mê
Ngày tháng đến, ngày tháng đi, ngày tháng…
Cái đã có chắc gì còn ló rạng
Cái đang cầm đâu hẳn chỉ cầm qua
     (Giao mùa)

Tuân thủ phương châm sáng tạo đã đặt ra, tiếng lòng của tác giả “Gửi em ở cuối sông Hồng” sẽ luôn luôn “là khúc cao trào cuốn người đi giết giặc” khi Tổ quốc bị xâm lăng; “Là tiếng lúa rì rào, là nét riêng xóm mạc/Là êm đềm câu hát những dòng sông” để thơ anh ngày càng được bạn đọc yêu mến.   

Thế Quynh

Các tin khác
Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, dàn dựng công phu, mang đậm giá trị truyền thống, tôn vinh Hát Xoan Phú Thọ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tối 14/4 (tức mùng 6/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản”.

Lễ khai hội Bạch Đằng 2024 và chương trình nghệ thuật với chủ đề “Khúc tráng ca Bạch Đằng”.

Tối 14/4, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng năm 2024 chính thức diễn ra tại đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Nhà báo Thái Duy.

Nhà báo Thái Duy, tác giả của cuốn sách 'Sống như Anh' và 'Đổi mới ở Việt Nam - nhớ lại và suy ngẫm, Khoán chui hay là chết...' đã qua đời ở tuổi 99.

Phong trào thể dục thể thao luôn được các đoàn viên Công đoàn thị trấn Cổ Phúc tham gia nhiệt tình, sôi nổi.

Những năm gần đây, Công đoàn cơ sở (CĐCS) thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã tập trung đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao (VHVN-TDTT) trong đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục