Tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/4/2015 | 2:53:41 PM

Sáng 28/4 (tức 10/3 Âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên đã có công dựng nước, lập nên Nhà nước Văn Lang-quốc gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Dự lễ dâng hương có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố; Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ, cùng đông đảo kiều bào, bà con nhân dân các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.
Đúng 7 giờ, đoàn hành lễ đã tập trung đông đủ tại sân trung tâm lễ hội để lên đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Đi đầu đoàn hành lễ là các chiến sĩ QĐND Việt Nam rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước".

Theo sau là các thiếu nữ và 100 con Lạc, cháu Hồng cầm cờ hội, cùng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh dày gắn liền với những truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta.

Đến 7h30 giờ, đoàn hành lễ đã tề tựu trang nghiêm trước Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh.

Thay mặt Ban Tổ chức, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh đã đọc Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ca ngợi công lao của các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân đã đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước và tinh thần anh dũng của toàn quân, toàn dân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bài Chúc văn cũng thể hiện tâm tư, tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc, khích lệ tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, đoàn kết quốc tế; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết gắn bó của cả dân tộc trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn; thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn bền chặt giữa các dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam.

Với tấm lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu đã vào thượng cung thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tri ân, tưởng niệm các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, mở cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông để con cháu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh như ngày nay; cầu mong cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước và các đại biểu đã đặt vòng hoa, thắp hương tại Lăng Hùng Vương, thành kính tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc bên bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đoàn quân Tiên phong tại ngã năm Đền Giếng.

Cùng ngày, tất cả các địa phương có đền thờ Hùng Vương trên cả nước cũng đã đồng loạt tổ chức dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng cùng thời gian tỉnh Phú Thọ dâng hương tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ở Đền Hùng.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội tỉnh Phú Thọ tổ chức các lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Ngoài ra, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng được tổ chức sôi động tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và tại thành phố Việt Trì.

Lễ hội năm nay do UBND Phú Thọ tổ chức và có sự tham gia góp giỗ của 5 tỉnh gồm Sơn La, Phú Yên, Đắc Nông, Tiền Giang, Bạc Liêu.

Ban Tổ chức lễ hội cho biết, từ ngày khai hội tới nay, ước tính có khoảng trên 7-8 triệu lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về dâng hương. Nhờ quyết liệt triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự và xử lý nghiêm vi phạm, phân luồng giao thông nên lễ hội Đền Hùng năm 2015 diễn ra an toàn, tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững.

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục