Giá trị nhân văn của sáu điệu xoè cổ

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/7/2014 | 3:01:49 PM

YBĐT - Mường Lò, gồm thị xã Nghĩa Lộ và một phần huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là đất tổ của người Thái đen Tây Bắc. Ngay từ khi đặt chân đến vùng đất màu mỡ, trù phú nhưng còn hoang sơ này, những người tiên phong trong cuộc sinh cơ lập nghiệp luôn phải chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân.

Màn đại xòe cổ - xác lập Kỷ lục Việt Nam của thị xã Nghĩa Lộ năm 2013.
Màn đại xòe cổ - xác lập Kỷ lục Việt Nam của thị xã Nghĩa Lộ năm 2013.

Sáu điệu xòe cổ phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông, đoàn kết chống lại kẻ thù, tạo nên sức mạnh để trị thủy, khai phá đất đai và mong ước một cuộc sống sinh sôi nảy nở. Không những thế, khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, người Thái dần dần nhận thức rõ về vũ trụ, về mối quan hệ thiên – địa – nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. Những điệu xòe ra đời như một sự tất yếu hàm chứa những giá trị văn hóa và nhân sinh cao đẹp, những triết lý sâu sắc, những điều đó ẩn chứa trong từng động tác, từng điệu xòe.

Sáu điệu xòe cổ của người Thái Đen Mường Lò là những điệu xòe mang những thế chân, thế tay và khuôn hình cơ bản và nếu không học thì không thể trình diễn được. Sau này các nghệ nhân dân gian phát triển thành 36 điệu xòe thì cũng trên cơ sở sáu điệu xòe cổ này.

Từ điệu xòe vòng mang tính sơ khai, dần dần đã phát triển thành những điệu xòe phức tạp hơn, nhiều động tác hơn và đẹp hơn như: vòng tròn vỗ tay, bổ bốn, tiến lùi, nâng khăn mời rượu, tung khăn. Đó là quy luật vận động tất yếu của cuộc sống. Những điệu xòe cổ chẳng khác nào một xã hội thu nhỏ của người Thái phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm nguyện vọng bằng phương thức tư duy ngôn ngữ múa dân gian đã đem lại một sắc thái độc đáo. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí... sáu điệu xòe cổ ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên.

Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống lao động, chiến đấu với niềm tin yêu sáng trong vô hạn. Qua những điệu xòe cổ, người ta còn thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thuở sơ khai, cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan và thế giới quan. Tất cả những điều đó thấm vào lòng mỗi người một cách tự nhiên như suối nguồn trong mát tưới tắm những cánh đồng, làm nên những mùa vàng no ấm. Nói một cách khác, sáu điệu xòe cổ phản ánh hiện thực cuộc sống, bởi vậy có giá trị giáo dục đạo đức cho mỗi con người. Từ nhận thức cảm tính, dần dần dẫn đến nhận thức lý tính một cách tự nguyện, góp phần làm nên một bản sắc, cốt cách văn hóa không thể pha trộn.

Sáu điệu xòe cổ còn mang giá trị thẩm mỹ cao của một tộc người, có sức lan tỏa trong một không gian và thời gian rộng lớn. Đó là sự sáng tạo mang tính đỉnh cao của nghệ thuật thẩm mỹ. Vẻ đẹp từ bước vũ, khuôn hình cho đến ý nghĩa nhân sinh, mục đích làm cho người ta chiêm nghiệm, suy ngẫm bằng các giác quan, từ đó khâm phục, ngưỡng mộ. Trong lịch sử phát triển loài người, con người sáng tạo các loại hình nghệ thuật làm phong phú hơn cuộc sống, giúp con người thêm tự tin tồn tại và phát triển.  Sáu điệu xòe cổ nhằm thể hiện những cảm xúc thẩm mỹ lành mạnh trước thiên nhiên hùng vĩ, trước những cuộc đấu tranh sinh tồn, phát triển và tinh thần lao động cần cù của bao thế hệ. Đó chính là vẻ đẹp bất biến, cao cả của giá trị nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc.

Sáu điệu xòe cổ phản ánh hiện thực một cách chọn lọc, tự nhiên, thể hiện tâm tư tình cảm của con người. Các điệu xòe đã được hình tượng hóa, mang hơi thở của thời đại, thông qua lăng kính chủ quan của người Thái. Đó là sự sáng tạo tuyệt vời mang tầm cao của nghệ thuật. Sáu điệu xòe cổ của người Thái Mường Lò còn thể hiện đầy đủ tính cách điệu, tượng trưng, ước lệ... Trong mỗi điệu xòe lại biến hóa không ngừng, hài hòa giữa tay, chân, hình thể, khuôn mặt, kết hợp hài hòa với nhạc cụ trống, khèn... làm tăng giá trị biểu cảm, đồng thời góp phần khẳng định bản chất con người dân tộc Thái: kiên cường, bất khuất, dũng cảm, khiêm tốn và cần cù.

Có thể nói, sáu điệu xòe cổ của người Thái đen Mường Lò phản ánh trung thực hiện thực cuộc sống. Những điệu xòe ấy khơi dậy những gì tốt đẹp nhất trong mỗi con người, có sức cảm hóa và thuyết phục một cách tự nhiên như mưa dầm thấm đất, hướng con người tới lý tưởng cao thượng, lối sống lành mạnh, bồi đắp cho các thế hệ những tư tưởng tình cảm cao đẹp. Sáu điệu xòe cổ không chỉ để thỏa mãn cảm xúc thẩm mỹ, hơn thế, còn là tri thức dân gian, có tác dụng kích thích phát triển nhận thức của con người, góp phần giúp con người thêm hiểu tự nhiên, sống thuận với tự nhiên, biết điều chỉnh hành vi, lối sống cho phù hợp với đạo làm người.

Sáu điệu xòe cổ của người Thái đen Mường Lò là giá trị phi vật thể vô giá trong kho tàng văn hóa Thái nói riêng và văn hóa dân tộc nói chung, mang một sắc thái riêng mang tính cội rễ từ thời mở cõi. Đương nhiên, là nền tảng, là gốc của những điệu xòe khác. Việc bảo tồn và phát huy những điệu xòe này chính là hành động thiết thực giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc Thái.

Ngày nay, được sự quan tâm của UBND thị xã Nghĩa Lộ, trong mỗi bản làng đều có những đội xòe, tinh thông sáu điệu xòe cổ. Sáu điệu xòe cổ của người Thái Đen Mường Lò từng dành nhiều giải thưởng cao trong các kỳ hội diễn ở Trung ương và địa phương. Tối 29/9/2013, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức màn đại xòe sáu điệu xòe cổ lớn chưa từng có gồm 2.013 vũ công tham gia. Những nét tinh tế, điêu luyện trong từng bước vũ đã làm say lòng biết bao du khách cùng giới nghiên cứu. Điều đó nói lên sức sống mãnh liệt cùng nét đẹp tỏa ra từ mỗi điệu xòe.

Trong thời kỳ hội nhập và phát  triển của đất nước, việc bảo tồn và quảng bá sáu điệu xòe cổ của người Thái Đen Mường Lò chính là công việc thiết thực bảo lưu, kế thừa và phát huy tinh hoa văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.       

Trần Vân Hạc

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục