Trái tim chỉ lối ta tìm đến nhau

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/9/2015 | 2:47:13 PM

YênBái - Đi tìm đồng đội, vấn đề thời sự nổi lên thời hậu chiến. Bài thơ Lời quê là tiếng lòng của thi sĩ - chiến sĩ Phạm Đức Toàn trong công cuộc tìm kiếm đó.

Ngập ngừng chiều cũng tan ra
Hương trầm ngút ngát, la đà khói sương
Tìm người trong cõi âm dương
Chúng tôi trở lại nẻo đường đạn bom
Thời gian xóa dấu đường mòn
Thay bao phiên hiệu vẫn còn nỗi đau
Nhìn đằng trước, ngoảnh đằng sau
Bạn bè chưa thấy mà đâu cũng rừng...
Gửi trao... mắt mẹ rưng rưng
Và kia mắt chị đã từng lệ rơi
Cõi lòng thương nhớ đầy vơi
Các anh có biết chúng tôi đi tìm?
Rừng xưa lảnh lót tiếng chim
Trái tim chỉ lối ta tìm đến nhau
Cách vời mà có xa đâu
Âm dương một khoảng đất nâu rừng già
Đôi dòng địa chỉ nhạt nhòa
Lời quê vang vọng, vỗ òa sau lưng...

Mở đầu bài thơ, tác giả đưa người đọc đến với một buổi chiều tìm mộ "Hương trầm ngút ngát, la đà khói sương". Cảm giác không gian, thời gian tưởng chừng im ỉm đóng bây giờ như vỡ òa "Ngập ngừng chiều cũng tan ra". Mấy chục năm trời sau chiến tranh, đất nước chồng chất khó khăn nên công tác tìm mộ liệt sĩ để qui tập vì thế chưa thể làm ngay được. Nay việc đó đã trở nên cấp thiết, là yêu cầu của xã hội. Các phương tiện truyền thông với những chuyên mục "Tìm đồng đội", "Trở về từ ký ức"... góp phần tích cực trong cung cấp thông tin; các địa phương, đơn vị quân đội thành lập tổ công tác đi tìm và qui tập. Có biết bao cựu binh đã vượt qua khó khăn về thương tật, không quản núi cao rừng thẳm để mong đưa được hài cốt liệt sĩ về với quê hương, gia đình. Đó cũng là tâm trạng của nhà thơ trong hành trình đi tìm đồng đội: "Tìm người trong cõi âm dương/Chúng tôi trở lại nẻo đường đạn bom".

Trở lại chiến trường xưa, địa vật, địa hình không còn giữ nguyên hiện trạng. Con đường hành quân "Thời gian xóa dấu đường mòn", rồi "Nhìn đằng trước, ngoảnh đằng sau/ Bạn bè chưa thấy mà đâu cũng rừng...".  Cộng với quy luật của chiến tranh, phiên hiệu đơn vị cũng nhiều lần thay đổi khiến cho việc đối chiếu hồ sơ càng trở nên khó khăn. Tưởng chừng vô vọng song "Thay bao phiên hiệu vẫn còn nỗi đau". Đau vì sự hy sinh của đồng đội, thêm nỗi đau chưa tìm thấy mộ. Chính nỗi đau hiện hữu là động lực thôi thúc mọi người trong việc tìm kiếm. Sâu nặng hơn còn có sự gửi gắm, tin cậy của thân nhân liệt sĩ "Gửi trao... mắt mẹ rưng rưng/ Và kia mắt chị đã từng lệ rơi".

Những người mẹ, người vợ bao nhiêu năm mỏi mòn chờ tin tức người thân, nước mắt nhớ thương ngần ấy năm ngỡ đã khô kiệt. Họ chỉ còn ước vọng duy nhất đón nắm xương tàn người thân về với quê nhà. Cảm nhận được điều này để coi đây là trách nhiệm, là sứ mạng của người sống với người đã khuất:

Cõi lòng thương nhớ đầy vơi
Các anh có biết chúng tôi đi tìm?

Thiêng liêng lắm, không hẳn vì chuyện tâm linh mà bởi đây là sự tri ân của cả xã hội đối với những người đổ máu hy sinh cho độc lập tự do của đất nước. Mải miết đi tìm, tìm trong cách biệt âm, dương "Cách vời mà có xa đâu/ Âm dương một khoảng đất nâu rừng già". Rõ ràng gần mặt lại cách lời, anh nằm đâu đây mà sao chưa thấy, bao băn khoăn day dứt trong lòng. Nhưng rồi chính "Cõi lòng thương nhớ đầy vơi" hay "Trái tim chỉ lối ta tìm đến nhau". Hồn vía bài thơ dồn vào câu này. Nghĩa tình đồng đội sâu nặng trở thành phép nhiệm mầu, có khả năng thần giao cách cảm giúp bạn tìm thấy bạn.

Hình ảnh "Trái tim chỉ lối" đã khép lại công cuộc kiếm tìm để mở ra "Lời quê vang vọng, vỗ òa sau lưng...". Đâu chỉ lời quê, đó còn là lời nhắc nhở không một ai được quên những hy sinh vô bờ bến của các anh để cho hôm nay ta được sống hạnh phúc trong hòa bình.

Nam Hà

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục