Mênh mang “Khói sóng quê nhà”

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/8/2014 | 9:09:57 AM

YBĐT - Là người làm công tác văn hóa song Phạm Đức Toàn lại rất yêu thơ. Tình yêu đó đã giúp anh lần lượt cho ra mắt bạn đọc các tập thơ “Hoa lộc vừng” (năm 1999) , “Ru chiều” (năm 2004) và gần đây nhất là tập “Khói sóng quê nhà” - Nhà xuất bản Văn học.

Với tác giả Phạm Đức Toàn, thơ là nơi để bộc bạch tình cảm, giãi bày tâm sự. Ở tập “Khói sóng quê nhà”, ta gặp một hồn thơ dễ rung động với bao buồn vui của cuộc đời; với vẻ đẹp của quê hương xứ sở cùng những con người dễ thương dễ mến. Không phải ngẫu nhiên tác giả ví “Đời ta con sóng đầu nguồn/Câu hò thả trôi sóng nước” để luôn hướng về “khói sóng quê nhà”, “mảnh trăng quê”:

Sông quê bên lở, bên bồi
Bên trong bên đục, bên vui bên buồn
Chìm trong một mảnh trăng buông
Để ai trôi nổi mảnh hồn trăng quê
                 (Mảnh trăng quê) 

Một mảng tương đối đậm nét trong thơ Phạm Đức Toàn là xúc cảm về tình yêu lứa đôi. Có lẽ cảm nhận “Yêu - nỗi đau tự nguồn” mà chàng trai si tình trong thơ anh luôn khát khao “Cái bụng anh thèm nói lời yêu” và thấy cô đơn, buồn thương vô cớ “Bâng khuâng ở chốn lưng đèo/Trăng non đơn lẻ, cheo reo nỗi buồn” (Cô đơn rừng). Cái người được gửi thương gửi nhớ cũng không cụ thể, như hóa thân vào trăng gió, vào nắng mây; có lúc lại là biển, là rừng và nhiều nhất vẫn là mùa xuân. Hàng loạt bài: “Dấu xuân”, “Mùa xuân và em”, “Theo em mùa xuân”, “Thư cho mùa xuân”, “Áo xuân ai biết mà thay”… cứ lần lượt bộc lộ những cung bậc tình cảm của  nhân vật trữ tình : 

Thà rằng đừng để vấn vương
Chắc gì tôi vợi nhớ thương bộn bề
Gió xuân vuốt nhẹ tóc thề
Đường quên lối bước, đêm quên tiếng gà.

                         (Dấu xuân)

Xuân về mang tuổi tôi đi
Còn đâu như mảnh trăng thì đợi em

    (Áo xuân ai biết mà thay)

Yêu thương nhiều, nhà thơ càng cảm thông với những phụ nữ vì nhiều lý do phải hy sinh cả thời con gái trong sự đợi chờ vô vọng “Thời gian theo đò dọc/Tình em chờ bến ngang/Mắt dõi chiều buông nghẹn/Tay vịn chiều cô đơn” (Bến sông thời con gái). Rồi đồng điệu với “Người đàn bà đợi trăng”,  “Người đàn bà nổi giận” để “tự đo nỗi đau” và “Tự hao gầy lòng không tủi phận/Cứ biêng biếc, đồng chiều tự thắm”. Chính điều này đã góp phần làm nên giá trị nhân bản của tập thơ. Cũng ở “Khói sóng quê nhà” có hai bài nói về những đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh thật cảm động. Họ là những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ “Đây vạt áo cô gái chưa chồng/Kia lá thư chàng trai chưa vợ/Sau trận bom tọa độ/Đã thành quá vãng vàng son” (Đồng đội tôi). Đất nước hòa bình, những chiến binh năm xưa trở lại chiến trường tìm đồng đội. Bao nhiêu khó khăn “Thời gian xóa dấu đường mòn”, “Nhìn đằng trước, ngoảnh đằng sau/Bạn bè chưa thấy mà đâu cũng rừng”. Song ý chí quyết tâm và không gì hơn là tình đồng chí đã giúp họ vượt qua tất cả:

Rừng xưa lảnh lót tiếng chim
Trái tim chỉ lối ta tìm đến nhau
Cách vời mà có xa đâu
Âm dương một khoảng đất nâu rừng già.

                              (Lời quê)

Phạm Đức Toàn cũng hay chiêm nghiệm cuộc sống, phải chăng đây cũng là thuộc tính của thơ mà mỗi nhà thơ cần hướng tới. Những bài “Hoang tưởng”, “Lạ thay”, “Hỏi”, “Nếu có thể”, “Dòng sông thao thức”… đã chuyển tải khá nhiều suy ngẫm của anh về cuộc sống, số phận con người. Cuộc sống quanh ta còn “Nhiều anh hài giả dối”, “chân lý” và “cái thiện” nhiều khi chưa thắng nổi cái ác song nghệ thuật và người nghệ sĩ vẫn luôn trụ vững để làm trọn sứ mệnh vị nhân sinh “Tôi và thơ/Hai kẻ dại khờ/Đủ rộng lớn và sẵn sàng chịu đựng/Bước thong dong không hề vướng bận/Xuôi ngược giữa đời/Hoang tưởng một vầng trăng” (Hoang tưởng).

Thơ Phạm Đức Toàn có nhiều tứ đẹp, nhất là những bài tứ tuyệt đã đạt đến độ tương đối hoàn chỉnh “Chốn này tôi với ai đây/Để tôi ôm gió, hôn mây hững hờ/Sương vừa biêng biếc non tơ/Đã rung thác bạc mộng mơ suối tình ”(Ai đây). Dù ở một số bài còn có sự lên gân, triết lý vụn song cách nói và sáng tạo hình ảnh mang màu sắc văn hóa dân gian vẫn cuốn hút độc giả:

Thật khuya em nằm thấy mộng
Gặp con trăng trẻ, trăng già
Lụa quê mớ ba, mớ bẩy
Đong đưa con mắt huê tình.
             (Mộng kiếp phù du)
Hay:

Tươi tưởi em, náu chợ hoa đêm
Dưng dửng nghiêng, mắt tìm ngũ sắc 
Ai mộng du, vườn khuya lá lép
Hoa dĩa màu lối cũ tàn thu

                      (Đợi trăng)

Ba tập thơ, kết quả của hàng chục năm sáng tạo đã khẳng định một giọng thơ Phạm Đức Toàn: trong trẻo, hồn nhiên, pha chút duy lý. Mong thơ anh tiếp tục đẹp như vầng “Trăng say” và réo rắt như “Tiếng khèn đêm” để mang đến cho bạn  đọc những “mùa tình ngất ngây”.

Thế Quynh

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục