Mênh mang “Mù Cang”

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2014 | 9:03:19 AM

YBĐT - Núi cứ núi, đèo cứ đèo. Nắng lại đan mưa, mưa lại vờn nắng. Gió núi miên man không ngừng và những nấc thang vàng cứ dần xuất hiện cao mãi, cao mãi như lên tận trời... Ấy là xứ “Mù Cang”.

Chiều Mù Cang Chải.
(Ảnh: Thanh Miền)
Chiều Mù Cang Chải. (Ảnh: Thanh Miền)

Tôi đến Mù Cang Chải khi trời đã về chiều, vạt nắng cuối ngày nghiêng nghiêng vàng vọt dường như chia nhỏ vùng đất này thành những mảng màu lạ kỳ, vô cùng hấp dẫn. Này là màu thâm trầm của núi rừng, màu xanh non của bãi ngô, đồi thông, này màu tim tím của hoa mua, màu ánh bạc của dòng suối, màu mái đỏ của những công trình kiến trúc và màu vàng ruộm của lúa chín. Tất cả như hòa vào nhau, điểm xuyết cho nhau, tạo thành một Mù Cang Chải vừa hoang dã vừa hiện đại.

Mùa này, Mù Cang Chải đang vào kì lúa chín. Giữa trùng trùng điệp điệp những nấc thang vàng, sắc thổ cẩm đâu đó thấp thoáng. Những dáng người cứ theo nhịp đập lúa vào thưng gỗ mà dập dồn không ngừng nghỉ. Tôi nhẩm tính từng nhịp, từng nhịp đập nhưng không xuể, tôi lại ngẩn ngơ đếm có bao nhiêu bậc thang, bao nhiêu vạt lúa nhưng chỉ một lúc là đếm nhầm rồi đến hoa cả mắt... Có lẽ ở nơi vùng cao này, chỉ có từng tấc đất lưng trời mới thấu hết những giọt mồ hôi của người nông dân. Từ trên đỉnh dốc xã La Pán Tẩn nhìn xuống hết tầm mắt, những bờ vai oằn gánh nặng, lúa cứ thế theo mọi ngả về nhà. Trên gương mặt ướt đẫm mồ hôi vẫn thấp thoáng ánh mắt vui tươi của ngày mùa. Tiếng cười nói của người già, trẻ nhỏ cứ râm ran trên các triền ruộng, họ í ới gọi nhau, họ vẫy tay chào những người khách mến yêu đến thăm Mù Cang Chải...

Nắng chiều đã chạm đỉnh núi. Tôi nghe từ trong không trung những giọt sương chiều muộn bắt đầu gọi nhau cùng ngưng đọng. Đưa tay với lấy những bông hạt còn nguyên trên gốc rạ mà thấy những hạt căng tròn, nặng trĩu; có hạt vàng tươi giòn màu nắng; có hạt đậm màu sương sa. Có lẽ để được nằm trong tay liềm hái của người trồng ra nó, những cây lúa này đã trải qua một giai đoạn nắng lửa vùng cao, vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt rồi không phụ công người mà cứ lớn lên, đẻ nhánh, đơm bông, trĩu hạt...

Tôi tần ngần ở bên nương lúa không muốn về. Trăng đã lấp ló đằng đông. Mảnh trăng lạnh lẽo ấy cứ như giục giã chúng tôi về với mái ấm gia đình. Ánh trăng sáng đủ chiếu sáng mọi nẻo đường về các thôn, bản. Tôi bước ra con đường xuống núi, nhìn qua ô cửa trong mỗi ngôi nhà, những gương mặt chất phác của người dân rạng rỡ niềm vui khi bưng trên tay bát cơm gạo mới...

Tạm biệt Mù Cang Chải vào sớm mai khi mặt trời vừa ló rạng mà lòng đầy luyến tiếc. Trên đường về, hình ảnh những gùi táo mèo má hồng nặng trĩu trên lưng người xuống chợ, những lít mật ong sóng sánh hương rừng và cả những mẹt cốm thơm được du khách xúm quanh mua về làm quà... đã góp phần làm cho Mù Cang Chải đẹp lại còn phong phú về sản vật.

Tôi thầm nghĩ nếu không đến, không đi mà chỉ ngắm nhìn Mù Cang qua phim, qua ảnh thì thực sự đáng tiếc. Lòng tôi cứ nhủ thầm, dù cuộc sống hiện đại đến đâu, công nghệ có phát triển đến đâu thì vẫn không bao giờ đủ, chỉ có thể khi ta được đến, được quan sát, được ngắm nhìn tận mắt đất trời "Mù Cang" thì mới cảm nhận được hết cái đẹp, cái hùng vĩ  và hoang dã nơi này.

Con đường quanh co lượn quanh vách núi này, đèo Khau Phạ này, di tích lịch sử này… chẳng phải đã đi vào huyền thoại, góp phần cùng lịch sử dựng xây nên non sông ta? Còn nữa, lên với "Mù Cang", khi đứng trên đỉnh cao của núi hay đắm mình dưới thung sâu thì mọi giác quan của con người mới thực sự được hòa với thiên nhiên, cảm nhận được hương lúa, nghe thanh âm rộn rã của ngày mùa, được hít sâu vào lồng ngực bầu không khí trong lành, được thỏa thích ngửa mặt lên trời cao mà nhìn từng đàn chim tung cánh qua những cột điện bắc ngang đỉnh núi hay ngửa tay hứng giọt mưa rừng mới cảm thấy được cái hồn, cái duyên, cái hoang sơ của thiên nhiên và tình người nồng hậu nơi vùng cao.

Thanh Thủy

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục