Giếng cổ Lũ Điền trên đất Hợp Minh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/11/2014 | 8:54:01 AM

YBĐT - Không giống như giếng làng ở các vùng quê khác thường có hình tròn, hình lục lăng hay hình bán nguyệt, giếng làng Lũ Điền trên đất Hợp Minh lại có hình vuông. Mỗi cạnh của thành giếng rộng chừng 1,6m, xây bằng gạch nung. Giếng sâu khoảng 3m, nước trong vắt tận đáy. Điều đặc biệt, phần đáy của giếng được ghép bằng những thân gỗ nhội, đẽo vuông.

Giếng cổ làng Lũ Điền mới được tôn tạo.
Giếng cổ làng Lũ Điền mới được tôn tạo.

Xã Hợp Minh trước kia và nay là phường Hợp Minh là vùng đất bên hữu ngạn sông Hồng, cửa ngõ phía tây thành phố Yên Bái. Hợp Minh có địa hình đa dạng, đồi gò xen lẫn suối khe và những vùng đất bãi ven sông phù sa màu mỡ, làm nên những cánh đồng, ruộng rộc phù hợp với canh tác lúa nước và trồng cây rau màu. Nơi đây vốn cũng là địa bàn cư trú lâu đời của người Việt cổ với những dấu tích văn hóa và khảo cổ học được phát hiện có niên đại cách ngày nay trên 2.000 năm, trong đó có thạp đồng Hợp Minh, được tìm thấy năm 1995 trên đỉnh gò Cấm, nặng 13,5kg với những hoa văn tinh xảo và độc đáo bậc nhất Việt Nam.

Cùng với những di vật được phát hiện mang thông điệp lịch sử quý giá về cuộc sống của cư dân nông nghiệp hàng ngàn năm trước và di tích lịch sử văn hóa tâm linh đền Bà Áo Trắng bên bờ Ngòi Lao - nơi hợp lưu với sông Hồng, ở Hợp Minh hiện còn lưu giữ được một chiếc giếng cổ mang dấu ấn đặc trưng của làng quê thuần nông vùng đất bãi ven sông.

Tại thôn Hai (nay là tổ dân phố số 2) bên trái quốc lộ 32, nơi có cánh đồng Rộc Giếng mỗi năm hai vụ chiêm mùa, bời bời lúa tốt bởi phù sa bồi tụ từ dòng Ngòi Lâu, vẫn còn đó một chiếc giếng cổ. Cụ Hà Thị Tự, năm nay đã gần trăm tuổi, cho biết: "Giếng này vốn tên gọi là giếng làng Lũ Điền, có từ lâu lắm rồi. Khi còn nhỏ, bà đã  thấy nó rồi. Giếng nước quanh năm trong mát, chả khi nào cạn. Dân trong làng thường ra đây tắm và lấy nước về dùng".

Không giống như giếng làng ở các vùng quê khác thường có hình tròn, hình lục lăng hay hình bán nguyệt, giếng làng Lũ Điền trên đất Hợp Minh lại có hình vuông. Mỗi cạnh của thành giếng rộng chừng 1,6m, xây bằng gạch nung. Giếng sâu khoảng 3m, nước trong vắt tận đáy. Điều đặc biệt, phần đáy của giếng được ghép bằng những thân gỗ nhội, đẽo vuông. Trải qua hàng trăm năm, thành đáy giếng chưa một lần sạt lở, những thân gỗ nhội vẫn nguyên vẹn độ bền chắc của loài cây bản địa, vốn sẵn có từ thuở lũng gò nơi đây còn ngút ngàn cây cối.

Người dân trong làng còn cho biết, trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), giếng cổ Lũ Điền chính là nơi du kích địa phương thường dừng chân nghỉ ngơi và uống nước sau những đêm hoạt động bí mật nắm bắt tình hình của địch ở đồn Cao bên thị xã Yên Bái và phối hợp đưa đón cán bộ cách mạng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, trước khi về địa bàn tập kết chính tại khu vực đền Bà Áo Trắng phía ngoài bờ sông Hồng. Giếng làng Lũ Điền cũng là nguồn nước chính được dùng trong các dịp tế lễ tại đình làng xưa trong những dịp hội làng. Rất tiếc là mái đình xưa giờ chỉ còn trong ký ức người dân Lũ Điền!

Giếng vuông làng Lũ Điền là hình ảnh thân thương gắn bó với bao thế hệ người dân nơi dòng Ngòi Lâu nhập vào sông "mẹ", sau mỗi mùa nước lớn phù sa, lại dâng cho ruộng đồng phì nhiêu màu mỡ. Những vụ lúa thơm, trên cánh đồng Rộc Giếng và những mùa tôm sông, "cá dúi" Ngòi Lâu đã nuôi lớn tuổi thơ nơi đất quê hồn hậu.

Những buổi chiều mơn man gió sông Hồng, công việc đồng áng cũng vừa xong, bên bờ giếng lại râm ran tiếng cười, tiếng nói hòa cùng tiếng gầu tre múc nước, làm nên cái âm thanh thân thuộc của làng quê. Thanh niên, đàn ông thì kín nước, thỏa thuê dội ào ào từ đầu tới chân. Phụ nữ trong làng í ới gọi nhau, mỗi người vài ống bương lớn, múc đầy nước gánh về để nấu cơm và tắm gội. Còn đám trẻ con thì cứ như bầy "tiên đồng" hồn nhiên tắm táp, vui đùa tới tận lúc đom đóm lên đèn mới chịu ra về. Những đêm trăng thanh gió mát, giếng làng cũng là nơi hò hẹn của trai gái tới tuổi "cập kê".

Cũng vì sự độc đáo của giếng vuông và sự gắn bó thân thương trong tâm thức của người dân nơi đây và được sự nhất trí của chính quyền địa phương, tháng tư năm 2014, giếng làng Lũ Điền chính thức được phục chế, tôn tạo bằng tiền đóng góp của nhân dân và một số tổ chức, cá nhân yêu mến mảnh đất này, với số tiền hơn 34 triệu đồng.

Giờ đây, có dịp đến với vùng quê ven sông Hồng này, mời bạn ghé thăm giếng vuông làng Lũ Điền, để cảm nhận làn nước thiên nhiên trong mát chưa bao giờ vơi cạn và chiều sâu tâm thức văn hóa của một làng quê Việt.

Thanh Tửu

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục