“Đêm Mường Lò” - một bài thơ hay của Vũ Quý

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/8/2016 | 8:11:21 AM

YBĐT - Bài thơ “Đêm Mường Lò” có 4 khổ thơ được kết cấu theo trình tự thời gian của một đêm xoè, từ khi bắt đầu vào hội cho đến lúc bịn rịn, lưu luyến chia tay

Nồng say xoè Thái.
Nồng say xoè Thái.

Đêm Mường Lò
Trăng đang lên dần
Vào đi anh!
Tay cầm tay múa xoè cùng em

Đừng sợ say
Đây tay ngà
Chén em dâng đầy
Chén đã dâng đầy
Dập dìu chân chàng
Dập dìu chân em
Ta tan dần trong vòng quay

Kìa hội vui
Vào đây anh!
Đừng để em cô đơn một mình
Đêm Mường Lò
Trăng dâng đầy
Đôi tay ngà đón chờ người ơi!

Vào đi anh
Xoè đi anh
Đêm không tàn
Sương dâng mờ
Mai xa rồi
Trăng Mường Lò anh mang về xuôi.

Lời bình của Hiền Lương

Vũ Quý viết bài thơ "Đêm Mường Lò" vào tháng 9 năm 1996. Tác giả tâm sự: "Mùa thu năm 96 mình vào Nghĩa Lộ, định viết một bài ký. Sau một ngày lặn lội tìm hiểu thực tế nhưng chưa đủ tư liệu để viết, mỏi mệt, đi dạo một chút cho thư giãn, tình cờ lạc vào một bản Thái, ở đó thanh niên nam nữ đang xoè. Mình bị kéo vào vòng xoè và quên hết cả mỏi mệt, rồi ngay đêm đó mình viết xong bài thơ này. Từng con chữ cứ như chảy ra một cách tự nhiên từ ngọn bút."

Bài thơ “Đêm Mường Lò” có 4 khổ thơ được kết cấu theo trình tự thời gian của một đêm xoè, từ khi bắt đầu vào hội cho đến lúc bịn rịn, lưu luyến chia tay. Mở đầu bằng hình ảnh: “Trăng đang lên dần”, ánh trăng bắt đầu tỏa sáng đất mường, mọi người tay cầm tay bất kể là quen hay lạ cứ hồn nhiên nhập vào vòng xòe.

Chàng trai - nhân vật trữ tình có lẽ lần đầu bắt gặp đêm xòe nên còn bỡ ngỡ thì nhận được lời mời gọi chân chất của cô gái xứ Mường: “Vào đi anh…”. “Vào đi anh” lời mời ngọt ngào cùng với bàn tay em đưa ra để “Tay cầm tay múa xòe cùng em”. Cứ thế, trăng lên dần cùng với vòng xòe ngày một nới rộng tạo nên sự hòa quyện giữa thiên nhiên - con người, con người - con người của đêm Mường Lò.

Có một điều rất lạ là khi đã bước vào vòng xòe, tay cầm tay, chân nhún nhẩy dập dìu cùng tiến, lui, dịch chuyển theo vòng quay của trái đất thì ai cũng cảm thấy như có một sức hút mãnh liệt, xóa đi mọi e lệ, mọi khoảng cách, để cho mình cứ “tan dần trong vòng quay".

Với hình ảnh thơ này, Vũ Quý rất tinh tế thể hiện cái "thần" của xòe, một hình thức múa dân gian của người Thái, không chỉ diễn ra trong lễ hội mà còn phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.

Người Thái có 6 điệu xoè cổ. Cổ nhất là điệu Khắm khăn ỏm nọm, mọi người nắm tay nhau nhảy múa hồn nhiên quanh đống lửa, biểu lộ sự gắn kết cộng đồng và mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẹn tròn; rồi đến các điệu Khẳm khăn mơi lẩu (nâng khăn mời rượu) dùng trong lễ tiệc đón khách, Phá xi, Lổn hôn, Nhộm khăn, Ỏm lòm mơ, dùng trong lễ hội.

Từ những điệu xòe cổ này, người Thái đã sáng tạo ra hơn 30 điệu múa mang bóng dáng các sinh hoạt hàng ngày, như: Xe cúp (múa nón), xe tẳng chai (múa chai), xe kếp phắc (múa hái rau), xe cáp (múa sạp)… Các điệu xoè, điệu múa đều rất nhịp nhàng, uyển chuyển trong tiếng trống, chiêng, khèn, pí, đàn tính, đôi khi còn có cả các lời hát phụ hoạ. Điệu xoè, điệu múa nào cũng ấm áp, nhưng sôi động nhất là xoè vòng, có những vòng đại xoè tới hàng trăm, hàng ngàn người tham dự.

Xoè đã trở thành một sinh hoạt văn hóa dân gian, một hội vui của cả cộng đồng, đặc biệt là với những người trẻ tuổi, ở đó có sự giao cảm nhiều chiều, của nhiều đối tượng, sức sống mãnh liệt sinh sôi từ đó, tình yêu trong trắng, hồn nhiên cũng nảy sinh từ đó. Người Thái đã đúc rút thành câu tục ngữ: “Không xòe không tốt lúa/ Không xòe thóc cạn bồ/ Không xòe trai gái không thành đôi…”.

Bài thơ “Đêm Mường Lò” có cái đẹp của cả hình và nhạc. Hình ảnh cô gái Mường Lò: "đôi tay ngà", "chân dập dìu", chén rượu dâng đầy, lời mời gọi giản dị, hồn nhiên mà mãnh liệt “Vào đi anh”, “Vào đây anh”… là điểm nhấn của bức vẽ nhân sinh đẹp đẽ, độc đáo. Hình ảnh thiên nhiên cũng thật lung linh kỳ ảo: "Trăng dâng đầy/ Sương dâng mờ"…, vừa tạo nên một không gian trữ tình, huyền ảo của đêm xoè, vừa tôn vẻ đẹp, nét duyên của cô gái xứ Mường.

Xây dựng hình ảnh thơ, Vũ Quý không tả mà gợi, chính sự gợi đã tạo nên nhiều liên tưởng, tưởng tượng ở người đọc mà làm cho bài thơ có tứ, nói xòe để nói bản sắc văn hóa, văn nghệ độc đáo của dân tộc Thái, cũng để nói một đêm Mường Lò - đặc sản, không thể nào quên với ai đã đến với vùng đất này.

Về kết cấu ngôn từ, mở đầu các khổ thơ đều là những câu thơ 3 chữ, có cấu trúc song hành, đối xứng: Đừng sợ say/ Đây tay ngà; Kìa hội vui/ Vào đây anh!;Vào đi anh/ Xoè đi anh… Trong mỗi khổ thơ lại có sự luân phiên đều đặn các câu thơ ngắn, dài, kết thúc đều bằng các thanh bằng đã tạo nên chất nhạc cho bài thơ. Đó không chỉ là nhạc điệu của động tác múa xòe mà còn là nhịp đập của trái tim tuổi trẻ, rộn ràng, tưng bừng nhưng lại rất lắng dịu, êm đềm, tha thiết…

Nhân vật trữ tình (tác giả) có lúc hóa thân vào cô gái Mường Lò mời gọi, có lúc lại xuất hiện với tư cách người lữ khách đắm say với cảnh và người đất Mường tạo nên một sự song trùng chủ thể trong biểu hiện cảm xúc, đã góp phần tạo nên sự hòa quyện giữa hình và nhạc của bài thơ.

Bài thơ được nhạc sĩ Thanh Bình phổ nhạc trở thành ca khúc được phổ biến rộng rãi, nhiều người yêu thích. Có thể nói nhạc Thanh Bình đã “chắp cánh” cho lời thơ của Vũ Quý thêm bay bổng làm say đắm bất cứ ai đã đặt chân đến đất Mường Lò. Bài thơ xứng đáng là một trong những bài thơ hay viết về vùng cao, dân tộc của Yên Bái.

H.L

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục