Về bãi khắc đá cổ ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2015 | 2:45:33 PM

YênBái - YBĐT - Cho đến nay, ở vùng miền núi phía Bắc đã ghi nhận 4 địa điểm có bãi khắc đá cổ, đó là Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Pá Màng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), Nấm Dẩn (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) và Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái).

Tảng đá có rất nhiều vết khắc nhưng bị vỡ một phần do tác động của quá trình canh tác.
Tảng đá có rất nhiều vết khắc nhưng bị vỡ một phần do tác động của quá trình canh tác.

Trong số 4 điểm có bãi khắc đá cổ đã phát hiện, bãi đá Lao Chải được biết đến muộn nhất, do nằm ở trên vùng núi cao khá xa đường quốc lộ, ít người qua lại và chỉ có người Mông ở đây biết rồi truyền tai nhau. Người Kinh đầu tiên được cho là biết về bãi khắc đá cổ này, đó là ông Nguyễn Văn Chúc - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mù Cang Chải.

Sở dĩ ông Chúc biết được điều này là do tình cờ vào năm 2013, khi đi chiếu phim lưu động trên các bản người Mông ở xã Lao Chải, bà con ở đây biết ông là cán bộ văn hóa đã nói với ông về những tảng đá có hình khắc rất lạ. Nghe vậy, ông Chúc nhờ bà con đưa đi xem sự thể như thế nào, để thỏa mãn sự tò mò. Sau đó, những điều ông biết được thông tin đến cán bộ của Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Ông Lý Kim Khoa - Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, sau khi nhận được thông tin này, Bảo tàng tỉnh đã cử cán bộ lên để khảo sát, nhưng không may gặp phải trời mưa kéo dài nhiều ngày, đường đi khó khăn nên chuyến đi đã dừng lại. Sau nhiều công việc bộn bề, đến tháng 5/2015, Bảo tàng tỉnh mới thực hiện được chuyến điền dã ở đây.

Bãi khắc đá cổ Lao Chải gồm nhiều khối sa thạch, tiếng Mông gọi là (bao zê mùa cang là) nằm rải rác ở 3 thôn: Tàng Ghênh, Hú Trù Lình và Hồng Nhì Pá, trong đó tập trung nhiều nhất là ở thôn Tàng Ghênh cách trung tâm xã Lao Chải khoảng 2 giờ đi bộ leo núi và cách trung tâm huyện lỵ Mù Cang Chải 13km về hướng tây. Ngoài ra, bà con người Mông ở Lao Chải còn cho biết, ở sâu trên núi cách những thôn nêu trên khoảng hơn chục cây số cũng có những tảng đá có nhiều nét chạm khắc. Nhưng đi được đến đó, người Mông leo núi giỏi cũng phải mất gần nửa ngày.

Ngoài ra, cũng có thông tin những khối đá có dấu vết chạm khắc còn xuất hiện cả trên vùng núi thuộc địa bàn xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn. Những khối đá được người xưa chọn để khắc lên bề mặt, thường là những khối đá to, các mặt xung quanh khá phẳng nhẵn, nằm ở vị trí thoáng, có tầm nhìn bao quát rộng. Có khối đá đã chìm khá sâu do đất vùi lấp theo thời gian, nhưng nhìn chung những đường khắc còn khá rõ nét.

Có những khối đá khắc hoa văn đã chìm sâu giữa đường dân sinh.

Quan sát các hình khắc trên đá cho thấy, người xưa đã khắc lên đá rất tỉ mỉ, kì công, bởi những nét khắc uốn lượn mềm mại theo hình dạng lồi lõm của khối đá. Hình khắc trên đá khá đa dạng như: hình ruộng bậc thang ôm quanh tảng đá, hoặc những đường khắc vạch thẳng song song hay uốn lượn bên sườn các tảng đá.

Ngoài ra, còn có những hình lõm tròn, hình thú như đầu ngựa, chim mỏ khoằm... So sánh hình khắc trên đá ở Lao Chải với hình khắc trên đá tại những bãi khắc đá cổ đã được phát hiện tại các tỉnh bạn cho thấy, hình khắc trên đá ở Lao Chải có nhiều nét tương đồng với hình khắc ở bãi khắc đá cổ ở Sa Pa (nhưng hình khắc có vẻ đơn điệu hơn). Còn hình khắc ở Pá Màng (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La), vết khắc sâu hơn, sắc gọn hơn trên một chất liệu đá mà các nhà nghiên cứu gọi là “siêu cứng” và hình khắc chủ yếu là hình tròn, hình tam giác, vết khắc có dạng giống như ký tự cổ, hình người cách điệu, bông hoa, chim thú... Hình vẽ trên bãi đá ở Nấm Dẩn thì hoa văn có dạng hình học định hình hơn như hình vuông, hình thoi, hình tam giác, hình vuông xoắn ốc, hình bàn chân người có vết lõm của ngón chân, hình khắc giống như sinh thực khí…

Điểm chung nhất về những bãi khắc đá cổ ở phía bắc, đó là nó thường xuất hiện ở gần hoặc ngay trong các nguồn nước và hầu hết ở khu vực canh tác ruộng bậc thang trên núi cao. Địa bàn có những bãi khắc đá cổ, là vùng của các tộc người có tục cúng đá. Hoa văn khắc trên đá đều có hình thú, hình người giống như các bích họa của người cổ xưa. Ý nghĩa của các dạng hoa văn trên mỗi bãi khắc đá cổ, dù đã được nghiên cứu rất công phu cách đây ngót trăm và liên tục cho đến bây giờ, gồm cả chuyên gia trong và ngoài nước, nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng tựu chung thì ý nghĩa của những hoa văn khắc trên đá vẫn còn là một bí ẩn, chưa có lời giải thỏa đáng.

Tảng đá có hình khắc chim mỏ khoằm.

Truyền thuyết của cư dân ở vùng có những bãi khắc đá cổ cũng mỗi nơi mỗi khác. Chẳng hạn, ở Pá Màng, bà con người Thái truyền tụng rằng, đó là những nét khắc của người trời khi xuống tắm ở sông Đà. Người Mông ở Sa Pa, người Nùng ở Nấm Dẩn (Hà Giang) thì truyền tích, đó là nét vẽ của các vị thần. Nhiều người thì cho rằng, đó là nét khắc của người thượng cổ và cách nghĩ này có lẽ là chính xác nhất. Bởi vì, niên đại của các nét khắc trên đá đều được xác định cách ngày nay tới hàng nghìn năm. Chẳng hạn, bãi khắc đá Pá Màng được kết luận có niên đại cuối thời kỳ đồ đá mới và sơ kỳ thời đại kim khí cách đây 5.000 đến 7.000 năm; bãi khắc đá Sa Pa, niên đại của những nét khắc cũng khoảng trên dưới 2.500 năm trước và ở Nấm Dẩn, niên đại cũng tương tự như vậy.

Riêng với bãi khắc đá cổ ở Mù Cang Chải, có niên đại cách đây bao nhiêu năm? Ý nghĩa của các họa tiết hoa văn như thế nào… có lẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào những đầu tư nghiên cứu trong tương lai. Nhưng trước khi có những nghiên cứu chính thức thì tỉnh, các cơ quan chức năng và huyện Mù Cang Chải cần có giải pháp điều tra xác định không gian, số lượng những tảng đá có dấu vết chạm khắc để bảo vệ. Bởi lẽ, đây lại là một di sản văn hóa vô giá đứng cạnh “đệ nhất” Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Bên cạnh đó, việc bảo vệ bãi khắc đá cổ còn tránh sự tác động, phá hoại một cách vô thức của con người. Thậm chí, bà con người Mông ở đây còn có tập quán dùng củi, thân ngô, rơm rạ nung nóng các tảng đá rồi đổ nước lạnh vào cho đá bị vỡ nhỏ rồi dọn đá để lấy đất canh tác; có khối đá khắc lại chìm ngay trên đường đi thường ngày của bà con… nên việc bảo vệ bãi khắc đá cổ ở Lao Chải càng trở nên khẩn thiết.

Đồng thời, việc tiếp tục khảo sát để phát hiện thêm những bãi khắc đá ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha theo thông tin của bà con người Mông ở Mù Cang Chải cũng cần được tiến hành khẩn trương. Cũng như việc hợp tác thông tin tuyên truyền, nghiên cứu khoa học về giá trị lịch sử, văn hóa của bãi đá cổ ở Mù Cang Chải để tiến tới khai thác tiềm năng du lịch bãi khắc đá cổ gắn với du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang đang được đặt ra.  

Hoàng Nhâm - Lý Khoa

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục