Tục xưa trong tết Đoan Ngọ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/6/2016 | 9:29:46 AM

YBĐT - Thuở nhỏ, khi đến tết Đoan Ngọ vào ngày mùng 5/5 Âm lịch mà dân ta quen gọi là "Tết giết sâu bọ", bọn trẻ chúng tôi thường hỏi người già, vì sao lại gọi là tết giết sâu bọ?

Các món ăn “giết sâu bọ” trong tết Đoan Ngọ.
Các món ăn “giết sâu bọ” trong tết Đoan Ngọ.

Bà tôi bảo, ngày xửa ngày xưa, cứ gặt lúa chiêm xong là người dân thường làm cỗ tạ ơn trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu. Nhưng bỗng một năm, khi lúa chiêm đương chín thì sâu bọ kéo về tàn phá. Dân làng lo lắng nạn đói sẽ ập đến, nên đã kêu xin ngọc hoàng, thần linh, thổ địa phù hộ cho dân làng không bị mất mùa đói khát.

Đang cơn tuyệt vọng, bỗng xuất hiện một ông già đi qua làng và nói với bà con, ngày mai - ngày Đoan ngọ, bà con hãy lấy hoa quả bày ra sân rồi cùng ăn, chạy nhảy, múa hát thì sẽ hết sâu bọ hại lúa. Trong lúc dân làng còn đang bán tín bán nghi thì cụ già đã biến mất.

Tuy nhiên, mọi người vẫn làm theo lời dặn của cụ già. Quả nhiên, khi dân làng hò reo, nhảy múa, sâu bọ đã hoảng sợ mà lăn ra chết. Dân làng năm ấy đã thoát khỏi cảnh mất mùa. Để ghi nhớ công ơn của cụ già đã cứu dân làng thoát khỏi họa mất mùa, hàng năm đúng ngày Đoan ngọ, người dân lại tổ chức làm cỗ gọi là "Tết giết sâu bọ".

Người xưa còn cho rằng, sâu bọ không chỉ phá hoại mùa màng, mà nó còn có cả ở trong bụng của con người. Cho nên, trong ngày này, nếu giết cả "sâu bọ" ở trong bụng thì con người sẽ được khỏe mạnh.

Câu chuyện sự tích ấy, đã thấm đẫm trong suốt quãng tuổi thơ của chúng tôi. Sau này, khi đã trưởng thành, tôi tìm thấy rất nhiều cách lý giải về tết Đoan Ngọ ở Trung Hoa và không biết nó có ảnh hưởng đến người Việt như thế nào? Nhưng câu chuyện mà bà tôi kể, có liên quan đến tín ngưỡng cầu phồn thực của người Việt, trong đó, có nghi lễ cúng cơm mới để nhớ ơn tổ tiên, trời đất.

Nghi lễ giết sâu bọ diễn ra vào ngày mùng 5/5 âm lịch, cũng là thời điểm khởi đầu cho thời tiết nóng nhất trong năm, sau đó là mưa nhiều dẫn đến sâu bọ phát triển gây hại cho mùa màng. Bởi thế, tết giết sâu bọ thực chất là nghi lễ cầu mùa. Đồng thời, trong đời sống thường nhật, lễ cúng cơm mới còn là dịp con cháu gần xa tụ về chia sẻ thành quả sau một mùa vụ lao động vất vả.

Tết giết sâu bọ có nhiều phong tục thật ấn tượng và trước hết là tục giết sâu bọ. Ngày này, nhà nhà thường làm rượu nếp cái, nếp cẩm, nấu chè, đồ xôi nghệ, làm bánh tro bằng lá cây gùn - loại cây thuốc nam thường được dùng để tẩy giun, rang hạt bí đỏ để ăn, chuẩn bị nhiều loại hoa quả, nước thuốc.

Sáng sớm, khi vừa thức dậy, bụng còn đói, người xưa quan niệm rằng, lúc này sâu bọ trong bụng cũng đang đói nên khi người ăn những thức ăn đó vào thì sâu bọ ăn theo sẽ bị diệt. Sâu bọ bị diệt ở trong bụng nếu còn con nào "chui ra ngoài da" thì tiếp tục bị tắm nước thuốc và tiêu diệt hoàn toàn. Ngoài giết sâu bọ cho người, các vật nuôi như: trâu, bò, chó, lợn, gà cũng được ăn, uống chút thức ăn có tính chất "giết sâu bọ".

Trong ngày tết giết sâu bọ, dân ta còn có tục hái lá thuốc từ sáng sớm để về kịp băm phơi cất trữ. Theo quan niệm vào dân gian thì ngày này, cây thuốc cũng có tác dụng trị bệnh tốt hơn hái thuốc vào những ngày khác. Về thực tế, khi ở thời điểm nắng nóng kéo dài thì hàm lượng các chất dược liệu tích tụ trong các loại thảo dược cũng sẽ cao hơn.

Một phong tục nữa cũng khá ấn tượng, đó là tục khảo cây. Trong vườn của nhà nông xưa kia thường trồng nhiều loại cây ăn quả. Có những cây năm nào cũng sai quả, quả ngon. Bỗng dưng, cây không ra quả, ra ít, hay bị sâu thối... thì dân ta sẽ khảo cây (đánh cây, tra khảo). Cách khảo cây được làm như sau: chủ nhà dặn trước một đứa bé trai, đến tinh mơ ngày mùng 5/5 thì leo lên cây chủ nhà định khảo.

Chủ nhà đứng dưới gốc, tay cầm con dao to tiến đến gốc cây đập mạnh bản dao vào gốc ba lần rồi cất tiếng: - Cây này! Đứa bé trên cây dạ...dạ...dạ! Chủ nhà lại tiếp: - Cho ta hỏi: - Vì sao đang sai quả, quả ngon, bây giờ lại ra ít quả và hay sâu hay thối? Đứa trẻ đáp: - Con biết tội rồi ạ! (nói đúng ba lần). Chủ nhà lại đập bản dao vào gốc cây và quát: - Biết tội chưa? Đứa trẻ đáp: - Con biết rồi ạ! Chủ nhà lại quát: - Biết rồi thì sang năm phải ra nhiều quả, quả ngon, quả đẹp nghe chưa! Đứa trẻ đáp: - Vâng ạ!... Nếu không ra quả hay quả bị sâu, bị thối thì ta chặt bỏ, nghe chưa! Đứa trẻ đáp: Vâng ạ! (ba lần) rồi tụt xuống. Chủ nhà leo lên cây lóc những cành phụ, cành sâu, cành khô chăm chút cho cây.

Đó là, một vài tập tục của người xưa trong ngày tết Đoan Ngọ - một nét đẹp trong tín ngưỡng của người Việt.

Sơn Nam

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục