Rau tập tàng

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/7/2014 | 2:40:07 PM

YBĐT - Giữa những ngày hè oi nồng, ngồi đợi buổi chiều mãi vẫn chưa tắt nắng, mơ mãi vẫn chưa có một cơn gió nào mát rượi đến tận chân tóc, lại thấy thèm một bát canh rau tập tàng nấu cua, nấu hến của ngày xưa. Và trời ơi… nhớ!

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Rau tập tàng là rau gì? Cái tên nghe đã thấy nghèo, thấy thương, thấy buồn, thấy quê mùa, tội nghiệp. Tưởng như gặp một mẹ già ôm rổ rau con con ra chợ, nào là rau dền cơm, ngọn ớt, rau sam, rau rệu, rau má... tất cả rối bung, quấn quýt vào nhau, chẳng bán mớ, bán bó, bán lạng, bán cân mà nhiều khi bán “quạ” một vài nắm, vài dúm nho nhỏ, đem về nấu cua, nấu tôm, nấu hến... Cứ gọi là mát ngọt đậm đà, cả nhà xuýt xoa, cùng nhau chan húp! Người mua có người rộng rãi, có kẻ cò kè bớt một thêm hai, mẹ già cười hiền, vơ tất cả vào bán, bảo rau của trời ấy mà, vài đồng dưa mắm cũng bõ công.

Rau tập tàng, thứ rau rẻ tiền nhưng ngọt lành của làng quê giờ cũng đã chen chân vào phố thị để trở thành đặc sản, như nàng Tấm váy đụp yếm vá có ngày bỡ ngỡ lạc vào cung vua, phủ chúa. Vẻ giản dị, thanh nhã bỗng dưng lại được ưa chuộng. Sau bao sơn hào hải vị, mật mỡ ngán ngấy bỗng lại thấy thèm một bát canh suông cho nhẹ người lạ vị... Thế là tập tàng lên phố, như cơm niêu, cá tộ ngày nào. Có bao người xa quê, bỗng một ngày thấy bát canh lạ lạ, có chợt hỏi canh gì, rồi nhớ rau tập tàng đã nuôi lớn mình ngày xưa, để bỗng nhớ câu ca này:

Cầm cần rau cá ngược xuôi
Nấu canh rau bợ mà nuôi mẹ già

    (Ca dao)

Mẹ già giờ cũng lên phố rồi, ngồi trong phòng điều hòa, bê tông kín mít, mà hồn quê vẫn cứ phơ phất ở phương nào với bãi bờ, ao chuôm, đồi nương, gò rẫy. Những thứ rau bán trong siêu thị đắt tiền lạ vị mà lắm khi đau ốm chẳng làm sao đưa nổi một thìa cơm, chỉ thèm tương cà, canh suông, mắm tép. Cháu con nhăn mặt nhíu mày biết tìm đâu ra. Mẹ già thở dài nghe gió hiu hiu thổi đồng xa...

Rau tập tàng! Trong kí ức của tôi thì đó là những thứ rau người ta không trồng bao giờ, mọc hoang dại trong vườn, ngoài bờ, trên nương, trên đồi, nên rau tập tàng cũng hay được gọi là rau dại, rau rừng. Rau mọc tự nhiên, cứ đến mùa lại lên nhưng nhiều khi lại giúp người ta vượt qua những cơn đói lòng lúc giáp hạt “tháng ba, ngày tám”.

Rau tập tàng ngày trước thường hái về chăn lợn, khi rau thật non hoặc lúc thiếu rau người mới hái ăn. Cha mẹ tôi thường kể về những ngày tháng sinh viên thời trẻ đói quay đói quắt. Những nắm rau dại, rau rừng luộc vội chấm với dúm muối ớt đã giúp ấm bụng và nuôi dưỡng giấc mơ lên đường của những trí thức cổ cồn “đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần” ngày xưa...

 Rau tập tàng mùa nào cũng có. Mùa hè, khi mưa đến, rau dền cơm, rau sam, rau rệu, rau má... non mỡn, xanh mởn. Thả vào nồi nước, sôi lại là chín, vừa mềm vừa bùi. Mùa đông, có rau cải đồng, xương cá, rau muối... mọc xen lẫn với luống ngô, luống đỗ, thả vào nồi nước lẩu, vớt lên xanh bóng, vừa đậm vừa ngọt. Hay những khi vừa đốt nương xong, sau vài cơn mưa, rau tàu bay, cỏ lạc vừng mọc lên xanh ngút mắt...

Có rất nhiều loại rau tập tàng. Ai thích vị ngăm đắng có rau đắng cảy, tầm bóp, cải đồng, ngọn đu đủ... Ai ưa ngọt bùi có rau xương cá, dền cơm, rau rệu, sâm đất... Ai thèm chua mát có rau sam, chua me, rau sắn muối chua... Chan chát có ngọn khoai lang. Mùi hăng hắc có rau tàu bay. Nhơn nhớt có rau dớn... Cứ đi một vòng bờ bãi thế nào cũng được lưng lưng một mê nón đem về. Nhà nghèo thì nấu canh suông, sang hơn thì nấu canh rau tập tàng với cua, với hến hay thịt nạc băm, hoặc tôm hoặc ngao... Mùa nóng, mùa lạnh ăn vào đều thấy ngon miệng, đưa cơm.

Có những thứ rau tập tàng không hay được dùng để nấu canh mà hay luộc hoặc xào như tầm bóp, đắng cảy, rau sắn... Tôi nhớ mãi một mùa coi thi vào Nghĩa Lộ tháng 6, được ngửi mùi rơm mới thơm nồng, được ăn cơm gạo mới và nhất là được thưởng thức hai món rau rừng đặc sản của xứ Mường Lò “gạo trắng, nước trong”: rau dớn và rau ban (ngọn hoa ban). Rau dớn ngòi Thia được phơi hơi héo rồi đem xào tỏi, ăn vào nhớ mãi không quên và cũng là một vị lạ so với món nộm rau dớn ở đất ngọc Lục Yên. Còn rau ban, món rau lạ lùng, vì với tôi, nhắc đến cây ban là chỉ nhớ đến một loài hoa đẹp đặc trưng của vùng Tây Bắc chứ không nghĩ ngọn và lá non của nó có thể ăn được như một thứ rau. Thế mà, luộc hay xào lên lại ngọt và bùi lạ lùng.

Có phải thứ rau này đã từng “cứu đói” bộ đội ta trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” của chiến dịch Điện Biên Phủ năm nào không? Hay là rau tàu bay – cái tên phải chăng do những người lính hồn nhiên hóm hỉnh đặt hay khi hoa nở, hạt bay tung theo gió giống chiếc dù – đã là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất của đời lính trong hai cuộc trường kì kháng chiến của dân tộc năm nào?

Anh đã sống những tháng năm hào hứng
Ăn rau tàu bay, hát vỗ nhịp vào báng súng

   (Về làng - Trần Đăng Khoa)

Cơm gạo mốc, mà tưởng cơm gạo nếp
Rau “tàu bay” không muối cũng thành canh
(Đêm tháng năm - Văn Thảo Nguyên)

Rau tập tàng! Cái tên còn gắn với những người nghèo, chịu thương chịu khó. Như ngày xưa Lão Hạc của Nam Cao đã từng: “Hôm thì lão ăn củ chuối, hôm thì lão ăn sung luộc, hôm thì ăn rau má, với thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai, bữa ốc...”. Những thứ rau dại, rau rừng với sức sống mạnh mẽ vượt lên mọi bão giông, thời tiết khắc nghiệt đã rất hữu ích khi giúp người nông dân vượt qua những tháng ngày đói kém. Đến mức ông bà ta đã dặn con cháu rằng:

“Đói ăn rau mưng rau má, đừng ăn quấy quá mà hại vào thân”

Tôi vẫn nhớ có lần được đến một lớp học bán trú vùng cao, tận mắt nhìn thấy những đứa trẻ nếu ở thành phố vẫn thuộc diện “ăn chưa no, lo chưa tới” phải tự mình gùi củi nấu cơm mà thấy thương. Bữa cơm của các em chỉ có cơm trắng với măng ớt hay rau rừng luộc chấm muối. Nhưng ước mơ cái chữ thì vẫn luôn cháy bỏng trong mỗi đôi mắt nhìn đen láy...

Tập tàng ơi! Thân hoang dại, phận mong manh mà đã nuôi bao người khôn lớn, từ gánh rau mẹ trồng, từ nắm rau em hái, từ ao chuôm, bờ ruộng, từ nương rẫy, gò bãi... mà trưởng thành, vững chãi, đi xa... Thế nên, chiều nay nhìn bát canh rau tập tàng bốc khói trên mâm mà lòng bỗng thấy rưng rưng lạ...

Nguyễn Thị Thu Hiền

Các tin khác
Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hoá bản địa đã trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa bản địa, Yên Bái không chỉ thu hút du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương.

Độc giả nhỏ tuổi lựa chọn các ấn phẩm tại Phố sách Hà Nội.

Hôm nay (21-4), đánh dấu 10 năm nước ta tổ chức Ngày Sách Việt Nam (2014-2024) và sau này được nâng tầm lên là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (từ năm 2022).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục