Buổi sớm ở bản em

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/5/2015 | 9:20:08 AM

YênBái - YBĐT - Chỉ bằng vài chi tiết hình ảnh những nóc nhà gỗ trên lưng núi, mây chiều, mây sớm không đi xa…, thêm tiếng hót của chim Câu Kỷ Giàng, tác giả đã vẽ nên không gian rất đặc trưng của bản Mông.

Những nóc nhà gỗ trên lưng núi
Cho em tên làng
Cho em tên bản
Con chim Câu Kỉ Giàng hót
Mây chiều mây sớm không đi xa.

Buổi sáng
Con gà rừng chưa thức
Ông trăng chưa về đến nhà
Cô gái Mông đã hát
Bài hát bên lửa hồng có nốt nhạc hoa.

Cái lù cở nhỏ cho mẹ
Cái lù cở to cho em
Lên nương
Sợi lanh trong tay thoăn thoắt
Hạt sương rừng
Không  buốt
Thấm vào từng nét hoa văn.
                                    Lý Hoàng Cung

Lời bình:

Mở đầu bài thơ là hình ảnh bản Mông, không gian sinh tồn của cô gái Mông:

Những nóc nhà gỗ trên lưng núi
Cho em tên làng
Cho em tên bản
Con chim Câu Kỉ Giàng hót
Mây chiều mây sớm không đi xa

Chỉ bằng vài chi tiết hình ảnh những nóc nhà gỗ trên lưng núi, mây chiều, mây sớm không đi xa…, thêm tiếng hót của chim Câu Kỷ Giàng, tác giả đã vẽ lên không gian rất đặc trưng của bản Mông. Bản nằm giữa đại ngàn Tây Bắc trùng điệp, nhìn từ xa chỉ thấy thấp thoáng nóc nhà, quanh năm, suốt tháng, ngày đêm mây vờn phủ, quấn quýt… Chỉ có thế thôi nhưng đã thành bản, thành quê, là không gian sinh tồn, môi trường sống cả về vật chất và tinh thần của bao thế hệ người Mông. Nhưng điều đáng quan tâm còn là qua những hình ảnh ấy toát nên sự gắn bó, tình yêu, niềm tự hào của cô gái với không gian sinh tồn, với nguồn cội của mình.

Khổ thơ tiếp tác giả thể hiện thời gian buổi sáng của cô gái Mông:

Con gà rừng chưa thức
Ông trăng chưa về đến nhà
Cô gái Mông đã hát
Bài hát bên lửa hồng có nốt nhạc hoa.

Hai câu thơ đầu diễn tả thời gian còn rất sớm theo cách biểu đạt của người dân tộc nói chung và dân tộc Mông nói riêng: “Gà rừng chưa thức” (gà chưa gáy sáng); “trăng chưa về đến nhà” (chưa lặn). Đây là thời điểm cô gái Mông xuất hiện trong bài thơ. Ta không nhìn rõ mặt cô gái, chỉ thấy bếp lửa hồng bập bùng tỏa ấm và tiếng hát của cô gái đang cất lên trong trẻo, nồng ấm, khỏe khoắn giữa tĩnh mịch đại ngàn như một sự đánh thức núi rừng và vạn vật. Bài hát ấy là bài hát có nốt nhạc hoa - bài dân ca Mông trữ tình nuôi tâm hồn bao thế hệ, góp phần tạo nên tính cách người Mông. Mượn những hình ảnh bếp lửa hồng và tiếng hát nốt nhạc hoa, tác giả đã làm toát lên vẻ đẹp hồn nhiên, dân dã, khỏe khoắn, nồng ấm của cô gái Mông. Một sự diễn tả vừa kiệm lời nhưng lại vừa có sức lan tỏa và ngân vang.

Có lẽ ấn tượng nhất là hình ảnh lên nương của cô gái Mông:

Cái lù cở nhỏ cho mẹ
Cái lù cở to cho em
Lên nương
Sợi lanh trong tay thoăn thoắt
Hạt sương rừng
Không buốt
Thấm vào từng nét hoa văn

Lù cở là một loại gùi được đan bằng tre nứa, một vật dụng thân thuộc, hàng ngày của người Mông, nhất là người phụ nữ Mông. Khi ra khỏi nhà lúc nào đều có cái lù cở đeo trên vai. Còn đôi tay thì: “Sợi lanh trong tay thoăn thoắt”. Người phụ nữ Mông có thói quen lúc đi đường hay ngồi nghỉ luôn tay thêu thùa. Lù cở trên vai và sợi lanh trong tay thoăn thoắt là một hình ảnh rất đặc trưng của người phụ nữ Mông. Với đôi tay thoăn thoắt trên đường đi nương ấy, những sợi lanh vô tri đã được dệt thành những hoa văn trên thổ cẩm. Đó là những hình ảnh cách điệu của của cả một thế giới tự nhiên nhưng lại mang nỗi niềm của con người. Những hoa văn ấy vừa thấm đậm trí tuệ, tình cảm vừa thể hiện sự khéo léo, cần mẫn của cô gái Mông. 

Bài thơ giản dị, nhỏ nhắn, xinh xắn, viết về một buổi sớm ở bản nhưng từ không gian, thời gian ấy, nhân vật trữ tình - cô gái Mông hiện lên với một vẻ đẹp hồn nhiên, chân chất, khỏe khoắn và không kém phần duyên dáng. Điều đáng nói nữa là bài thơ được viết từ một tác giả không chuyên, một người con của dân tộc Mông.

                                                          Hiền Lương (Hội LHVHNT tỉnh)

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục