Nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Yên Bái trong thời kỳ mới

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/6/2016 | 8:17:09 AM

YBĐT - Là cơ quan ngôn luận, diễn đàn của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà, với đặc thù riêng của báo chí văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích là nâng cao hơn nữa tính tư tưởng, tính giáo dục lý tưởng thẩm mĩ cho công chúng thưởng thức thông qua hình tượng văn học nghệ thuật.

Ký kết phối hợp Cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Dấu ấn quê hương, con người” Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai.
Ký kết phối hợp Cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Dấu ấn quê hương, con người” Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai.

Những hình tượng nghệ thuật đó là chiều sâu của tư duy thông qua khát vọng về: Chân - Thiện - Mỹ. Không đưa tin nhanh, tin giật gân về những vấn đề nóng, vấn đề bức xúc mà xã hội đang quan tâm, không phải Tạp chí Văn nghệ Yên Bái (VNYB) không bám sát thực tế đời sống.

Tạp chí luôn dành thời lượng đáng kể cho thể loại bút ký, phóng sự, ghi chép, tranh, ảnh báo chí nghệ thuật… phục vụ kịp thời và bám sát hiện thực, bám sát đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị của địa phương theo cách riêng của mình; phản ánh những trăn trở, lo toan, đời sống nội tâm, số phận của những con người bị tác động của sự kiện trong quá trình phát triển đi lên của xã hội, những tác phẩm đó khai thác chiều sâu và có sức sống lâu bền trong lòng công chúng, tạo được dấu ấn đặc biệt và khác biệt trong làng báo chí nói chung.

Tuy vậy, Tạp chí VNYB vẫn là của văn chương và nghệ thuật. Vì thế, mảng Văn học, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc... hết sức quan trọng. Có điều là, văn nghệ hơi kén độc giả. Số người đọc Tạp chí VNYB không nhiều. Số lượng phát hành chưa cao, hiện Tạp chí phát hành từ 500 đến 600 bản/kỳ, dày từ 80 đến 100 trang. Con số này quá ít ỏi so với dân số của tỉnh. Làm sao để Tạp chí đến được tay bạn đọc và có nhiều bạn đọc? Đây là một bài toán khó.

Những người cần đọc Tạp chí lại không có Tạp chí, nhất là đồng bào các dân tộc ở vùng sâu vùng xa; hệ thống các nhà trường, các thầy giáo và học sinh rất cần Tạp chí VNYB để tham khảo, nâng cao trình độ dạy và học trong nhà trường. Vì vậy, Tạp chí VNYB rất cần hỗ trợ ngân sách để tăng số lượng phát hành đến tay các đối tượng cần được tuyên truyền, thỏa mãn nhu cầu giải trí, giáo dục nhận thức cho đông đảo công chúng yêu văn học nghệ thuật.

Để nâng cao chất lượng Tạp chí VNYB, vấn đề đầu tiên là phải lo đến lực lượng sáng tác. Hiện nay, Yên Bái có 148 hội viên Hội Văn học Nghệ thuật, tuy nhiên hội viên trẻ chiếm tỷ lệ rất thấp. Vì vậy, trong những năm qua, Hội đã theo dõi, phát hiện, bổ sung những tác giả trẻ, đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng thông qua các trại viết góp phần nâng cao năng lực sáng tác cho các tác giả trẻ, nhằm có nhiều tác phẩm hay đăng trên Tạp chí.

Cán bộ, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái và văn nghệ sỹ của tỉnh thực tế sáng tác tại Ninh Thuận.

Tạp chí văn nghệ các địa phương, trong đó có Tạp chí VNYB đã được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là một cơ quan báo chí. Đã là cơ quan báo chí thì phải có đủ bộ phận như: tòa soạn, phóng viên, biên tập viên, trị sự, chế bản. Vấn đề bộ máy, biên chế tổ chức, nhất là bộ phận Ban Biên tập Tạp chí đã được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái kiện toàn. Biên tập viên, phóng viên Tạp chí được đào tạo bài bản, có trình đội đại học trở lên.

Đội ngũ biên tập viên số đông tuy trẻ về tuổi đời nhưng không trẻ về tuổi nghề, đã có nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, trải qua nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao. Ban Biên tập thường xuyên họp, giao ban để rút kinh nghiệm, thường xuyên trao đổi với tác giả, hội viên, vì vậy mà chất lượng Tạp chí VNYB ngày một nâng cao.

Bên cạnh đó, muốn cạnh tranh được ngoài nội dung tác phẩm hay thì cần phải trình bày chế bản đẹp, in đẹp, có tranh, ảnh đẹp mới thu hút được bạn đọc. Thời gian vừa qua, Tạp chí đã đổi mới hình thức trình bày; các chuyên mục cũng được thay đổi, bổ sung hợp lý. Minh họa trong Tạp chí đều do các họa sĩ nổi tiếng trong tỉnh và trong nước minh họa, đã tạo dựng một khuôn mặt riêng có bản sắc và dấu ấn, để không bị mờ lẫn trong hàng trăm tên tuổi, dáng vẻ của báo chí văn nghệ và bản tin trong nước và trong tỉnh hiện nay.

Hiện Tạp chí VNYB dần đi vào thế ổn định và phát triển với bộ máy Tòa soạn, Ban biên tập tinh gọn, đa năng; nội dung phong phú; cùng nghệ thuật trình bày trang nhã bắt mắt, mang tính chuyên nghiệp rõ rệt. Điều đặc biệt là tiến tới, Tạp chí sẽ nâng cấp từ khổ 16cm x 24cm, thành khổ 19cm x 27cm, là cơ sở để Tạp chí nâng tầm chất lượng về mọi mặt.

Để có những tác phẩm hay, từng bước nâng cao chất lượng Tạp chí, Hội đã thường xuyên tổ chức các cuộc Hội thảo và các cuộc thi. Gần đây nhất là phát động cuộc thi viết truyện ngắn ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai với chủ đề “Dấu ấn quê hương con người Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai”; cuộc thi viết về Quân đội Nhân dân và Lực lượng vũ trang Quân khu 2; ngoài ra, Tạp chí còn vận động viết cho các chuyên mục như: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”…

Ngoài sự nỗ lực của cơ quan thường trực Hội, của Ban Biên tập Tạp chí, các chi hội chuyên ngành cũng luôn có những hoạt động sáng tác thiết thực, cụ thể. Chi hội Mỹ thuật thường xuyên tổ chức triển lãm, trong đó có mảng tranh cổ động, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Các tác giả thơ định kỳ sinh hoạt vào ngày 12 hàng tháng, góp ý, trao đổi với nhau, cho ra đời những tác phẩm thơ hay hơn. Các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh, thường xuyên đi thực tế, cho ra đời các tác phẩm ảnh sinh động, thời sự, nghệ thuật ngoài đăng trên Tạp chí, khá nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng về văn học nghệ thuật, giải báo chí của tỉnh và của Trung ương.

Để theo kịp xu thế của thời đại, đưa văn học nghệ thuật đến được nhanh nhất, nhiều nhất tới đông đảo công chúng trong tỉnh và trong nước thì việc đầu tư, nâng cao chất lượng cho Tạp chí VNYB là việc làm quan trọng, đầu tiên luôn được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Yên Bái quan tâm.

Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh

Các tin khác

Sáng 20/4, tại Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái tổ chức hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 - năm 2024 và Tọa đàm “Ứng dụng công nghệ số, công nghệ AI để nâng cao hiệu quả đọc sách và học tập”.

Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống tại lễ kỷ niệm 1085 năm vua Ngô Quyền định đô tại Cổ Loa.

Tối 19/4, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng vương, định đô tại Cổ Loa (939 - 2024).

Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục