Nhớ một thời chiếu bóng vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/11/2014 | 2:19:00 PM

YBĐT - Đó là những năm 60-70 của thế kỷ trước, tỉnh Nghĩa Lộ (nay thuộc Yên Bái) có 6 huyện và 1 thị xã, mỗi địa phương có một đội chiếu bóng lưu động chiếu phim phục vụ nhân dân.

Một buổi chiếu phim lưu động tại thôn Diềm, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn.
Một buổi chiếu phim lưu động tại thôn Diềm, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn.

Vào cơ quan Chiếu bóng tỉnh công tác, tôi được bổ sung ngay vào Đội chiếu bóng số 19 chiếu phim phục vụ đồng bào các xã vùng cao huyện Mù Cang Chải. Đội được trang bị đầy đủ máy móc như máy nổ phát điện cơ khí điện ảnh nặng tới 120kg, máy chiếu phim 16 ly đồng bộ tăng âm, sút von tơ và các phụ kiện kèm theo của Liên Xô. Đồng thời còn được trang bị thêm 1 đài bán dẫn Orionton của Hunggari để làm công tác tuyên truyền.

Các xã của huyện Mù Cang Chải thời đó chưa có đường ô tô, muốn di chuyển từ xã này sang xã khác bắt buộc phải đi bộ xuống quốc lộ rồi mới tìm đường leo lên xã tiếp theo. Cả ngày leo bộ đến chục cây số vậy mà số tiền bồi dưỡng di chuyển cũng chỉ đủ tiền 1 Suất cơm ở bếp tập thể thời bao cấp. Đội chiếu bóng chưa bao giờ có nhà ở riêng (văn phòng), quanh năm suốt tháng cứ trèo đèo lội suối từ tháng này sang tháng khác, từ năm này qua năm khác, đến đâu đều phải nhờ vào UBND các xã, các trường học làm chỗ nghỉ ngơi, thậm chí có khi ở cả sân kho hợp tác! Có những điểm phải nằm lại cả tháng vì thời tiết hoặc không có dân công chuyển máy.

Có lần, một nửa số máy móc đã được chuyển đến xã khác còn một nửa vẫn nằm tại chỗ mà không làm thế nào để chuyển đi được. Anh đội trưởng chiếu bóng đã năm lần bảy lượt đến nhà ông chủ tịch xã nhờ đốc thúc dân công nhưng khi đến nhà ông lại lên nương, lên nương tìm được thì trời nhá nhem tối, lại hẹn: “Mai nhé”. Ba lần “mai nhé” rồi vẫn chưa điều được dân công chuyển máy. Ở đây chủ yếu là đồng bào Mông sống thưa thớt bên sườn núi, nhà nọ sang nhà kia cách nhau 3 con dao quăng! Vì vậy, mỗi lần điều động dân công chuyển máy rất vất vả.

Một năm may mắn lắm, Đội mới được về trung tâm huyện một lần vào dịp hội đồng nhân dân huyện tổ chức hội nghị cuối năm. Lúc đó mới được gặp gỡ những anh chị cán bộ: y tế, giáo dục, thương nghiệp… là người dưới xuôi và mới trút được bầu tâm sự cùng nhau về những ngày tháng dài lê thê ở bản.

Đèo Khau Phạ (Cao Phạ) từ Tú Lệ đi lên ngoằn ngoèo như con rắn khổng lồ vắt qua sườn núi, mùa đông rét cắt da cắt thịt, sương mù dày đặc. Một lần, Đội chiếu bóng đến chiếu phim phục vụ công nhân cung đường 7 thuộc Đoạn bảo dưỡng đường bộ 2 trên đỉnh đèo Khau Phạ. Sáng sớm, anh em đem chậu ra lần nước rửa mặt nhưng phải về không vì nước đã đóng băng! Mùa đông là vậy còn mùa hè thì lại mưa triền miên, sạt lở tắc đường hàng tháng là chuyện bình thường.

Việc di chuyển từ xã này sang xã khác vào mùa mưa là cực kỳ khó khăn, nhất là những xã xa như Nặm Khắt, Hồ Bốn, Chế Tạo. Giỏi lắm một năm chiếu bóng chỉ đến được một lần, có năm thậm chí không lần nào!

Vào mùa mưa, chúng tôi chiếu phim được rất ít, có tháng không chiếu được buổi nào. Để tránh tình trạng phải nghỉ dài ngày, mùa mưa năm 1970, anh em trong Đội nhất quyết hạ sơn một chuyến. Nhân tiện có xe ô tô của Đoạn bảo dưỡng đường bộ 2 về tỉnh lấy vật liệu, chúng tôi nhờ chuyển cả Đội tuốt luốt về tận xã Gia Hội thuộc địa bàn huyện Văn Chấn chỉ cách cơ quan chiếu bóng tỉnh có 20km. Ông Đinh Thành Cát – Chủ nhiệm Quốc doanh Chiếu bóng tỉnh biết chuyện triệu anh Lê Văn Kính - Đội trưởng về “xạc” cho một trận. Ông Cát nói: “Các anh bỏ địa bàn cho phỉ nó hoạt động à? Nhiệm vụ các anh là ở trên đó”.

Anh Kính nghe xong, cự lại: “Thưa anh, chúng em chỉ xuống đây mấy tháng mùa mưa thôi. Để chúng em xuống đây còn chiếu được chút ít, hay để chúng em cứ nằm không chờ lĩnh lương, theo anh thế nào lợi hơn?”. Ông Cát nghe anh Kính nói có lý nên giọng bớt gay gắt: “Các anh muốn làm thế nào thì làm nhưng phải nhớ địa bàn đấy”.

Đời người chiếu bóng lưu động nhiều chuyện buồn vui đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm khó quên mà thế hệ chiếu bóng ngày nay không còn lặp lại nữa.
Một lần, đến chiếu phim ở xã Nậm Chò, đã đến giờ phải nổ máy để cung cấp điện cho tăng âm tuyên truyền, anh Nông Văn Đang phụ trách máy nổ loay hoay mãi mà không làm sao nổ được máy. Sốt ruột, anh Kính đội trưởng chạy ra hỏi thì anh Đang nói: “Máy bị mất tầm ép! Không nổ được anh ạ”. (Tầm ép là áp suất trong buồng đốt phải đủ để buri đánh lửa đốt cháy hòa khí máy chạy sinh công).

Từ lúc thấy anh Đang nói máy nổ mất tầm ép, ông Chủ tịch xã cuống cuồng lên, quát lũ trẻ: “Ai lấy tầm ép của đội chiếu bóng khai ra mau”. Sẵn tờ báo trong tay, ông cuộn thành cái phễu trông giống cái loa bắc lên kêu gọi: “A lô, a lô, ai bắt được tầm ép máy nổ của đội chiếu bóng thì đưa trả ngay, nếu không có tầm ép máy không nổ, không có điện, không chiếu phim được a lô, a lô…”.

Chúng tôi che miệng chạy vội ra ngoài vì không nhịn được cười. Anh Kính phải giải thích mãi ông Chủ tịch mới hiểu và không truy cứu lũ trẻ nữa. Cuối cùng thì máy cũng nổ, điện bật sáng, mọi người cười ồ vui vẻ. Một anh trông có vẻ như cán bộ huyện lên xã công tác nói vui: “Cứ để cho máy nổ chạy đến lúc chiếu phim, nếu tắt máy lát nữa lại bị ăn trộm tầm ép thì khổ”. Anh vừa nói vừa liếc nhìn ông Chủ tịch xã. Ông ta biết anh cán bộ nói bóng gió về mình nên cười xòa độ lượng: “Ai mà biết tầm ép máy nổ to cỡ nào?”.

Chiếu bóng lưu động thường xảy ra những tình huống dở khóc dở cười như cháy máy, hỏng máy bằng thật do con người gây ra mà không thể quy kết cho ai được. Như mấy anh bạn dân công người Mông khiêng máy qua suối, thấy máy bụi bẩn đã có ý tốt tự dìm máy phát điện xuống nước để rửa cho sạch. Đến điểm mới, trời đã tối, anh em chiếu bóng không biết, cứ hồn nhiên lắp máy vào nổ, máy phát điện bốc khói khét lèn lẹt… Hồi đó, phương tiện giao thông đi lại rất hiếm hoi, đưa được máy xuống đường nhưng cả ngày chả có chiếc ô tô nào chạy qua. Không gì tốt hơn là khiêng máy đi bộ về tỉnh sửa chữa, cả đi lẫn về mất 10 ngày.

Hôm về Quốc doanh Chiếu bóng tỉnh đổi phim, gặp mấy anh em đồng nghiệp đội bạn chuyển từ huyện về cơ quan một vật đen đen, nhìn ra mới biết máy nổ bị cháy. Một anh kể rằng, tối hôm đó, anh phụ trách máy nổ cứ loay hoay với bộ phận đánh lửa của ma-nhê-tô. Anh đội trưởng hỏi:
“Sao chưa nổ máy”. Anh phụ trách máy nổ nói: “Ma-nhê-tô mất lửa anh ạ”. (Ma-nhê-tô mất lửa là do 2 mặt má vít bị rỗ hoặc có vật cản ở giữa 2 mặt má vít, điện không sang cuộn dây cao áp được, bu gi không đánh lửa. Đương nhiên là máy không nổ rồi. Cách khắc phục là láy giấy ráp đánh nhẵn 2 mặt má vít tự khắc có lửa). Buổi chiếu chậm lại, dân chúng nhau nhao, kẻ nói ra người nói vào nghe rất khó chịu. Một người dân đứng gần đấy nghe nói máy nổ bị mất lửa liền cầm bật lửa chạy đến nói: “Tôi có lửa đây…”.

Miệng nói, tay bật luôn máy lửa. Anh phụ trách máy nổ chưa kịp ngăn lại thì xăng bén lửa bùng cháy, lửa bao trùm lấy máy nổ. Dân chúng xúm đến giúp dập lửa, người đổ nước, người bốc đất bốc cát ném vào, khi dập được lửa thì ôi thôi chiếc máy nổ đã trở thành cục sắt đen sì, không còn nhìn ra hình thù nữa! Mọi người im phăng phắc, không ai lên tiếng, dân chúng giận lắm, chắc họ nghĩ chỉ tại cái ông bật lửa kia thôi, nếu không họ đã được xem phim rồi, mà ở đây vùng sâu, vùng xa một năm chiếu bóng cũng chỉ đến được 1 đến 2 lần là cùng. Họ tản ra ai về nhà nấy. Nhìn nét mặt họ buồn thiu làm cho anh em chiếu bóng cũng nao lòng. Cuối cùng chỉ còn lại mấy người chiếu bóng và các anh lãnh đạo xã. Rồi các anh lãnh đạo xã về nốt, mấy anh em chiếu bóng nhìn nhau khóc không ra tiếng.

Những niềm vui và nỗi buồn của người chiếu bóng lưu động vùng cao thời bao cấp không thể kể hết được. Ngày nay, ngành điện ảnh của chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc, những máy móc hiện đại, gọn nhẹ, đắt tiền, công nghệ phim 3D đã có rộng khắp các tỉnh, thành. Tuy vậy, chúng ta cũng đừng quên nhìn lại những chặng đường đã qua của điện ảnh với những cỗ máy cồng kềnh, nặng nề, cổ lỗ nhưng đã làm nên một thời kỳ oanh liệt hơn 60 năm trước. Có xưa thì mới có nay, có cũ kỹ, lạc hậu thì mới có văn minh hiện đại. Chúng ta không được chê cười ông chủ tịch xã muốn biết tầm ép máy nổ to cỡ nào, mấy anh dân công người Mông nhiệt tình đã dìm máy xuống suối rửa cho sạch, hay người dân kia sẵn sàng cho lửa để “giúp” đội chiếu bóng thiêu rụi chiếc máy nổ.

Tất cả những chuyện vui buồn đó tuy đi vào dĩ vãng nhưng khi nghĩ lại trong tôi vẫn mang theo một chút buồn man mác.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Hà Hồng Tươi (Tổ 5, thị trấn Yên Thế, Lục Yên)

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục