Bảo tàng Yên Bái:

Tham gia phối hợp trưng bày chuyên đề "Văn hóa Đông Sơn - 90 năm phát hiện và nghiên cứu"

  • Cập nhật: Thứ năm, 20/11/2014 | 8:33:54 AM

YBĐT - Nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn ( 1924-2014), Bảo tàng Yên Bái phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề "Văn hóa Đông Sơn" tại Hà Nội, do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì, nhằm giới thiệu tới công chúng những di vật đặc sắc của nền văn hóa này, cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong sưu tập.

Văn hóa Đông Sơn (khoảng từ thế kỷ 7 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 - 2 sau Công nguyên) là một nền văn hóa khảo cổ học thời đại Kim khí ở Việt Nam, được các nhà khảo cổ học đặt tên dựa vào sự phát hiện ngẫu nhiên một nhóm đồ đồng vào năm 1924 tại làng Đông Sơn ở ven sông Mã, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa, bắc Trung bộ Việt Nam. Thuật ngữ "Văn hóa Đông Sơn" ra đời năm 1934, theo đề nghị của học giả người Áo R. Heine Geldern.

Di vật của văn hóa Đông Sơn hết sức phong phú, đa dạng và độc đáo, mang tính thẩm mỹ cao, được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đồng, sắt, gốm, đá, thủy tinh, gỗ… song nổi trội hơn cả là bộ sưu tập hiện vật đồng thau. Tỷ lệ đồ đồng trong văn hóa Đông Sơn chiếm tới gần 90% trong tổng số hiện vật các chất liệu.

Số lượng hiện vật đồng được tìm thấy cũng đã lên tới hàng vạn tiêu bản, thuộc nhiều loại hình sử dụng khác nhau, đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu sản xuất, đời sống của cư dân Đông Sơn. Đồ dùng sinh hoạt có thạp, thố, bình, lọ, âu, ấm, muôi, thìa, bát, đĩa, đèn thắp sáng… Công cụ làm nông nghiệp có các loại rìu để chặt cây khai hoang, các loại lưỡi cày, cuốc, xẻng, mai, thuổng để làm đất và liềm, nhíp để gặt hái. Công cụ đúc đồng có các loại khuôn đúc, nồi nấu đồng và những quả cân dùng để cân đong nguyên liệu.

Đối với nghề mộc thì có các loại đục vũm, đục bẹt với nhiều kiểu dáng dài, ngắn, thon, bè thích hợp với từng kỹ thuật đục chạm khác nhau. Khảo cổ học cũng đã chứng minh nghề dệt vải khá phát triển khi tìm thấy dấu tích vải và dọi xe chỉ. Bộ sưu tập vũ khí đồng Đông Sơn có đầy đủ các loại vũ khí tấn công, phòng ngự như giáo, dao găm, rìu chiến, lao, mũi tên, lẫy nỏ, tấm che ngực... Các loại khác như nhạc khí, vật dụng nghi lễ, đồ trang sức, tượng tròn… không những nhiều về số lượng mà còn đa dạng về loại hình, kiểu dáng, hình thức thể hiện. 

Di vật điển hình, tiêu biểu nhất của Văn hóa Đông Sơn là trống đồng Đông Sơn, còn gọi là trống loại I Heger. Trống đồng Đông Sơn có hình dáng cân đối và hoa văn trang trí vô cùng hoàn hảo, tinh mỹ. Thông qua hoa văn trang trí trên trống đồng, chúng ta thấy lại được toàn cảnh đời sống sinh hoạt, lao động, chiến đấu cũng như thế giới tự nhiên thời Đông Sơn. Cho tới nay, hàng trăm chiếc trống đồng Đông Sơn đã được tìm thấy trong phạm vi phân bố của văn hóa Đông Sơn.

Đồng thời, một số trống đồng Đông Sơn điển hình cũng được tìm thấy ở nhiều nơi khác thuộc Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Nhưng những chiếc trống đẹp nhất, tinh xảo nhất thuộc nhóm A như Ngọc Lũ, Hoàng  Hạ, Sông Đà, Cổ Loa chỉ mới phát hiện được ở Việt Nam. Trống đồng Đông Sơn với những nét đặc sắc nói trên, là một sản phẩm lao động, một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho trình độ trí tuệ, tài năng sáng tạo tuyệt vời của cư dân Đông Sơn, là biểu hiện rõ nét, tập trung của văn minh Việt cổ.

Nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn ( 1924-2014), Bảo tàng Yên Bái phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề "Văn hóa Đông Sơn" tại Hà Nội, do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ trì, nhằm giới thiệu tới công chúng những di vật đặc sắc của nền văn hóa này, cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ẩn chứa trong sưu tập.

Bảo tàng Yên Bái được phép của lãnh đạo tỉnh, cơ quan chủ quản, đã lựa chọn 27 hiện vật văn hóa Đông Sơn đặc sắc nhất vừa để thuê chuyên gia bảo quản kỹ thuật cao vừa để phục vụ trưng bày trong dịp này, gồm nhiều loại hình như thạp, giáo, rìu, tượng đồng… Đặc biệt là chiếc thạp đồng Hợp Minh, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tất cả các hiện vật trên đều phát hiện được trên địa bàn Yên Bái. Thông qua đó, khách tham quan trong và ngoài nước sẽ có cơ hội tìm hiểu những nét đặc trưng của văn hóa Đông Sơn ở Yên Bái.

Tham gia trưng bày còn có các bảo tàng địa phương: Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Hưng Yên, Bảo tàng Lào Cai, Bảo tàng Nghệ An và Bảo tàng Thanh Hóa. Trong đó, số hiện vật của Bảo tàng Yên Bái nổi bật đặc sắc hơn cả so với các bảo tàng địa phương khác.Trưng bày mở cửa đón khách tham quan từ ngày 18/11/2014 đến hết tháng 4/2015 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lý Kim Khoa

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục