Sắp ra mắt phim tài liệu dài hai tập "30/4 - Ngày thống nhất"

  • Cập nhật: Thứ bảy, 11/4/2015 | 6:53:26 AM

"30/4 - "Ngày thống nhất" là bộ phim tài liệu nhựa màu dài 2 tập của Điện ảnh Quân đội sản xuất.

Đây là một trong những dự án lớn của Điện ảnh Quân đội nhân dân chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

Tập 1 của phim có nhan đề "Dân tộc Việt Nam vượt qua gian khó" và tập 2 có tên gọi "Đất nước thống nhất".

Phim tài liệu “30/4 - Ngày thống nhất” do Nghệ sỹ ưu tú, Đại tá Phạm Minh Lợi viết kịch bản và Nghệ sỹ nhân dân, Đại tá Lê Thi làm đạo diễn.

Phim góp phần phân tích rõ tình hình quốc tế, bài học chỉ đạo trong chiến tranh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới cái nhìn đa chiều của cả phía ta, phía đối phương và những người Việt Nam từng đứng bên kia chiến tuyến, cũng như ý kiến của các chính khách, nhà nghiên cứu lịch sử, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Qua bộ phim, hồi ức của các vị tướng lĩnh cầm quân cũng sẽ góp phần làm sáng tỏ những sự kiện chiến trường dưới sự chỉ đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã sáng tạo, quyết đoán, độc lập, tự chủ, sử dụng tổng hợp sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao, sức mạnh 3 thứ quân, 3 vùng chiến lược, 3 mũi giáp công; kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với tinh thần ấy, toàn dân tộc Việt Nam đồng lòng hướng về mục tiêu lớn nhất: giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Đề tài về chiến thắng 30/4 không mới, đã có ít nhất 3 bộ phim tài liệu cùng về đề tài này nhưng ở "30/4 - Ngày thống nhất" đã tìm ra cách mới để nói về một sự kiện lịch sử quen thuộc. Những vấn đề của lịch sử được nhìn nhận đa chiều, khách quan và thuyết phục, thể hiện được tinh thần hòa hợp dân tộc.

Phim ca ngợi chiến thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng của toàn dân tộc Việt Nam, đất nước đã thống nhất, non sông thu về một mối sau nhiều năm dài bị chia cắt. Phim khai thác và sử dụng tư liệu tương đối công phu và thành công.

Nghệ sỹ nhân dân, Đại tá Lê Thi cũng cho biết: Bộ phim là cái nhìn khách quan về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc sau 40 năm. Phim phản ánh sự đổi mới của đất nước, về số phận những con người ở cả hai chiến tuyến đã có mặt trong ngày lịch sử trọng đại ấy.

Hơn 40 năm trong quân đội, cũng từng ấy năm gắn bó với máy quay, có mặt ở những chiến dịch quan trọng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nghệ sỹ nhân dân Lê Thi đã cùng các đồng nghiệp ghi lại những thời khắc gian khổ, hào hùng, trọng đại của dân tộc bằng những thước phim tư liệu.

Đây là kho tàng phim tư liệu quý giá không chỉ với riêng điện ảnh quân đội nhân dân mà còn cho lĩnh vực phim tài liệu Việt Nam. Nghệ sỹ Nhân dân, Đại tá Lê Thi tên đầy đủ là Lê Văn Thi, ông được biết đến qua nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng như “Hà Nội-Bản hùng ca,” “Đường Trường Sơn,” “Đường mòn trên biển Đông”…

Nổi bật là bộ phim “Hà Nội-Bản hùng ca”, phản ánh cuộc chiến đấu 12 ngày đêm năm 1972 của bộ đội và nhân dân Thủ đô. Phim đã giành giải Nhất tại Liên hoan phim quân đội các nước xã hội chủ nghĩa năm 1975 tại Vetprem ở Hungary; Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1975.

Phim "Đường mòn trên biển Đông" (sản xuất năm 1995), chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc, Nghệ sỹ nhân dân Lê Thi và Nghệ sỹ ưu tú Phạm Nguyên cùng làm đạo diễn.

Đây là bộ phim đầu tiên về con đường Hồ Chí Minh trên biển, khắc họa đậm nét hình ảnh các chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam, các chiến sỹ đoàn tàu không số đã tạo nên một huyền thoại về con đường vận chuyển trên biển, đóng góp không nhỏ vào thành công của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc....

Nghệ sỹ nhân dân Lê Thi cũng đã hợp tác cùng Hãng phim Hội Nhà văn, làm đạo diễn bộ phim tài liệu 3 tập về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi: "Đền thờ Bác Hồ" (kịch bản: Nguyễn Xuân Hưng).

Ông cũng thường xuyên cộng tác với Điện ảnh Công an nhân dân, các hãng phim ở các dự án phim về nhân vật lịch sử, chiến tranh…

Không chỉ là tác giả của những bộ phim tư liệu quý giá, Nghệ sỹ nhân dân, Đại tá Lê Thi còn tham gia đạo diễn về chiến tranh trong một số bộ phim truyện như "Hà Nội 12 ngày đêm" của đạo diễn Bùi Đình Hạc, "Tiếng cồng định mệnh" của đạo diễn Khắc Lợi...

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục