Gốc đa "di sản” làng tôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/12/2014 | 9:18:06 AM

YBĐT - Không giống với những gốc đa của các làng quê khác, thường có nhiều rễ um tùm, cây đa Chấn Thịnh quê tôi dáng vóc hệt như chàng Thạch Sanh nhân từ và vạm vỡ...

Dưới gốc đa làng. (Ảnh minh họa)
Dưới gốc đa làng. (Ảnh minh họa)

Cây đa, bến nước, sân đình vốn là những hình ảnh rất đỗi thân thương với mỗi làng quê Việt. Đình xưa là chốn thiêng liêng, dành riêng cho các cụ ông lo liệu đại sự việc làng. Sân đình là nơi xuân thu nhị kỳ, người dân trong làng tưng bừng mở hội. Bến nước con đò -  ấy là chốn tình duyên cho đôi lứa hẹn hò, nên duyên kết tóc. Còn gốc đa làng là nơi tất cả mọi người dân quê gặp gỡ hàn huyên, bên ấm chè xanh râm ran chuyện ruộng đồng, chuyện chợ phiên bán mua đắt rẻ. Bao vui buồn chốn thôn hương, gốc đa làng từng chứng kiến.

Là một làng miền núi, không có bến nước sân đình nhưng Chấn Thịnh vùng ngoài Văn Chấn quê tôi cũng bốn mùa xanh mát một  bóng đa cổ thụ. Nhà tôi cách gốc đa chừng ba trăm mét.  Xóm “Gốc đa” đã trở thành tên gọi thân thương về mảnh đất nơi tôi cất tiếng khóc chào đời và trưởng thành không lớn. Từ khi còn là cậu bé, sáng cắp sách đến trường, chiều vắt vẻo lưng trâu, tôi đã thấy bóng đa tỏa mát cả một góc trời.

Không giống với những gốc đa của các làng quê khác, thường có nhiều rễ um tùm, cây đa Chấn Thịnh quê tôi dáng vóc hệt như chàng Thạch Sanh nhân từ và vạm vỡ. Thân cây gồm hai nhánh lớn, cả chục người ôm không xuể, tư thế hiên ngang, vững chãi. Phía trên thân gốc, cao chừng mười lăm mét là những cành mập mạp xòe rộng, khỏe khoắn và uyển chuyển tựa những thân rồng quần tụ.

Người ta bảo: “Đa già, cành sà mặt đất”. Ngay hồi còn nhỏ, khi ngồi trên lưng trâu, tôi đã có thể hái được những trái đa vàng óng từ những cành thấp nhất. Các cụ cao niên trong làng thì nói rằng cây đa này có tới vài trăm tuổi. Bởi khi ở tuổi chúng tôi, các cụ đã thấy nó cao to tựa bây giờ. Cành cao nhất như vươn tới tận trời xanh. “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm..”.

Vậy mà khi trời quang nắng đẹp, khỏe như đám chuồn ngô cũng chỉ bay tới lưng chừng ngọn đa. Lá của loài đa này hình cánh diều, cứng và bóng láng hai mặt. Thuở nhỏ, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi thường nhặt những chiếc lá đa to bằng hai lòng bàn tay đã ngả màu vàng nhạt, theo gió nhẹ buông xuống gốc làm thành những chú trâu mộng chơi trò chọi trâu. Chỉ cần dùng tay tách nhẹ theo đường gân đầu tiên hai bên cuống lá và gập xuống là đã thành hình chiếc đầu cùng cặp sừng vạm vỡ của một chú trâu mộng. Phần thân lá được cuộn lại và dùng cỏ may buộc một vòng làm thành mình trâu tròn căng, lực lưỡng. Chọi trâu lá đa cùng những trò chơi con quay, đánh khăng, ô ăn quan, mèo bắt chuột và kim kỉm kìm kim… dưới bóng cổ thụ đầu làng đã theo suốt tuổi thơ tôi. Quả đa khi xanh thì chát, lúc chín vàng lại ngả sang chua ngọt, không chỉ là món khoái khẩu của trẻ trâu mà cả các chị, các anh thanh niên làng tôi cũng thích. Ở nơi phong quang đầu làng sát tỉnh lộ Yên Bái - Nghĩa Tâm, lại hướng ra cánh đồng đón gió đông nam nên gốc đa cũng là chốn nghỉ chân, hàn huyên của cô, bác trong làng sau những ngày làm đồng, những mùa gặt hái và cả những buổi trưa tan chợ phiên về. Mỗi năm một mùa đa thay búp mới, ngàn vạn chồi xanh màu ngọc bích như đồng loạt bừng sáng cả khoảng trời.

Không giống với những loài cây bản địa khác thường phát lộc vào mùa xuân, cây đa làng tôi lại thay lá và đâm chồi vào cữ cuối xuân, đầu hè. Thu sang, lá đa đương thì mãn diệp, xanh thẫm ken kín các chi cành. Một toà “cổ thụ phùng xuân” uy nghi tráng lệ giữa trời thu. Gió ngân nga khúc thụ cầm xao xuyến, gọi sáo khoang mỏ vàng từng đàn bay về kiếm tìm trái chín, hót vang cả chiều quê. Không chỉ có sáo mà nhiều loài chim khác cũng rủ nhau về làm tổ trong tán đa này. Cả những bầy ong bầu trời cũng về đây, tìm  cành cao nhất trong mùa xây tổ. Tôi đã nhìn thấy có những tổ ong bầu trời to bằng cái thúng nơi những cành đa cao ngất tận trời xanh. Trên những cành hướng về phía đông nam, cứ độ giao tiết xuân hè lại có một vài chùm lan phi điệp tím buông rủ như trang điểm thêm cho vẻ đẹp của cổ thụ đa làng.

Năm tháng trôi đi theo từng mùa đa thay lá. Tôi cũng đã trưởng thành và được đến với nhiều miền quê khác nhau trên đất nước. Từ gốc đa thân thương làng mình - Chấn Thịnh, tôi đã được tận mắt ngắm nhìn cây đa cổ thụ Tân Trào với cảm xúc thiêng liêng về nguồn xưa - cách mạng. Rồi trong những chuyến rong ruổi ngược xuôi nghề báo đã cho tôi cảm nhận thêm chiều sâu văn hóa nơi những gốc đa làng vùng đồng bằng Bắc bộ, mỗi độ xuân về lại dập dìu bao chuyện lứa đôi.

Và cũng mới đây thôi, ở thị xã miền Tây - Nghĩa Lộ, ba cây đa tía hơn ba trăm tuổi vừa được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây đa di sản. Bởi nhóm quần thụ cổ kính này gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh của vùng đất từng ghi dấu những chiến công trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thuở nào. Tuy không phải là chứng tích của một thời đạn lửa bom rơi và cũng chưa được một nhà di sản học nào tham quan, đánh giá  song với vẻ đẹp tự nhiên hiếm thấy và gắn bó thân thương trong tâm thức cộng đồng, gốc đa Chấn Thịnh vẫn là “di sản của làng tôi”, mang trong mình dấu ấn thời gian và cả những vui buồn của người dân quê tôi, bao thế hệ.

Thăm lại quê nhà sau những tháng ngày bộn bề công tác, tôi bỗng thấy lòng mình như trẻ lại - như bóng đa xanh ngắt tự bao giờ, nay vẫn tràn trề xanh ngắt khoảng trời thu. Làng quê xưa cũng đổi thay theo từng mùa đa thay lá. Dường như làng cũng như đa, sau mỗi mùa thay lá, cuộc sống mới lại bừng lên mãnh liệt. Và kỷ niệm tuổi thơ tôi cứ ùa về tươi non như búp lá trên cành! Xanh thắm mùa thu, rộn ràng làng quê mùa gặt hái và ríu ran chim sáo mỏ vàng gọi nhau trong tán lá. Cây đa làng đã trở thành “di sản” của hồn tôi.

 Thanh Tửu 

Các tin khác

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hoá bản địa đã trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa bản địa, Yên Bái không chỉ thu hút du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục