Phong phú nhạc cụ của người Thái Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/8/2014 | 2:14:44 PM

Hệ thống nhạc cụ của người Thái Đen Mường Lò rất phong phú, bao gồm bộ gõ, bộ dây và bộ hơi.

Một số nhạc cụ được sử dụng trong chương trình biểu diễn nghệ thuật mừng xuân mới hàng năm của đồng bào Thái.
Một số nhạc cụ được sử dụng trong chương trình biểu diễn nghệ thuật mừng xuân mới hàng năm của đồng bào Thái.

Nhạc cụ gõ của người Thái Mường Lò gồm trống, chiêng, chũm chọe và quả nhạc. Bộ gõ này có vai trò rất quan trọng trong đời sống nghệ thuật và tâm linh. Bộ gõ là vật linh thiêng của mỗi bản, không bao giờ được để mất, không để kẻ thù chiếm đoạt, không được đổi chác mua bán. Việc chế tác bộ gõ được tiến hành với những bước rất nghiêm ngặt: cúng tế xin phép thần linh, cầu mong thần cho phép, chứng giám và phù hộ rồi tiến hành ở nơi kín đáo, sạch sẽ. Khi chế tác xong phải cử hành lễ tế trang trọng và cất giữ ở nhà sàn hay gian thờ ma nhà của trưởng bản hoặc người có chức sắc và chỉ được dùng trong dịp tết hoặc lễ cúng xên bản, xên mường. Người Thái cho rằng nếu dùng trống chiêng tùy tiện sẽ có hại cho bản mường. Trống có hai loại "cống" và "cong".

Thông thường "cống" hay được dùng trong hội xuân, lễ cúng ma bản mường; còn "cong" dùng khi chủ mường qua đời hoặc khi có giặc, báo động… Tang trống dùng cây gỗ tròn được đục bỏ lõi, thường là gỗ xâng hoặc mít. Tang trống dài 0,8 - 1m, mặt có đường kính từ 30cm - 50cm, bịt bằng da trâu bò, âm thành trầm và gần. Cong  là loại trống dài từ 1,5m đến 3m, mặt bịt da bò, có đường kính từ 50cm đến 70cm, âm thanh trong hơn, vọng rất xa. Khi chế tác tang trống, để có âm thanh như ý, các nghệ nhân cạo nhẵn bên trong và mặt ngoài chứ không dùng sơn.

Chiêng và chũm chọe được chế tác công phu, đặc biệt là rốn chiêng. Để có âm thanh mong muốn, các nghệ nhân pha thêm vào đồng một tỷ lệ vàng hoặc bạc theo công thức bí truyền và dùng búa gõ tạo những nốt nhấn như cách lên dây đàn. Chiêng có âm thanh trầm được gọi "tô me", tức là con mái, chiếc có âm thanh cao gọi là "tô po", tức là con trống, chiếc có âm thanh ở khoảng giữa gọi là "tô lụ" tức là con con. Chũm chọe gọi là "xánh", chùm nhạc là "mắc hính".

Chiêng có thể dùng riêng hoặc phối hợp cả chũm chọe và quả nhạc tạo ra một hợp âm độc đáo mà các nhà nghiên cứu cho rằng đậm đà ý nghĩa nhân sinh. Thường là đàn ông đánh trống, đàn bà đánh chiêng, con gái trẻ dùng quả nhạc, trẻ con dùng chũm chọe tạo ra những âm thanh sôi động, lôi cuốn lòng người. Nghe tiếng trống, chiêng, người ta có thể biết ở bản Thái ấy đang có việc vui hay buồn: nếu tiếng trống nhịp 2/4 theo kiểu 3 tiếng cùng với 7 tiếng, tiếng chiêng gõ trên con mái và con trống rơi vào nhịp mạnh, tiếng của con con rơi vào nhịp nhẹ của trống thì chắc chắn rằng ở đó có hội xòe. Còn khi nghe tiếng "cong" dồn dập 3 tiếng hoặc 5 tiếng là có việc khẩn cấp như: cháy nhà, có lũ bão, có giặc… Các quả nhạc cùng phụ trợ cho hát và các điệu xòe làm tăng sự vui tươi, sôi động.

Bộ gõ nói chung và chiêng trống nói riêng là những nhạc cụ không thể thiếu của người Thái Mường Lò, góp phần làm cho đời sống nghệ thuật thêm phong phú, đồng thời còn chứa đựng những ý nghĩa tâm linh và nhân sinh cao cả, gửi gắm vào đó cả tình yêu, tinh thần lạc quan tin tưởng vào cuộc sống no ấm, hạnh phúc.

Bộ hơi gồm: pí pặp, pí lè, pí ló, pí sên, pí thiu, pí tót, pí rạ, có loại 4 lỗ như pí thiu, có loại chỉ có một lỗ như pí tót, trong đó pí pặp đứng đầu các loại pí, là lời của tình yêu muôn đời:

 Nghe pí pặp thổi
 Tiếng trầm rơi xuống suối
 Đàn cá quên đớp mồi
 Tiếng bổng va chóp núi
Mây quên bay về trời…

          (Dân ca Thái)

Pí thiu có 4 lỗ tương ứng với những nốt: đô, pha, son, la (giọng thứ), xưa pí thiu dùng để gọi bạn tình mỗi đêm “pay ỉn” sao (chọc sàn gọi bạn tình), khi buồn âm thanh của pí thiu xa vắng, thổn thức, mênh mang đầy nội tâm. Những đêm thanh vắng nghe tiếng pí thiu người già thở dài lần đến hũ rượu, nhớ lại tuổi thanh xuân.

Còn pí tót, người thổi phải có kỹ thuật điều khiển bằng hơi kết hợp với sự bấm ngón điêu luyện. Những nghệ nhân có kỹ thuật cao siêu có thể lồng tiếng nói trong tiếng phát ra của pí tót khiến người nghe có thể cảm nhận được cái “thần” điệu nhạc cùng nội tâm của người thổi. Âm thanh của pí tót làm người nghe liên tưởng tới những mất mát, khổ đau, thiệt thòi cho số phận của kiếp người lam lũ khi chưa có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Khèn bè – “kén” có một vị trí vô cùng quan trọng, là nhạc cụ chủ đạo và là biểu tượng độc đáo của nền âm nhạc Thái. Với 14 ống nứa tép (mạy pao) được ghép lại thành từng đôi trên một bầu bằng gỗ thừng mực (mạy mụk), nghệ nhân dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi trên các ống nứa với các kích cỡ khác nhau ở các vị trí thích hợp. Một trong các kỹ thuật khó nhất là xử lý các lam đồng được gọi là lưỡi gà (lịn cáy), từ độ dày, độ dài tới độ bóng bề mặt.

Với năm cung và một quãng tám, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, các điệu nhạc và làm nền cho các điệu dân vũ và múa hiện đại. Bởi vậy khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu.

Điều thú vị là ở khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi như: lả - lá, hai nốt rế, hai nốt son, đồ - đố, phà – phá... mà các nghệ nhân gọi là “pò mè” (tức là bố mẹ). Bởi vậy mỗi khi tiếng khèn bè cất lên nghe da diết sâu lắng như lời tâm tình yêu đương cháy bỏng của những đôi trai gái, dù đó là điệu “báo xao” – (trai gái), “sài peng” (tình tự), “lòng tông” (qua cánh đồng) hay đệm cho các điệu xoè. Triết lý âm dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế.

Chính vì khả năng biểu cảm phong phú nên việc chế tác khèn bè rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi một sự khéo léo và trình độ thẩm âm cao. Chiếc khèn bè không chỉ là nhạc cụ với những âm thanh tuyệt vời mà còn là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần của tự nhiên và sự sáng tạo cùng tình yêu cao cả của người nghệ sỹ.

Bộ dây gồm: “So Lo” - tức là nhị và đàn tính, ngoài người Thái ở Quỳnh  Nhai dùng đàn tính làm nhạc cụ chủ đạo trong các điệu xòe, còn “so lo” chỉ dùng trong các điệu xòe mang ý nghĩa tâm linh như: “Xên lảu nó” – (lễ tôn vinh thày cúng và cầu an)…
Cho đến nay, nhạc cụ của người Thái Tây Bắc vẫn tồn tại và được truyền từ đời này sang đời khác làm phong phú thêm cho nền văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng.

Trần Vân Hạc

Các tin khác
Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, dàn dựng công phu, mang đậm giá trị truyền thống, tôn vinh Hát Xoan Phú Thọ – Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Tối 14/4 (tức mùng 6/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật “Hội Xoan 2024 - Miền Di sản”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục