Văn hóa dân tộc Dao: Cần được gìn giữ và phát huy

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/6/2015 | 9:31:10 AM

YênBái - YBĐT - Di sản văn hóa dân tộc, nét đẹp dân tộc không chỉ là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong các dân tộc anh em sinh sống tại Yên Bái, người Dao chiếm khoảng 9,1% dân số toàn tỉnh. Người Dao sống tập trung ở huyện Văn Yên, sau đó đến các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên. Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Dao có nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời đã và đang rất cần được gìn giữ, lưu truyền.

Không xa để đến thôn Làng Vầu, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên. Nhưng vào thôn lại khó khăn bởi đường xấu và bụi. Suốt quãng đường, vừa đi đồng chí  cán bộn Phòng Văn hóa - Thông tin huyện vừa trò chuyện, giới thiệu khiến tôi quên đi mệt nhọc dưới nắng hè oi ả. Qua chục cây số từ trung tâm huyện chúng tôi đến nhà của nghệ nhân Đặng Nho Vượng, ông là người sưu tầm, truyền dạy những bài dân ca, dân vũ đặc trưng của người Dao đỏ nơi đây.

Đi hát từ khi mới 13 tuổi, suốt hơn 40 năm qua, nghệ nhân Đặng Nho Vượng đã tham gia biểu diễn và dàn dựng hàng trăm tiết mục tại các hội diễn nghệ thuật từ địa phương đến trung ương. Đặc sắc nhất là hát giao duyên, thổi kèn Pí lè, thổi sáo mũi. Ông chia sẻ: “Người Dao ở Yên Bái có vốn thơ ca dân gian rất phong phú, đồng bào có rất nhiều bài hát ca ngợi tình yêu lứa đôi, yêu thiên nhiên, những bài hát gắn với những giáo lý, xã hội, gia đình. Những nét đẹp ấy tôi luôn mong muốn các con, các cháu, các học trò của mình trân trọng, gìn giữ”.

Nói đến các phong tục truyền thống của người Dao không thể không kể đến Lễ cấp sắc. Theo quan niệm, người đàn ông dân tộc Dao được cấp sắc mới được nhận là con cháu của Bàn Vương, được xã hội coi là người trưởng thành, làm ăn mới may mắn, dòng họ mới được phát triển… Ở Đại Sơn, có một nghệ nhân (thầy Cấp sắc) đang lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống ấy là ông Bàn Hữu Đông - Trưởng thôn 2 Làng Vầu, xã Đại Sơn (huyện Văn Yên). Ông cho biết: “Được nối nghiệp ông cha đã nhiều đời nay tôi hiểu rõ hơn ai hết về nét đẹp, sự tinh túy và ý nghĩa to lớn của lễ Cấp sắc đối với người Dao đỏ.Để chuẩn bị cho một lễ Cấp sắc phải chuẩn bị phần lễ trước cả năm trời. Từ việc nuôi lợn, đón thầy, chọn thầy đều được làm cẩn thận, kỹ càng… Tôi cũng đã truyền dạy cho hàng trăm học trò, nhưng trong số đó chỉ khoảng 40% có thể làm được vì làm thầy cấp sắc phải vẽ được cả tranh thờ - đó là việc làm rất khó”.

Lễ Cấp sắc hay những bài dân ca, dân vũ chỉ là một trong những nét đẹp văn hóa nổi bật và đặc trưng nhất của người Dao đỏ ở Văn Yên. Có những nét đẹp đến nay vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, nhưng cũng có những nét đẹp đang dần “biến tướng” và mai một. Ai đã từng được đến, tai nghe, mắt thấy cuộc sống của người dân tộc Dao mới có thể cảm nhận rõ được nét đẹp văn hóa, con người nơi đây, nhận thức đúng được tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn thẳng thắn nhận định: “Với đặc thù địa bàn chủ yếu người Dao sinh sống, chiếm tới 73% dân số xã toàn xã trong khi đó địa bàn rộng, dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo trên 30% nên cuộc sống của người dân tộc Dao vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhận thức được việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người Dao gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống là việc làm thiết thực, cấp bách, chúng tôi đã và đang cố gắng giúp đỡ bà con về cả đời sống vật chất, tinh thần. Bởi có tăng gia sản xuất hiệu quả, ổn định cuộc sống, người dân mới thêm chú trọng gìn giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Nhưng chắc chắn đây không phải là việc làm dễ dàng”.

Không sai khi nói việc lưu giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc người Dao là việc khó. Bởi có một thực tế, tại nhiều nơi đồng bào Dao sinh sống không ít những nét đẹp văn hóa đang dần mai một. Nét đẹp trong trang phục và nhà sàn của người Dao trắng là một ví dụ như thế. Để phân biệt các nhóm người dân tộc Dao, người ta chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong bộ trang phục của phụ nữ. Thế nhưng, giờ phụ nữ Dao không còn mặc trang phục truyền thống hàng ngày, mà thay vào đó là những bộ quần áo hiện đại. Trang phục truyền thống chỉ còn được thấy trong những dịp lễ, tết, cưới hỏi. Hay nhà sàn của người Dao vẫn phổ biến nhưng là cột nhà bằng bê tông, cửa bằng nhôm kính…

Ông Lý Xuân Hiện - thôn Khe Vầu, xã Ngòi A (Văn Yên) cho biết: “Năm 2009 chúng tôi bỏ nhà sàn cũ làm nhà mới. Bây giờ còn mấy ai ở nhà sàn truyền thống đâu, vì nền đất ẩm thấp, mối mọt, chèo chống đủ kiểu mà trời mưa còn không dám ở trong nhà vì sợ sập. Theo đúng kiểu truyền thống thì mẫu bếp phải ở góc trong bên trên sàn, cầu thang phải ở ngoài nhà sàn nhưng bất tiện lắm nên bắt buộc phải thay đổi”. Cũng vì thế, những ngôi nhà sàn truyền thống ở Ngòi A giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Giữ gìn bản sắc văn hóa là một yêu cầu vừa lâu dài vừa cấp thiết và cần phải có kế hoạch, giải pháp đồng bộ. Đây là công việc không phải của một ngành mà phải là của toàn xã hội. Đồng thời, phải có phương châm giáo dục về văn hóa một cách quy củ, hệ thống. Ông Nguyễn Anh Tiến - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Yên khẳng định: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổng hợp lại những văn bản cổ, lên danh sách từng nghệ nhân, từng nét văn hóa họ đang nắm giữ và truyền dạy để rà soát. Đâu là những nét đẹp đặc trưng cần phải bảo tồn, đâu là những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp cần dỡ bỏ. Nghệ nhân gạo cội nay còn ít, lứa trẻ lại không mặn mà với nét văn hóa xưa, trong giai đoạn 2011 - 2015 chúng tôi đã tham mưu với chính quyền cấp huyện đẩy mạnh hoạt động du lịch, trong đó chú trọng nét đẹp văn hóa trong trang phục truyền thống. Đồng thời, tổ chức hội diễn văn nghệ dân tộc để qua đó giáo dục thế hệ trẻ, mở các lớp học truyền dạy đặc biệt là chữ viết”.

Bản sắc văn hóa là thiêng liêng, quý giá, nó tạo nên cái đặc thù của một dân tộc. Được hình thành trong cả quá trình lịch sử lâu dài, đúc kết từ kinh nghiệm sống, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bản sắc văn hóa dân tộc tồn tại tự nhiên không thể ép buộc nhưng đòi hỏi phải biết giữ gìn, bảo lưu. 

Mai Linh

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục