Rực lửa đêm xòe

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/2/2015 | 8:42:37 AM

YBĐT - "Lên Tây Bắc là phải xòe đấy nhé!"- câu nói với theo của cậu bạn khi tôi bắt đầu cuộc hành trình lên với Mường Lò, Nghĩa Lộ nổi tiếng.

(Ảnh: Hoàng Đô)
(Ảnh: Hoàng Đô)

Vừa mới xuất phát mà trong tôi cứ vang đâu đó xa xa câu hát: "Bao giờ anh vào Nghĩa Lộ với em/Thị xã miền Tây vẫn chờ anh đến/"Xống chụ xôn xao" thêm vần thêm điệu/Đêm xòe Thanh Lương xao xuyến hội mùa/Hãy vào Nghĩa Lộ với em...". Tôi lỡ hẹn đã bao lần với câu hát gọi mời tha thiết đó của một người con gái từ cái thuở sinh viên mơ mộng. Cuộc sống hiện đại cứ cuốn ta đi khiến nhiều lúc mệt mỏi, nghĩ tới cuộc hẹn đã lỡ mà tiếc nuối. Và đi lên Tây Bắc chuyến này không phải vì cuộc hẹn xưa mà cũng là vì công việc. Dù vậy, tôi cũng rất mong chờ như cái thuở đôi mươi hò hẹn năm nào.

Đón chúng tôi là một Mường Lò xanh non, mơn mởn thuở xuân thì người con gái. Nắng nhẹ xuyên qua những bông ban tươi thắm phả xuống nét trăng tròn của người con gái Thái. Khoảnh khắc ấy khiến tôi xốn xang. Sau một ngày khám phá Mường Lò, chúng tôi được thưởng thức những món ăn dân tộc trên ngôi nhà sàn lớn.

Trong lâng lâng hương rượu nếp mới, một giọng nói trong trẻo, một bàn tay ấm áp từ đâu đó bỗng kéo tôi đi: "Vào Nghĩa Lộ là phải xòe anh nhé!". Ở thành phố, khi đã ngà ngà hơi men, chúng tôi vào quán karaoke để "xả" bớt hơi rượu trong người, rồi ai về nhà nấy và ngày mai tiếp tục vào công việc. Còn ở đây lại khác... Theo em gái Thái Mường Lò xuống dưới sân nhà sàn, một ngọn lửa bập bùng đã nhen lên tự lúc nào. Đêm nay, trời Mường Lò không trăng sao nhưng ngọn lửa xòe đủ để mỗi người nhìn thấy mình trong đáy mắt nhau giữa không gian huyền ảo tỏ mờ.

Tôi xua tay nói với người em gái rằng mình không biết múa xòe thì em bảo: "Mùa xuân, khách đến chơi nhà không xòe thì mùa màng không tươi tốt, không xòe cây lúa không trổ bông đâu". Tiếng trống giục giã, tiếng chiêng nổi lên, tiếng khèn, tiếng đàn ngân rung khiến tôi bất giác dậm chân nhún nhẩy như một lẽ tự nhiên vậy. Cô gái cười giòn tan. Rồi các bà, các chị những nhà xung quanh nghe tiếng nhạc đã sẵn sàng xiêm y. Những người phụ nữ Thái dù già hay trẻ, dù đã có chồng hay chưa đều thật duyên dáng, thắt đáy lưng ong, khăn piêu bồng bềnh, dáng người thon thả trong tấm áo lung linh đôi hàng cúc bạc và chiếc váy nhung đen huyền uyển chuyển theo điệu múa. Cái dáng rắn rỏi của những người đàn ông dìu tấm lưng thon mềm mại của người phụ nữ Thái như muốn say bất tận cùng trời đất.

Tôi cứ ngỡ như mình đang lạc trong một giấc mơ tuyệt đẹp ở một vùng đất xa xôi ngoài thế giới mình đã quen thuộc. Mà đúng vậy, thế giới của tôi cũng như nhiều người ở thành phố như tôi là vòng xoáy công việc và tiền bạc, là những lo toan cho riêng cuộc sống của mình và làm gì có chuyện hai người xa lạ lại tay nắm tay dịu dàng, thân ái.

Xinh tươi em gái Thái Mương Lò. (Ảnh: Hùng Cường)

Nhìn bên tay phải là em gái Thái duyên dáng, nhìn sang bên tay trái là một chàng trai chất phác người bản địa. Họ cuốn tôi theo nhịp trống, nhịp chiêng, họ cười thân thiện khi tôi nhìn họ, chẳng may tuột tay thì họ vội vàng nắm lại. Tôi ngỡ như mình say hương rượu nếp Mường Lò, nhưng không phải, tôi đang say bởi tình người nơi đây, bởi sự quyến rũ khó lường của điệu xòe tay cầm tay quyện tròn quanh đống lửa hồng cứ bập bùng, bập bùng. Má hồng bên ngọn lửa, má hồng bên chén rượu nồng, tay trong tay, ánh nhìn lại gặp ánh nhìn. Đắm đuối, bất tận. Phải chăng đấy là lúc trái tim chạm được đến trái tim? Chúng tôi nô đùa với ngọn lửa hồng rực rỡ mà không ra khỏi vòng xòe.

Tôi dám chắc rằng trời đêm Mường Lò lúc này không thể quá 20oC và sương đêm đâu đó đã chùng chình tầng không mà giọt mồ hôi bất giác chảy dài trên má, trên trán. Cả nhiều người cũng thế. Vì ngọn lửa hồng kia, hay vì hơi ấm của những trái tim đã chạm được tới nhau? Thực không rõ vì điều gì, chỉ biết rằng tâm hồn tôi như tan chảy trong nhịp xòe nồng say.

"Tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã đêm xòe" và vòng xòe cứ thế bất tận. Và lúc này, cái nắm tay của tôi với những người bạn mới chặt hơn, như không muốn rời. Rồi tôi ước giá như những con người đáng yêu này là những người hàng xóm của tôi thì thật thoải mái và vui vẻ biết bao. Bất giác tôi siết chặt tay hai người bạn, cả hai cùng quay nhìn tôi cười thân thiện. Tôi nhớ lại hình như mình chưa bao giờ mỉm cười với cái tay hàng xóm khó tính hàng ngày ở nhà hay nhắc mình đổ rác, chưa bao giờ ôm bà cụ hay nhắc mình đỗ xe...

Tôi chợt hiểu trong mỗi người đều có phần thân thiện, thương yêu con người, chỉ có điều ở nơi thành phố ngoài kia, cuộc sống hiện đại khiến mỗi người khó tự mở lòng với những người xung quanh. Còn ở nơi đây, họ có những điệu xòe từ bao đời nay để tay nắm chặt tay trong những vòng xòe, để trái tim gần với trái tim và để mở lòng với nhau sau mỗi đêm rượu nồng môi ấm. Và tôi đã hiểu câu: "Không xòe mùa màng không tươi tốt, không xòe cây lúa không trổ bông" của em gái Thái. Bởi vòng xòe kì diệu thắt chặt đoàn kết tình làng nghĩa xóm, để họ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Tôi thầm cảm ơn những con người ở mảnh đất "gạo trắng nước trong" này đã cho tôi nhận diện được sự đoàn kết một cách sâu sắc và thiết thực như vậy. Sẽ không phải là "sách vở" đâu khi trong không gian này, trong tình người này, tôi nghe rõ tình yêu quê hương, đất nước đang trào dâng trong  huyết quản mỗi con người. Và tôi hiểu mỗi vùng đất đều có những nét văn hoá truyền thống đẹp đẽ, phía sau những điệu xoè, điệu múa hay một tập tục nào đó là cả những điều thật ý nghĩa lớn lao...

Thanh Vy

Các tin khác
Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hoá bản địa đã trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa bản địa, Yên Bái không chỉ thu hút du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương.

Độc giả nhỏ tuổi lựa chọn các ấn phẩm tại Phố sách Hà Nội.

Hôm nay (21-4), đánh dấu 10 năm nước ta tổ chức Ngày Sách Việt Nam (2014-2024) và sau này được nâng tầm lên là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (từ năm 2022).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục