“Giai điệu tự hào” vẫn có tên trong đề cử giải Cống hiến dù đã xin rút

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/4/2015 | 8:17:39 AM

Dù “Giai điệu tự hào” đã có công văn xin rút lui nhưng Ban tổ chức (BTC) giải Cống hiến và các phóng viên vẫn quyết định bình chọn cho chương trình.

Quang cảnh lễ bầu chọn tại Hà Nội
Quang cảnh lễ bầu chọn tại Hà Nội

Sáng 31/3, hàng trăm phóng viên của 2 miền Nam, Bắc đã tham gia bầu chọn giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần 10 – 2015. Đáng chú ý, ngay trước khi chính thức bình chọn, đại diện BTC chương trình “Giai điệu tự hào” đã gửi công văn tới báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) với nội dung xin rút lui khỏi giải Cống hiến.

Theo đó, Công văn viết: “Việc được bình chọn là một trong năm đề cử tại Hạng mục Chuỗi chương trình của Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 10-2015 là một niềm vui của những người làm chương trình và đơn vị tổ chức thực hiện bởi Giải thưởng Cống hiến là một trong những giải thưởng âm nhạc uy tín hiện nay, có tầm ảnh hưởng và định hướng thẩm mĩ lớn tới khán, thính giả cả nước. Tuy vậy, ghi nhận ý kiến từ các cố vấn và đông đảo khán giả yêu mến chương trình, chúng tôi nhận thấy những tiêu chí chưa phù hợp của chương trình và giải thưởng. Vì vậy, Chương trình Giai điệu tự hào đề nghị được rút tên ra khỏi Bảng đề cử Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2015”.

Tại buổi bình chọn, các phóng viên đại diện các đơn vị truyền thông trong nước và BTC giải Cống hiến đã thảo luận về vấn đề này và cho rằng: nhà báo có quyền ghi nhận những nghệ sĩ, nhân vật, chương trình, chuỗi chương trình xứng đáng, có cống hiến với đời sống âm nhạc nước nhà trong năm. Do đó, đại đa số phóng viên đồng ý giữ “Giai điệu tự hào” trong danh sách đề cử giải thưởng và vẫn được bỏ phiếu bình chọn như thường.

Ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng BTC giải Âm nhạc Cống hiến cho biết: “Việc xin rút lui của Giai điệu tự hào ngay sát giờ bình chọn đã gây nhiều khó khăn cho BTC. Giải Cống hiến không phải là một cuộc thi và phóng viên vẫn có quyền được đánh giá tác động xã hội của các chương trình âm nhạc diễn ra trong năm. Theo ý kiến của đại đa số phóng viên, chúng tôi quyết định giữ nguyên đề cử đối với Giai điệu tự hào. Dù sau này, BTC chương trình có đến nhận giải hay không thì chúng tôi vẫn rất tôn trọng”.

Năm nay, các phóng viên bỏ phiếu bầu chọn đề cử giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2015 dựa trên danh sách của 7 hạng mục gồm: Bài hát của năm, Nghệ sĩ mới của năm, Album của năm, Chuỗi chương trình của năm, Chương trình của năm, Nhạc sĩ mới của năm và Ca sĩ của năm. Hàng trăm phóng viên đã tiến hành bỏ phiếu kín ngay trong sáng 31/3. Kết quả sẽ được giữ bí mật đến giờ trao giải.

Như thông lệ các năm trước, BTC sẽ tổ chức kiểm phiếu công khai 50% số phiếu trước sự chứng kiến của đại diện các phóng viên. 50% còn lại, BTC sẽ kiểm bí mật. Ngay sau Lễ trao giải, BTC sẽ gửi phiếu bầu và kết quả kiểm phiếu tới tất cả các nhà báo tham gia bầu chọn.

Về chương trình biểu diễn trong lễ trao giải, nhạc sĩ Đức Trí, giám đốc âm nhạc chương trình chia sẻ: “Do điều kiện không cho phép nên số lượng nhạc công biểu diễn sẽ giảm đi, tuy nhiên, không vì thế mà chương trình mất đi sự hoành tráng. Nó vẫn là bữa tiệc âm nhạc, phản ánh đời sống âm nhạc trong năm qua. Điểm nhấn của chương trình là những ca khúc về quê hương đất nước, cũng như dấu ấn của các nghệ sĩ trẻ như Vũ Cát Tường, Nguyễn Trần Trung Quân, Tạ Quang Thắng…”.

MC của Lễ trao giải Cống hiến lần thứ 10 - 2015 năm nay có thể là một bất ngờ cho giải Âm nhạc Cống hiến, lần đầu tiên MC kỳ cựu Diễm Quỳnh sẽ dẫn chương trình cho đêm trao giải cùng với MC bí mật khác.

Trước lễ trao giải là sự kiện thảm đỏ với sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng. Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 10 – 2015 sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 6/4 tại Nhà hát TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6 (Đài THVN).

(Theo VOV)

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục