"Hồn" tre nứa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/1/2016 | 7:21:15 PM

YBĐT - Người Khơ Mú sinh sống chủ yếu ở huyện Văn Chấn. Trước đây, kinh tế của người Khơ Mú gần như tự cấp, tự túc. Mọi đồ dùng vô cùng quan trọng đối với họ. Đa số các phương tiện vận chuyển, đồ đựng lương thực, thực phẩm, quần áo, quà tặng, đồ dẫn cưới và dụng cụ âm nhạc đều là sản phẩm đan lát, chế tác từ tre, nứa.

Tre nứa được người Khơ Mú sử dụng trong lễ hội Cầu mùa đầu xuân.
Tre nứa được người Khơ Mú sử dụng trong lễ hội Cầu mùa đầu xuân.

Cũng từ sản phẩm này, người Khơ Mú còn dùng để đổi lương thực và các vật dụng khác của các dân tộc anh em như Thái, Tày, Mường… Tinh hoa sắc sảo thể hiện trong mỗi sản phẩm ngày càng tuyệt vời, đủ để cả tộc người tự hào.

Rừng núi phía Tây huyện Văn Chấn có rất nhiều loại nguyên liệu để sử dụng thích hợp vào việc chế tác các sản phẩm như mây, tre, giang, nứa. Nguyên liệu mang về, pha thành nan, không chẻ nghiêng mà chỉ lột để lấy cật (bỏ phần bụng). Công việc này chủ yếu là của đàn ông. Nan chẻ xong, bó lại, hong lên gác bếp hun khói. Thời gian hun khói trên gác bếp càng lâu, nan càng vàng óng, thậm chí chuyển thành màu cánh gián. Ấy là lúc chủ nhà biết nguyên liệu đã bền, đẹp và vĩnh viễn không mối mọt.

Riêng những bộ phận của sản phẩm xách tay, quai đeo bề, giỏ cần phải mềm và có độ dẻo thích hợp, họ dùng mây đã hong trên gác bếp đem ngâm nước rồi mới chẻ thành nan. Đáng chú ý là các loại sản phẩm đan lát, chế tác cho đến ngày nay vẫn không bị mai một.

Có thể kể ra đây hàng loạt vật dụng từ tre, nứa như: bem họt (dụng cụ hái lúa); ăng (bề có quai đeo để đựng lúa); bem (giống như bề nhưng có nắp) dùng để quần áo, của hồi môn; pìa (mẹt); tơ-rươ (sàng); từng-ài (chiếu, cót); u (nôi); thung-mà (giỏ đựng cơm)…

Một số nhạc cụ như pi tót, gậy chọc lỗ tra hạt có gắn nhạc, âm đin, tằm đao.
Các sản phẩm kể trên tùy vật dụng khác nhau mà có màu sắc, hoa văn khác nhau cũng như làm bằng nguyên liệu khác nhau và đòi hỏi thời gian chế tác nhất định. Ví dụ, chiếc bè có quai đeo ở đầu để vận chuyển lúa trên nương về nhà (tiếng địa phương là i-ăng).

Để có loại bề này, người Khơ Mú lấy giang trong mùa khô. Giang chẻ lấy cật phơi nắng rồi sấy bếp. Một năm sau, cật giang nâu bóng mới lấy xuống đan. Với chiếc i-ăng này, bà con dùng trong Lễ rước mẹ lúa.

Khác với bề, bem có hình dáng vuông vức, góc cạnh. Bem đan hai lớp. Lớp trong là nứa, lớp ngoài là giang. Riêng lớp ngoài bem, những thanh nan đều nhuộm đen để khi đan với lớp nứa bên trong sẽ tạo thành hoa văn hình răng cưa, mặt trời. Chiều rộng của bem khoảng 40 cm, chiều dài 60cm, chiều cao 70 - 80 cm kể cả nắp đậy. Quai xách và nắp đậy bem đan bằng cật mây.

Bem được xem là hòm, là vật dụng để áo quần, chăn màn, để của hồi môn. Trước ngày cưới, chú rể phải tự mình đan cho cô dâu một đôi bem. Với đôi bem này, cô dâu coi là kỷ vật và suốt đời sử dụng, gìn giữ chứ không bán, không cho và không di chuyển khỏi nơi ngủ. Thời gian hoàn tất một chiếc bem cũng phải trên dưới một tháng.

Người Khơ Mú ở nhà sàn, vì thế họ chế tác những chiếc chiếu khá độc đáo. Chiếu dài tới 4 mét (bằng cả gian nhà), rộng trên 2 mét. Để có những chiếu đẹp, bền, nguyên liệu phải là cật giang sấy bếp lâu năm. Chiếu đan lóng mốt. Chiếu sử dụng càng lâu càng bóng nhẵn, thường "tuổi thọ" cũng phải mươi, mười lăm năm.

Ngoài những sản phẩm tiêu biểu kể trên, đàn ông Khơ Mú còn chế tác từ tre, nứa những nhạc cụ độc đáo. Đó là pi tót (sáo dọc). Pi tót chỉ có một lỗ thổi. Với kỹ thuật dùng hơi mà nhạc cụ này vang lên những âm thanh khi rộn rã, khi nỉ non trầm buồn làm say đắm lòng người. Lại có loại nữa gọi là tằm đao, một nhạc khí đơn giản nhưng không thể thiếu trong các lễ hội. Tằm đao làm bằng ống nứa dài 50 cm, đường kính từ 5 - 10 cm.

Phía dưới ống khoét từ 1 - 2 lỗ theo chiều dọc ống; phía trên ống được chẻ đôi, chẻ ba tạo rãnh (dài gang tay). Khi sử dụng, tay phải cầm ống vỗ vào bàn tay trái, âm điệu rộn rã rung lên gây hưng phấn cho những điệu nhảy của đêm hội.

Ngoài pi ót, tằm đao, người ta còn sử dụng một loại nữa, đó là âm đin - là những ống nứa dài trên dưới 1 mét. Bình thường thì những ống này dùng để đựng nước nhưng những dịp vui như lên nhà mới, cưới hỏi, lễ tết, họ đổ hết nước đi rồi dùng những ống này rỗ rỗ xuống ván nhà sàn tạo nên những âm thanh "kh-rạ", "kh-rạ", "kh-rạ".

Nghe những âm điệu nhịp nhàng, những đám con trai, con gái (đôi khi cả các cụ ông, cụ bà) đứng cả dậy, nắm tay nhau nhảy, múa theo vũ điệu "tăng bu", "tăng bảnh" rất lôi cuốn, hứng khởi.

Nơi này còn phải kể một loại vật dụng độc đáo nữa, vừa là công cụ lao động vừa tạo ra nhạc - đấy là gậy chọc lỗ tra hạt. Gậy bằng tre dài từ 2 - 4 mét. Mỗi ống bỏ vào ít hạt sỏi. Đầu ống dưới gắn đầu nhọn bằng gỗ cứng. Khi lao động (thường mở đầu mùa vụ mới), những thanh niên khỏe cầm gậy này chọc xuống đất.

Do các ống to nhỏ, dài ngắn khác nhau mà âm thanh va đập của các viên sỏi tạo nên nhiều giai điệu trầm bổng. Đám đàn bà, con gái đi sau cứ nhún nhảy theo nhịp gậy mà tra hạt (lúa, ngô, đỗ…) xuống lỗ. Công việc nhờ thế vừa hiệu quả vừa vui.

Với người Khơ Mú, đan lát cũng như chế tác những vật dụng từ tre, nứa không chỉ nhằm phục vụ sinh hoạt thường ngày mà còn là một nét đặc trưng văn hóa dân tộc.

Đặng Phương Lan

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục