Hát trong đám cưới của người Thái đen Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/8/2014 | 9:36:38 AM

YBĐT - Hát trong đám cưới là một tập tục, truyền thống văn hóa lâu đời của người Thái. Đồng bào quan niệm, trong đám cưới không có hát coi như không có đám cưới. Vì vậy khi chuẩn bị tổ chức cưới xin, cả hai bên việc đầu tiên là tìm được người đại diện cho mình để hát.

Những bà mối trong đám cưới người Thái đen Mường Lò cũng phải là những người biết hát.
Những bà mối trong đám cưới người Thái đen Mường Lò cũng phải là những người biết hát.

Người đó phải thông thạo phong tục, tập quán của dân tộc, nhất là các bước trong việc cưới xin, phải biết ứng xử, giao tiếp giỏi, biết hát hay, đặc biệt là biết đối đáp ứng khẩu nhanh khi hát và đúng trình tự hát trong đám cưới. Đến dự đám cưới có rất nhiều người biết hát và hát rất hay nhưng bao giờ người Thái cũng luôn tôn trọng người được bên trai, bên gái chọn đại diện cho mình để hát chính. Còn những người cùng đến dự đám cưới chỉ làm nhiệm vụ phụ họa - "au hang" - kéo đuôi cho cuộc vui thêm đậm đà. Mặt khác có phụ họa của mọi người trong mâm rượu làm phấn khích người hát thêm say sưa và sáng tác ngẫu hứng thêm nhiều lời hay ý đẹp.

Hát trong đám cưới bao giờ cũng hát lời chào hỏi nhau trước. Khi trong cuộc vui hoặc cưới xin sau khi qua mấy tuần rượu mọi người vẫn ngồi tại mâm, vừa ăn, vừa uống, vừa hát cho đến khi tan cuộc. Hát trong cưới xin, lúc đầu thầy mo hát chúc tụng mọi người trong mâm, nhà trai, nhà gái luôn mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc. Sau đó nhà trai mới bắt đầu hát với những lời hát đầy ẩn ý. Sau đó là hát những lời chào hỏi. Tiếp đó hát chào mọi người trong mâm rồi hát rằng, nhà nghèo không có gì để làm bữa cưới cho tươm tất, không đáng để mời hai họ, bạn bè về dự vui: “Dù có mâm cao cỗ đầy cũng hát rằng phận nhà trai nghèo không có mâm cao, cỗ đầy mời khách và họ hàng nhà gái và mong mọi người thứ lỗi”.

Tiếp đó mới hát đối nhau. Họ hát từ lúc người con trai, con gái còn đang đầu thai trong bụng mẹ, sinh ra, lớn lên cùng nhau, rồi biết tìm hiểu yêu đương nhau cho đến khi tổ chức đám cưới. Bên trai, bên gái cứ hát đối đáp qua lại như vậy, hát giai đoạn trai, gái tìm hiểu, yêu đương khá dài tùy theo khả năng và thời gian cho phép có thể thâu đêm suốt sáng.

Người hát, cả bên trai bên gái phải hết sức linh hoạt, nhanh ý ứng khẩu cho phù hợp. Biết tài nghệ ứng dụng, biến tấu các bài hát giao duyên có trong dân gian và ứng tác tại chỗ kịp thời. Đồng thời phải biết trích các đoạn hát trong "Hạn khuống", "Xống chụ xon xao", "Tản chụ xiết xương", "Tản chụ xống sương" rồi các bài hát thách đố nhau, trêu ghẹo nhau, thử tài nghệ hát của nhau... rồi đỉnh cao là hát thách đố lẫn nhau những cái không có thực ở trong đời sống nhưng phải đối đáp được có tình có lý bắt buộc đối phương và mọi người thừa nhận là đúng. Ví dụ bên gái hát:

“Cha mẹ em ước được ăn dưa hấu mọc ở lưng trâu/ Ước được ăn dưa bở mọc ở lưng voi/ Cha mẹ ước vậy anh có đáp ứng được chăng?”

Rồi bên trai đáp lại:

Anh sẽ chuyển đất đắp lên lưng trâu/ Chuyển cát đắp lên lưng voi/ Hạt dưa hấu anh đem gieo/ Hạt dưa bở anh đem trồng/ Mới trồng mà dưa đã leo giàn nở nhiều hoa/ Anh mới lấy được dưa hấu mọc trên lưng trâu/ Lấy được dưa bở mọc trên lưng voi/ Được như vậy cha mẹ em có ưng gả không?”.

Hai bên cứ hát đối đáp như vậy, thách đố nhau như vậy cho đến khi cả hai bên thấy hài lòng. Vui chơi thỏa thích mới đồng ý để tổ chức đám cưới xin cho thành vợ, thành chồng. Khi bên nhà gái đồng ý cưới gả, bên trai hát rằng người con trai trẻ người non dạ, còn nhiều vụng về không biết làm rể... bên nhà gái cũng hát đáp rằng người con gái cũng vụng về, không biết làm dâu... rồi khen bên kia giỏi giang, tháo vát, khéo tay, chăm ngoan được lòng cha mẹ, anh em, bạn bè trìu mến, mọi người bản trên, mường dưới được nương nhờ.

Hát trong đám cưới là nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đám cưới của người Thái. Trong một đám cưới bao giờ cũng có nhiều bài hát như: hát xin dâu, xin đồ lễ, hát mừng hồn vía dâu rể… mỗi bài hát với ca từ khác nhau, ý nghĩa khác nhau khoác trên mình những nét đẹp đẹp riêng có, ngân lên giữa non ngàn, tô điểm thêm cho hạnh phúc lứa đôi.  

Ngày lễ thành hôn của trai gái người Thái thật vui và ấn tượng. Sau khi làm xong thủ tục trong buổi lễ đón dâu,  cả cô dâu và hội hôn được nghe bố mẹ chồng, chú bác, cô dì của chồng vừa ăn uống vui vẻ vừa hò “kéo đuôi phụ họa”  mừng dâu mới trong nhà. Bài hát “Chốm pạư” – (mừng dâu mới) được hát vang lên tha thiết. Khi bà mối của nhà trai hát xong, bà mối hoặc người của nhà gái hát đáp lại, nội dùng bài hát tỏ ý nhún nhường, con gái chúng tôi không được như thế, các ông các bà có lòng yêu quý nên khen quá đấy thôi và có lời gửi trao nhờ cậy bảo ban giúp. Lời hát cứ vang mãi, vang mãi giữa hai bên gia đình, họ trao gửi nhau niềm tin vào đôi trẻ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc trên đôi bàn tay khéo léo của nàng dâu họ hằng yêu quý. 

Ngày nay cuộc sống đã có nhiều thay đổi, hôn nhân vì thế cũng có nhiều đổi mới, những hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ thay đổi bằng hình thức khác cho phù hợp, tiến bộ. Bên cạnh đó, những nghi thức truyền thống tốt đẹp vẫn được các thế hệ người Thái Mường Lò truyền khẩu và nâng niu trân trọng. Đặc biệt, trong mỗi đám cưới, những bài hát vẫn vang lên đầy tình người như sức sống của một nét đẹp văn hóa; góp phần gìn giữ và phát triển những tinh hoa văn hóa của cha ông để lại.

  Trần Vân Hạc

Các tin khác

Sáng 20/4, tại Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái tổ chức hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024 và Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI để nâng cao hiệu quả đọc sách và học tập”.

Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống tại lễ kỷ niệm 1085 năm vua Ngô Quyền định đô tại Cổ Loa.

Tối 19/4, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).

Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục