Ấm áp chung vui tết cổ truyền

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 3:08:12 PM

YBĐT - Hết mùa hoa Tớ dày, cũng là lúc đồng bào Mông cơ bản cấy xong lúa xuân. Hoa đào, hoa mận điểm tô núi rừng, chính là lúc mỗi gia đình nhiều lợn to, gà béo, đủ váy áo chơi xuân.

Các trò chơi dân gian trong những ngày diễn ra hội xuân do các xã tổ chức.
Các trò chơi dân gian trong những ngày diễn ra hội xuân do các xã tổ chức.

Chắc tết Bính Thân này sẽ là tết vui nhất của cô cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải Hờ Thị Dê. Bởi đó là tết sum họp đầu tiên cô với người chồng thương yêu của mình.

Sau mấy năm xa cách, chồng Dê - đại úy Giàng A Hù đã được chuyển về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện nhà Mù Cang Chải. Những năm trước, khi thì 28 tháng Chạp, khi mồng Ba, mồng Bốn tháng Giêng, chồng Dê mới về vui tết với cả nhà. Dê bộc bạch: “Vất vả từ Quân khu về, chồng chỉ ở nhà 1 - 2 ngày rồi đi. Tết của đồng bào Mông xin về, tết hoa đào nở đơn vị cho về lần nữa! Ba bốn năm lại đây, thực hiện ăn tết chung nên chồng chỉ về một lần vào dịp tết Nguyên đán thôi!”.

Trước đây, năm hai lần về ăn hai tết là hai lần nhà chồng Dê mổ lợn mời họ hàng ăn uống. Rồi nhà này sang nhà khác, cả bản rủ đến uống no rượu, mất cả ngày cả buổi, chẳng giúp gì cho gia đình. Vợ gần chồng cũng chẳng mấy thời gian. Ăn tết chung, vợ chồng Dê cùng nghỉ tết, về đoàn tụ với mọi thành viên trong hai nhà bố mẹ và đưa cô con gái đi chơi hội xuân và tham gia hoạt động văn nghệ, thể thao đón năm mới ở giữa trung tâm xã.

“Giờ ăn chung một Tết quen rồi, vui hơn rồi! Có lợn gà nuôi béo để đến khi con cháu đi làm xa, đi học xa về thì mổ cho nó ăn! Thời gian ăn tết của cha ông thì giành để đi cấy lúa xuân!” - cái “lý” này dường như đang dần như bén rễ, ăn sâu vào suy nghĩ của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải. Người trẻ, người già đều nghĩ rằng, ăn tết chung có lợi hơn, đỡ tốn kém hơn xưa nhiều. Mình theo Đảng, theo cách mạng bao năm nay rồi, Đảng nói phải ta làm theo thôi. Lý lẽ là vậy nên chủ trương vận động đồng bào Mông ăn chung một tết Nguyên đán cổ truyền mà tỉnh Yên Bái vận động cũng vào dân vùng cao chẳng mấy khó khăn.

Bí thư Đảng ủy xã Chế Cu Nha - Giàng A Của đến ăn tết ở bản Chống Tông lấy làm vui lắm. “Tiêu chí số một trong vận động đồng bào mấy năm nay đấy nhà báo ạ! Không ảnh hưởng gì, trước hay sau không quan trọng nữa. Đồng bào giờ tiến bộ rồi, thấy phải là nghe thôi, chủ yếu là phải có nhiều thóc nhiều ngô, đủ ăn, đủ mặc chứ! Nhân dân trong xã và một số cá nhân đã được tỉnh tặng bằng khen về thực hiện chung vui một tết rồi đấy. Giờ vui thì nói vậy, chứ lúc đầu nhiều người chưa hiểu, nghĩ rằng sẽ mất tết, mất những gì cha ông để lại, nhất là những người già đấy” - Bí thư Giàng A Của khẳng định vậy.

Thật là đã khác trước nhiều! Khác ở chỗ là, khi hoa Tớ dày nở, chính là lúc đồng bào tập trung nhất cho sản xuất đông - xuân thay vì trước kia bỏ ruộng hoang, rồi mất cả tháng ăn tết nhà này sang nhà nọ. Mà chẳng phải riêng trồng lúa, giờ đây, người Mông mình còn tham gia bảo vệ rừng, trông giữ đàn gia súc, cùng lo xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngay ở xã Chế Cu Nha, đồng bào Mông đã tự thu hoạch cây cối, dẹp ruộng vườn để làm đường giao thông; thậm chí còn di chuyển mồ mả như gia đình ông Hờ Sinh Dê ở bản Chống Tông.

Đã sống qua 50 mùa hoa Tớ dày, ông Hờ Sinh Dê đã chứng kiến những đổi thay của quê hương, những việc Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào mình. Vậy nên, ông sẵn lòng như thế cũng chỉ mong là đóng góp chút ít cho việc thi công con đường gần 3.000 m đến bản Chống Tông xong trước tết Bính Thân mà thôi. Mong sao con đường sớm hoàn thành, để đồng bào về trung tâm xã tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao đón năm mới không còn trở ngại như trước.

Đồng bào Mông huyện Trạm Tấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước tết Nguyên đán.

Mấy năm nay, cứ độ mồng Ba, mồng Bốn tết, Chế Cu Nha và các xã khác trên địa bàn huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu đều tổ chức các hoạt động đón năm chào năm mới ở trung tâm xã. Ở đó, không thể thiếu múa khèn, không thể thiếu ném pao, đánh quay, đẩy gậy. Có nơi, các chàng trai, cô gái Mông còn thi làm bánh dày. Nhiều nét văn hóa dân gian của đồng bào Mông có dịp “phô diễn”, du khách gần xa và các dân tộc khác biết vậy tìm đến vui chung.

Thanh niên nam nữ từng nhóm, từng nhóm bên nhau chia sẻ niềm vui sau những vụ cấy lúa đông - xuân. Họ chia sẻ nhau những bài hát, những tấm ảnh trên “smartphone”. Góc kia, mấy cô cậu còn khoác cả áo đồng phục nhà trường đến tham gia hội. Chắn hẳn đó là bạn cũ, đi học ở trường tỉnh hay chuyên nghiệp nay về nghỉ tết nên gặp nhau vui lắm.

Ăn tết chung thành ra hay quá, bạn học cũ xa lâu ngày, tết về gặp nhau vui thật là vui. Tất cả đồng loạt nghỉ tết, đồng loạt trở lại trường sau tết. Cùng trang lứa trong bản đi học vắng cả, mình ở nhà biết vui làm sao? Nhờ thế, mấy năm rồi, tết xong, các trường học không còn phải lo đi gọi học sinh nữa, phấn khởi vô cùng.

Trước đây, cứ tết Mông đến là nỗi lo học sinh trốn trường về nhà làm thầy cô giáo mất ăn, mất ngủ. Giờ thì đã khác! Nói như cô giáo Mùa Thị Tô - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban ở xã Trạm Tấu (Trạm Tấu): “Nhà trường và các thầy cô giáo như được bỏ một gánh nặng mỗi khi tết Mông đến”.

Không còn tình trạng lớp học vắng tanh hàng tuần do học sinh về tết. Gương mặt các học trò con em đồng bào Mông vẫn luôn rạng rỡ, đông đủ đến ngày về vui tết chung. Nhờ đó, tỷ lệ chuyên cần duy trì ở mức cao, chất lượng giáo dục chuyển biến tích cực, trình độ học vấn của đồng bào ngày càng nâng lên. Chính vì thế, nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật được bà con tìm hiểu, áp dụng vào sản xuất nên ngô lúa chất đến nóc nhà, gia súc nhiều hơn. Có nhiều chữ, no lòng, tết chung rồi cũng trở thành ngày đoàn tụ đầy đủ nhất của mỗi gia đình và các bản làng vùng cao.

Hết mùa hoa Tớ dày, cũng là lúc đồng bào Mông cơ bản cấy xong lúa xuân. Hoa đào, hoa mận điểm tô núi rừng, chính là lúc mỗi gia đình nhiều lợn to, gà béo, đủ váy áo chơi xuân. Mỗi nhà vẫn cho cày cuốc nghỉ ngơi, vẫn quét dọn sạch sẽ, vẫn dán giấy đỏ, vẫn thực hiện các nghi lễ thờ cúng tổ tiên truyền thống và cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới mọi người khỏe mạnh, làm nhiều lúa ngô, trâu lợn đầy chuồng. Một năm mới hứa hẹn gặt hái nhiều thành quả cho mỗi gia đình sau những ngày vui chung tết của dân tộc Việt Nam ấm áp.

 Quang Tuấn

Các tin khác
Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Lễ rước Mẫu sang sông trong Lễ hội đền Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Việc bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hoá bản địa đã trở thành một xu hướng quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững. Với sự đa dạng về văn hóa bản địa, Yên Bái không chỉ thu hút du khách, bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo của địa phương.

Độc giả nhỏ tuổi lựa chọn các ấn phẩm tại Phố sách Hà Nội.

Hôm nay (21-4), đánh dấu 10 năm nước ta tổ chức Ngày Sách Việt Nam (2014-2024) và sau này được nâng tầm lên là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (từ năm 2022).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục