Sắc xanh chợ phiên Tây Bắc

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/11/2014 | 2:49:24 PM

YBĐT - Chợ phiên là một nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Bước vào không gian chợ phiên, du khách như lạc vào một thế giới đa sắc màu. Bên cạnh sắc màu thổ cẩm sặc sỡ thì sắc xanh tươi của rau là một đặc trưng của những phiên chợ nơi đây.

Hàng rau xanh của đồng bào Mông Tây Bắc.
Hàng rau xanh của đồng bào Mông Tây Bắc.

Chợ phiên trên các vùng đất ở miền Tây Bắc thường họp mỗi tuần một lần, vào sáng thứ 7 hoặc Chủ nhật. Vì thế, đồng bào các dân tộc thiểu số trên núi cao đi chợ như đi hội. Họ gọi nhau xuống chợ để hòa vào niềm vui sau một tuần làm việc vất vả. Tiếng nói cười, cái bắt tay, ánh mắt vui, sự tấp nập là không khí vốn có ở chợ phiên.

Xuống chợ, đồng bào Mông, Dao, Tày… mang theo sản vật do chính bàn tay mình làm ra để bày bán, trong đó, rau xanh luôn là mặt hàng không thể thiếu trong mỗi phiên chợ. Ngay từ sáng sớm, khi sương mù còn đặc quánh bên những vạt rừng thì đồng bào từ trên núi và trong các bản Mông, bản Dao, bản Tày đã tấp nập xuống chợ. Trên lưng người, lưng ngựa là những chiếc gùi, chiếc sọt to đựng toàn rau xanh. Đó là những gùi rau được đồng bào hái trên núi từ chiều hôm trước mang xuống bán.

Rau của đồng bào vùng cao Tây Bắc khá đặc biệt. Đó là giống rau cải được trồng tận trên núi cao. Không giống với cây rau cải thìa, cải canh nhỏ ở miền xuôi, rau cải của người Mông, người Tày xanh non mỡ màng, bẹ lá to, mép lá quăn tít hình mào gà, thân căng nước và thân khá dài. Khi được hỏi, đồng bào chăm sóc rau thế nào mà rau xanh tốt thế, người đi chợ chỉ cười và trả lời chẳng bón phân gio hay thuốc thang gì cả, chỉ nhờ đất tốt nên cải tốt thôi.

Xuống chợ, đồng bào bỏ rau ra khỏi sọt, trải thành từng hàng rau xanh mướt làm mát cả một không gian chợ. Bên cạnh màu sặc sỡ của thổ cẩm, màu vàng của cam sành, màu ngũ sắc của xôi nếp nương thì màu xanh của những hàng rau cải nương làm cho chợ phiên thêm sắc màu tươi mới. Nó mang đến cho chợ phiên một không gian và sắc màu đặc trưng, gợi nên, sức sinh sôi của cuộc sống.

Tiếng chào mời, đổi trao về giá cả rồi động tác trao nhau những bó rau xanh ngắt làm nên âm thanh xao động của chợ phiên. Người đi chợ phiên Tây Bắc dù mua nhiều thịt cá để dành cho một tuần cũng không quên dừng lại bên những dãy rau xanh của người Mông, người Tày để ngắm nghía rồi mua về những bó rau cải nương xanh mướt.

Điều đặc biệt ở những phiên chợ vùng cao Tây Bắc, khi mua rau, khách không còn chọn vì khi hái rau, đồng bào hái rất non, bó rất gọn, đều nhau, không có rau sâu, rau già. Rồi người ta cũng không cần phải trả giá vì người bán không biết nói thách bao giờ. Chỉ có cười cười, nói nói, trầm trồ và tâm tình khi trao nhau những bó rau xanh. Một không khí nơi không gian xanh ấm áp như thế.

Rau xanh chợ phiên Tây Bắc ngoài cải nương còn có nhiều loại khác cũng ngon không kém. Rau thơm tổng hợp được đồng bào gói trong bọc lá dong tỏa hương thơm ngát, những rổ đỗ ván, ngọn su su, ngọn bí xanh tươi hấp dẫn người mua. Rồi độc đáo hơn vào những ngày mùa hạ, những gói rêu đá xanh thẫm được đồng bào vùng cao vớt dưới những con suối chảy quanh những bản làng, những bó rau lá đắng được hái trên núi cao được bày bán xen lẫn những hàng rau cải nương.

Sắc xanh chợ phiên vùng Tây Bắc bốn mùa đã mang đến cho những bản, những làng bao món ẩm thực thơm ngon, hấp dẫn. Từ chợ phiên, rau xanh được mang về bản để chế biến thành những món ăn chỉ có ở nơi đây. Đó là món cải xào thịt lợn sấy trên gác bếp, món dưa cải vàng xuộm, món rêu đá lam bếp than hồng, canh lá đắng mang đến vị ngọt nơi đầu lưỡi. Mùa nào thức ấy, màu xanh chợ phiên đã mang đến niềm vui, sự ấm cúng và những nét văn hóa trong mỗi bản, mỗi nhà.

Lên Tây Bắc dù là đầu năm trong tấm thảm hoa mận, hoa đào đua nhau khoe sắc, dù là giữa năm trong cái nắng chiều chênh chếch xuyên qua những đỉnh núi cao vời vợi hay cuối năm sương mù đặc quyện cỏ cây, giăng mắc trên những lối đi, vào lúc nào, du khách cũng như bị lạc vào một không gian tràn đầy sức sống của những phiên chợ nơi đây.

Nguyễn Thế Lượng (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ)

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục