Thông điệp từ bức thư để lại

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/12/2014 | 9:18:26 AM

YBĐT - Mở cuốn kỷ yếu “Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ - 50 năm xây dựng và phát triển”, tôi đọc đi đọc lại bức thư của liệt sĩ Nguyễn Minh Chính - người đã xếp bút nghiên, gửi lại những hoài bão lớn lao của tuổi học trò để cầm súng lên đường đi giải phóng quê hương trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất.

Bức thư viết trước ngày anh hy sinh một tháng. Hơn chục dòng viết vội mà chứa đựng biết bao điều ý nghĩa. Đó là lý tưởng sống của người chiến sĩ, là quyết tâm vượt lên mọi thử thách gian nguy, là tình cảm gia đình, quê hương, làng xóm… “… Con tranh thủ viết thư thăm bố, anh Giao và các em khi chuẩn bị bước vào trận đánh này… con vẫn khỏe, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nhiệm vụ trước mắt nặng nề khó khăn, tư tưởng rất căng thẳng vì nhiệm vụ gặp nhiều trở ngại song thường ra trong khó khăn thì lại tìm ra được nhiều cách xử trí biến nó thành thuận lợi và cũng chưa bao giờ con chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn nào cả cơ mà. Mong bố cứ yên tâm…”.

Thật đáng tự hào, một anh học trò hôm qua còn say mê đèn sách, hôm nay là người lính đã bỗng lớn dậy như chàng trai Phù Đổng mà ở đây, câu nói đầu tiên với người cha nơi quê nhà được thổi bùng lên từ trái tim đầy nhiệt huyết của lớp thanh niên thời đại Hồ Chí Minh “Con vẫn khỏe, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ” và “trong khó khăn lại tìm được nhiều cách xử trí biến nó thành thuận lợi” mặc dù trận đánh sắp tới được xác định là một trận đánh gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Và cũng bởi vì “chưa bao giờ con chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn nào cả cơ mà”.

Với Nguyễn Minh Chính, tôi biết anh vì tôi là bạn thân của em gái anh - Nguyễn Thị Tú Lan. Anh Chính học rất giỏi, ham mê nghiên cứu, tìm tòi những cách học, cách giải bài nhanh nhất và hay nhất. Anh luôn là tấm gương cho các em học tập. Tôi còn nhớ năm tôi và Lan học lớp 2, anh Chính học lớp 6, cả hai anh em đều được tặng Huy hiệu Bác Hồ về thành tích học tập.

Thời ấy, Huy hiệu Bác Hồ là phần thưởng cao quý do Trung ương trao tặng. Bởi thế không thể không tin được lời anh về nhiệt huyết của tuổi trẻ nơi chiến trường ác liệt ấy và quả đúng là chưa bao giờ anh chịu lùi bước trước khó khăn. Đó phải chăng là động lực để anh cũng như bao người chiến sĩ thời ấy đã dám xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc? Hôm nay, đọc lại thư anh, đọc lại một thông điệp anh để lại cho lớp thanh niên hậu thế về lý tưởng độc lập dân tộc, rằng mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy thì ta phải làm gì, làm như thế nào cho xứng là thanh niên thời đại - thấy rõ trách nhiệm của một người trẻ với Tổ quốc. Lớp cha anh đã đánh thắng bao kẻ thù lớn mạnh bắt đầu từ ý chí, từ lòng tự tôn, tự hào dân tộc thì ngày nay lẽ nào chúng ta chịu khuất phục trước những âm mưu bá chủ của bất cứ thế lực thù địch nào? Vâng, thông điệp ấy như đang ngân vang tiếp sức cho thế hệ thanh niên ngày nay trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là lãnh hải Tổ quốc.

Dẫu chưa cầm súng ra nơi đầu sóng ngọn gió nhưng ở hậu phương, tuổi trẻ đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần cùng các chiến sĩ nơi đảo xa bám trụ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước và sẽ như lời anh “trong khó khăn lại tìm ra nhiều cách xử trí…”, đó là những cách xử trí khôn ngoan nhất, ít tổn thất nhất, hiệu quả nhất và tuổi trẻ sẽ không bao giờ chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn nào cả.

Đọc lại thư anh, ta không chỉ thấy thông điệp về lý tưởng sống, chiến đấu mà còn thấy ở đó bài học về trách nhiệm và tình yêu thương. Trước hết là trách nhiệm với gia đình. Giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc nhưng anh vẫn hỏi thăm tận tình đến người anh và các em, việc học hành thế nào và sốt ruột muốn biết ngay tình hình gia đình, dẫu biết chiến tranh là mất mát nhưng vẫn hỏi “… máy bay đánh phá Nghĩa Lộ nhà ta có thiệt hại gì không?”.

Tình yêu gia đình ở đây đã gắn chặt với tình yêu quê hương. Anh lo cho gia đình cũng có nghĩa là lo cho quê hương khi máy bay địch đánh phá, bởi ở đó có mái trường anh học, có bạn bè, thầy cô, ở đó có dòng sông con suối, có cánh đồng đang nuôi lớn những cuộc đời và nuôi lớn những ước mơ… Bởi vậy, cuối lá thư viết vội, anh vẫn không quên gửi lời thăm những nhà hàng xóm và những người thân yêu của gia đình: “Bố cho con hỏi thăm tới bác Phấn, bác Phượng và các bác, các cô trong cơ quan”.

Thế đó, sống có trách nhiệm luôn là thông điệp sống cho mọi người và cho riêng lớp trẻ. Ngày nay, trước những bon chen, cám dỗ, trước mọi sự tính toán thiệt hơn do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, liệu mỗi chúng ta có suy nghĩ gì, có hành động như thế nào để gìn giữ và nuôi dưỡng tâm hồn trong mối quan hệ xã hội và gia đình? Bởi đâu đó ta vẫn nghe được những chuyện đau lòng về tình mẫu tử, về sự thoái thác trách nhiệm đối với gia đình, với bạn bè, anh em, thậm chí thoái thác cả trách nhiệm đối với xã hội, với quê hương… Nhưng không đâu, đó chỉ là số ít, chỉ là vài giọt nước đục trong biển cả xanh trong rộng lớn.

Tôi vẫn tin vào những gì tốt đẹp đang có, đang nảy nở thêm ra và cả đang hồi sinh vì một cuộc sống mới mỗi ngày một tươi sáng hơn, vì một xã hội công bằng hơn trong một đất nước phồn vinh hơn. Bởi lớp cha trước, lớp con sau, chúng ta vẫn mang trong mình dòng máu lạc hồng và hơn bao giờ hết, như lời gửi lại của liệt sĩ Nguyễn Minh Chính, khi bước vào trận đánh mới dù nhiệm vụ nặng nề khó khăn nhưng sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, phải biến khó khăn thành thuận lợi và không bao giờ chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn nào cả!

Nguyễn Thị Thanh (SN 293, tổ 10, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ)

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục