Đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/8/2015 | 2:56:21 PM

YênBái - YBĐT - Thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về giữ gìn, phát huy những giá trị lịch sử truyền thống, nét văn hóa đặc sắc và dần xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc Mông, tháng 12/2013, HĐND huyện Mù Cang Chải thông qua Nghị quyết số 22 phê duyệt Đề án “Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện hướng dẫn diễn viên trong điệu múa khèn Mông.
Cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện hướng dẫn diễn viên trong điệu múa khèn Mông.

Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, ý thức chấp hành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, tuyên truyền cho thế hệ trẻ về những giá trị truyền thống lịch sử trải qua hàng trăm năm đấu tranh, xây dựng và phát triển, đồng bào Mông vẫn giữ được nét văn hóa riêng của dân tộc mình.

Sau 2 năm, Đề án đã được triển khai bởi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Những kết quả đạt được bước đầu đã có tác động tích cực đến nhận thức của nhân dân, biết tự hào, trân trọng và phát huy những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình.

Đồng thời, đã gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các giá trị văn hóa đã làm phong phú thêm đời sống tinh thần cho nhân dân, dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong năm 2014, đã có 18 nhà văn hóa các bản ra mắt và đưa vào sử dụng nâng tổng số nhà văn hóa trong toàn huyện lên con số 72. Huyện phấn đấu hoàn thành thêm 30 nhà văn hóa bản trong mùa khô năm 2015. Huyện đã thành lập 5 đội văn nghệ bản sắc các dân tộc tại khu I xã Cao Phạ, khu II xã La Pán Tẩn, khu III xã Chế Cu Nha, khu IV xã Hồ Bốn và Đội văn nghệ tổ 9+10 thị trấn Mù Cang Chải; phát triển 2 đội múa khèn đôi tại hai bản của xã La Pán Tẩn. Tới đây, huyện tiếp tục triển khai 2 bản gìn giữ vốn dân ca Mông tại xã Dế Xu Phình, múa khèn đơn tại xã Mồ Dề, xã Khao Mang và 2 đội múa Mông tại xã Chế Cu Nha.

Đồng chí Phạm Văn Thành - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mù Cang Chải trao đổi: “Mỗi đội văn nghệ được thành lập đều có trên dưới 20 người, hầu hết là người Mông và người Thái. Ngoài việc tuyên truyền, khích lệ tinh thần gìn giữ bản sắc, nhằm đưa những giá trị văn hóa dân tộc Mông thành tài sản, mang lại ý nghĩa chính trị - xã hội kèm theo hiệu quả kinh tế. Trước mắt Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động là 5 triệu đồng/đội, sau đó sẽ xã hội hóa từng phần công việc, vận động các cá nhân, doanh nghiệp gắn kết, hỗ trợ, tham gia cùng các hoạt động”.

Trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử, danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Ban chỉ đạo Đề án đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản tới nhân dân các xã, thị trấn đặc biệt 3 xã có ruộng bậc thang được công nhận danh thắng cấp Quốc gia Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn và xã Cao Phạ với Di tích lịch sử nơi thành lập Đội du kích Cao Phạ. Huyện đã tổ chức các hoạt động thể thao dân tộc, văn hóa văn nghệ phong phú, hấp dẫn, sôi nổi diễn ra trong Tuần văn hóa, du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang năm 2013 và năm 2014, thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước.

Thực hiện Đề án, việc quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng và củng cố, phát huy nghề truyền thống đã được Ban chỉ đạo cùng các ngành chức năng khảo sát, củng cố, xây dựng. Hiện tại, các điểm du lịch cộng đồng tập trung tại thị trấn huyện lỵ và xã La Pán Tẩn; theo kế hoạch sẽ tiếp tục phát triển dọc tuyến quốc lộ 32 từ xã Nậm Có đến xã Hồ Bốn. Củng cố, phát huy các nghề truyền thống như: Làm các loại nhạc cụ dân tộc, dụng cụ đan, thêu, rèn, mộc, đồ dùng sinh hoạt; văn hóa ẩm thực như: Xôi, bánh dày, chè, thịt sấy, cá, thịt muối…; giữ gìn trang phục và trang sức của đồng bào, nghiên cứu sản xuất một số mặt hàng lưu niệm mang bản sắc văn hóa và những di tích, danh thắng của huyện.

Từ khi thực hiện Đề án, nhân dân trong toàn huyện đã đồng tình ủng hộ, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hiện nghiêm quy ước, hương ước bản, tổ dân phố.

Trước đây, tình trạng thách cưới thường trên 20 triệu đồng, đến nay đã chỉ từ 10 triệu đồng trở xuống; đám tang được giảm bớt chi tiêu lãng phí, không để người chết quá 72 giờ và đưa vào trong áo quan khi mai táng. Các bản, tổ dân phố và số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa tăng theo từng năm.

Cụ thể, năm 2013 có 3.969 hộ, đến năm 2014 đã có 5.058 hộ đạt gia đình văn hóa. Các bản, tổ dân phố được công nhận đạt tăng từ 18,9% lên 39,6%. Học sinh các trường học mặc trang phục của dân tộc mình trong các dịp lễ, tết và các hoạt động văn nghệ đã được thực hiện.

Những ngày đầu tháng Tám này, lên Mù Cang Chải mới thấy được không khí sôi nổi, trên các nẻo đường từ trung tâm huyện đến các bản rực rỡ cờ hoa, pa nô, băng rôn khẩu hiệu, tất cả đều chung niềm phấn khởi hướng về Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trong các hoạt động văn nghệ chào mừng Đại hội, có sự tham gia của hạt nhân đến từ các đội văn nghệ mới thành lập phối hợp cùng đội ngũ diễn viên không chuyên là cán bộ, công chức, viên chức trong huyện. Với những ca khúc truyền thống cách mạng, những sắc màu trang phục, những lời ca, điệu múa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông vang lên đầy niềm tin tưởng vào thành công của một nhiệm kỳ mới.

Vũ Đồng

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục