Cảm xúc tháng Bảy

  • Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2016 | 3:39:28 PM

YBĐT - Tháng Bảy về, dường như khóe mắt mẹ sâu hơn, cái nhìn xa xăm, mong ngóng trong khắc khoải. Có lẽ, từng là một người lính, nên tác giả Nguyễn Hữu Dự thấu hiểu những tâm tư, cảm xúc đó và anh đã xúc động viết nên những vần thơ để sẻ chia.

Tháng Bảy về bao bà mẹ nhớ con
Hơn bốn mươi năm chưa ai về thăm mẹ
Đất nước mình vùng quê nào cũng thế
Sau nén hương trầm, ngấn lệ mẹ đầy vơi

Đau xót mất con theo mẹ suốt cuộc đời
Đêm chong đèn mẹ không cài cửa
Chờ các anh về cùng mây với gió
Miếng trầu cay pha lẫn tiếng thở dài

Người vợ hiền tần tảo sớm mai
Trắng khăn tang sau ngày chồng ra trận
Nụ hôn chia tay giờ còn nồng ấm
Lam lũ nhọc nhằn thiếu vắng cũng thành quen

Bom đạn kia của quân giặc đê hèn
Cướp đi của anh những gì cha mẹ tặng
Thân đớn đau khi đổi mùa mưa nắng
Vượt đói nghèo, hỏi chiến thắng nào hơn

Chất hóa học chúng rải lụi Trường Sơn
Để giờ con anh hình hài dị dạng
Khô mắt, da sùi, choạng vạng lúc chiều đông
Nỗi tủi hờn chất chồng theo năm tháng

Hỏi đất nước nào như nước Việt Nam không?
Hàng triệu người con đã hóa thành bất tử
Để cho nước non có ngày đoàn tụ
Hạnh phúc, đẹp giàu, đầy đủ bạn gần xa.

Nguyễn Hữu Dự (Chủ tịch UBMTTQ xã Minh Quân - Trấn Yên)

Tháng Bảy với cái nóng như nung càng như thiêu đốt tâm can của những bà mẹ mòn mỏi đợi chờ con, của những người cựu chiến binh đau đáu nỗi nhớ thương đồng chí, đồng đội vẫn đang nằm lại đâu đó trên đất mẹ thân yêu. Tháng Bảy về, dường như khóe mắt mẹ sâu hơn, cái nhìn xa xăm, mong ngóng trong khắc khoải. Có lẽ, từng là một người lính, nên tác giả Nguyễn Hữu Dự thấu hiểu những tâm tư, cảm xúc đó và anh đã xúc động viết nên những vần thơ để sẻ chia. “Tháng Bảy về bao bà mẹ nhớ con/ Hơn bốn mươi năm chưa ai về thăm mẹ / Đất nước mình vùng quê nào cũng thế/ Sau nén hương trầm, ngấn lệ mẹ đầy vơi”.

Đã hơn 40 năm nhưng nỗi nhớ thương của mẹ dường như ngày một đong đầy bởi khi càng tuổi già sức yếu, mẹ càng mong có con cái ở bên cạnh chuyện trò. Dù biết các anh đã mãi đi xa nhưng tấm lòng, tình cảm của một người mẹ thì chưa bao giờ ngừng chờ đợi. “Đau xót mất con theo mẹ suốt cuộc đời/ Đêm chong đèn mẹ không cài cửa/ Chờ các anh về cùng mây với gió/ Miếng trầu cay pha lẫn tiếng thở dài”.

Hình ảnh “Đêm chong đèn mẹ không cài cửa ... Miếng trầu cay, pha lẫn tiếng thở dài” đã khắc họa hình tượng người mẹ Việt Nam với tấm lòng yêu thương con vô bờ bến. Dù biết các anh không thể trở về nhưng mẹ vẫn luôn hy vọng “Chờ các anh về cùng mây với gió”. Đó là nỗi đau của những bà mẹ Việt Nam.

Và còn đó biết bao nỗi đau của những người vợ “Trắng khăn tang sau ngày chồng ra trận”; của những cựu chiến binh mang trên mình thương tích của đạn bom: “Bom đạn kia của quân giặc đê hèn/ Cướp đi của anh những gì cha mẹ tặng/ Thân đớn đau khi đổi mùa mưa nắng”. Đau xót hơn khi nỗi đau ấy còn hiện lên trên hình hài của những đứa con không lành lặn: “Chất hóa học chúng rải lụi Trường Sơn/ Để giờ con anh hình hài dị dạng”. Vậy mà vượt lên những những đau thương, mất mát; những nỗi đau tột cùng tưởng không thể vượt qua được; những người mẹ, người vợ, những cựu chiến binh đã nén đau thương, tiếp tục gánh vác phần việc của người đã khuất.

Với những người vợ hiền tần tảo “Lam lũ nhọc nhằn thiếu vắng cũng thành quen”. Còn với những cựu chiến binh “Vượt đói nghèo, hỏi chiến thắng nào hơn!”. Câu hỏi so sánh của tác giả “Hỏi chiến thắng nào hơn” đã gợi lên bao suy nghĩ và cảm phục. Không cảm phục sao được khi đó là những chiến thắng của “vượt lên chính mình”, chiến thắng của ý chí, nghị lực như lời Bác: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Khổ thơ kết, tác giả đã khái quát những hình ảnh cá nhân thành hình tượng tập thể “Hỏi đất nước nào như nước Việt Nam không?/ Hàng triệu người con đã hóa thành bất tử”. Để làm nên hòa bình, hạnh phúc ngày hôm nay, đã có biết bao hy sinh, mất mát của muôn triệu người và điều đó sẽ mãi được lịch sử lưu danh.

Những thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ, biết ơn “những người con đã hóa thành bất tử”. Họ sẽ còn sống mãi trong những trang thơ, những bài ca và tình cảm của muôn triệu người. Bài thơ “Cảm xúc tháng Bảy” của Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Dự cũng là một trong những tình cảm ấy. Xin cảm ơn tác giả đã nói hộ tình cảm của biết bao cựu chiến binh trong những ngày tháng Bảy thiêng liêng và ý nghĩa này!

Hoàng Hiền

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục