Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái "bội thu" từ Liên hoan Nghệ thuật quốc tế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/8/2016 | 2:37:47 PM

YBĐT - Với một Huy chương Bạc toàn đoàn, 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc cho các tiết mục, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái đã “bội thu” sau Liên hoan Nghệ thuật quốc tế năm 2016 gồm 5 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Myanmar và Thái Lan được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 7 vừa qua.

Mới đây, phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đỗ Thị Thanh Hương - Giám đốc Đoàn Nghệ thuật tỉnh về thành công của Đoàn tại Liên hoan, cũng như những kế hoạch hoạt động Đoàn trong thời gian tới.

- Được biết, Đoàn Nghệ thuật tỉnh vừa trở về từ Liên hoan Nghệ thuật quốc tế năm 2016, xin chị cho biết quy mô của Liên hoan và thành tích của Đoàn tại Liên hoan này?

NSƯT  Đỗ Thị Thanh Hương: Liên hoan Nghệ thuật 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan 2016 là hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các nước trong vùng Đông Nam Á và cộng đồng Asean, giới thiệu quảng bá về văn hóa, nghệ thuật, đất nước con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, là dịp để nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực ca múa nhạc chuyên nghiệp các nước gặp gỡ, giao lưu trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiếp thu các tinh hoa trong nghệ thuật ca múa nhạc để làm giàu thêm bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, vùng, miền.

Với quy mô như vậy, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Yên Bái được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình nghệ thuật với chủ đề “Khát vọng non ngàn” mang đậm màu sắc địa phương, khai thác nét văn hóa của đồng bào các dân tộc Yên Bái.

Trong chương trình sử dụng âm nhạc là các nhạc cụ dân tộc, không dùng các nhạc cụ điện tử; giai điệu của các ca khúc cũng mang đậm nét văn hóa của vùng miền Tây Bắc, ngôn ngữ múa là các vũ điệu đặc trưng của các dân tộc trong tỉnh như: Tày, Dao, Thái, Mông, Khơ Mú... Tại Liên hoan, Đoàn Nghệ thuật tỉnh đã đạt các giải: Huy chương Bạc cho Chương trình “Khát vọng non ngàn” (Chỉ đạo nghệ thuật: NSƯT Thanh Hương; đạo diễn: NSƯT Huỳnh Tú); 1 Huy chương Vàng và 3 Huy chương Bạc cho các tiết mục hát đơn ca và múa.

Ngoài ra, dàn nhạc của Đoàn còn được Hội Nhạc sỹ Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có những sáng tạo mới trong hòa âm, phối khí và sử dụng nhạc cụ dân tộc đạt hiệu ứng tốt khi thể hiện các tác phẩm nghệ thuật. Đoàn được Ban tổ chức Liên hoan chọn là một trong 5 đơn vị được biểu diễn phục vụ các địa danh lịch sử và nhân dân tỉnh Quảng Trị.

- Truyền thông trong nước đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của các tiết mục tại Liên hoan của Đoàn, đã dành nhiều lời đẹp đẽ cho các tiết mục của Đoàn như “Mãn nhãn màn múa nghệ thuật của thiếu nữ miền sơn cước”. Để có được những đánh giá đó, Đoàn đã có sự chuẩn bị như thế nào thưa chị?

NSƯT Đỗ Thị Thanh Hương: Xác định Liên hoan Nghệ thuật 5 nước mang tầm quốc tế, Ban Giám đốc Đoàn đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên. Trước khi vào dàn dựng, Đoàn đã tổ chức tập huấn nâng cao về trình độ chuyên môn cho cán bộ, diễn viên. Sau đó, chúng tôi lựa chọn ê kíp, chủ đề, tiết mục, thiết kế sân khấu, trang phục, đạo cụ…

Ban đầu, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn về diễn viên, đặc biệt là thiếu diễn viên múa, nhiều tiết mục diễn viên nữ múa phải vào diễn vai nam múa minh họa nhiều cho các tiết mục hát, nhạc. Nhạc công từ sử dụng dàn nhạc điện tử sang làm quen với nhạc cụ dân tộc, các loại tre, nứa dùng để gõ, pí pặp, pí thiu, cồng chiêng, đàn môi, trống tang sành, trống sấm, tam lay, đàn tính. Diễn viên ca cũng thiếu nên đã huy động diễn viên chèo vào hát tốp và bè cho các tiết mục.

Với sự chỉ đạo của ban lãnh đạo, sự quyết tâm của tập thể cán bộ, diễn viên đã từng bước khắc phục khó khăn vượt lên chính mình. Những tiết mục tham gia Liên hoan phải bám sát chủ đề, mang đậm bản sắc vùng miền để giới thiệu quảng bá với bạn bè quốc tế. Vì vậy, các tác phẩm dàn dựng trong Chương trình của Đoàn được tác giả chắt lọc từ văn hóa dân gian, mang đậm âm hưởng của vùng cao Tây Bắc.

Chương trình của Đoàn được Hội đồng nghệ thuật, Ban tổ chức và các bạn đồng nghiệp đánh giá cao, đặc biệt khán giả Quảng Trị rất ấn tượng với Chương trình của Đoàn Nghệ thuật Yên Bái. “Khát vọng non ngàn” được cho là một chương trình đẹp như bức tranh Tây Bắc bởi sự đoàn kết, sum vầy và vẻ đẹp của thiên nhiên hữu tình của đồng bào các dân tộc nơi đây. 

- Với những khó khăn về kinh phí, cũng như nhân sự hiện nay những thành tích của Đoàn trong Liên hoan lần này như một sự vượt khó đi lên. Trong thời gian tới, Đoàn sẽ có những giải pháp gì để nâng cao hơn nữa chất lượng biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao chất lượng nghệ thuật của các chương trình?

NSƯT  Đỗ Thị Thanh Hương: Khó khăn về yếu tố diễn viên thiếu và yếu là tình trạng chung mà các đoàn nghệ thuật địa phương đang gặp phải, hầu hết các đoàn đều hợp đồng thêm diễn viên trẻ để thực hiện chương trình, Đoàn nghệ thuật Yên Bái vừa qua đã khắc phục khó khăn, sử dụng toàn bộ diễn viên của Đoàn, đồng thời phát huy hết khả năng của nghệ sỹ, diễn viên. Có được sự thành công trong Liên hoan vừa qua, một mặt là sự đoàn kết, đồng lòng yêu nghề của tập thể nghệ sỹ, diễn viên, mặt khác Đoàn đã nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhân dân, Đoàn xác định tập trung làm tốt một số nhiệm vụ cụ thể là: chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ nhận thức chính trị, xã hội, đặc biệt là chuyên môn nghiệp vụ cho nghệ sỹ, diễn viên.

Tiếp tục công tác lựa chọn những diễn viên trẻ hội tụ đủ các tiêu chí của ngành báo cáo với cấp có thẩm quyền để tuyển dụng bổ sung, bảo đảm cho công tác chuyên môn; làm tốt công tác chăm lo phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, nghệ sỹ diễn viên để anh chị em yên tâm công tác, tâm huyết với lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Đoàn sẽ chủ động về chương trình tiết mục, sẵn sàng biểu diễn phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị phục vụ nhân dân; thường xuyên tổ chức tập huấn tại chỗ, nâng cao về chuyên môn, tạo điều kiện cho các đạo diễn, nhạc sỹ, biên đạo của Đoàn được dàn dựng các tác phẩm, nghệ sỹ diễn viên được tham gia các cuộc thi chuyên ngành để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác và thể hiện các tác phẩm để các nghệ sỹ tự tin tham gia các cuộc thi, liên hoan lớn do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức...

Đoàn rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của UBND tỉnh, các sở, ban ngành đặc biệt là cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao, phấn đấu thực hiện thành công Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn Nghệ thuật tỉnh giai đoạn 2012 - 2015 định hướng đến năm 2020”, xây dựng Đoàn là một trong những đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp mạnh trong khu vực.

                                                                          Thanh Ba (thực hiện)

Các tin khác
Lễ phát động Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại; tạo động lực, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực tham gia tuyên truyền thông tin đối ngoại thông qua các tác phẩm, sản phẩm mang hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, trí tuệ Việt Nam đến với thế giới, cũng như đưa thế giới đến với Việt Nam.

Thổi kèn đưa dâu trong đám cưới người Dao đỏ.

"Đừng thấy nhiều hoa mà phân tâm, đừng thấy nhiều bướm mà phản ý, hoa đẹp cũng chỉ hái một bông, bướm xinh cũng chỉ ghép một cặp". Tiếng kèn của người Dao đỏ ở xã Tân Phượng, huyện Lục Yên là niềm vui, niềm hạnh phúc lứa đôi nên chỉ sử dụng trong lễ cưới xin và lễ cấp sắc mà không sử dụng trong các lễ hội, ma chay như nhiều dân tộc khác.

Lễ mừng cơm mới đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng và trở thành sự kiện du lịch hằng năm.

Ở Yên Bái, người Mông có dân số khoảng trên 110.000 người, đứng thứ tư về số dân trong tỉnh gồm 4 nhóm chính là: Mông Hoa, Mông Đen, Mông Trắng và Mông Si. Trong đó, người Mông Hoa và Mông Si chiếm đa số và đều cư trú chủ yếu tập trung trên các triền núi cao ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu và các xã vùng cao huyện Văn Chấn, Văn Yên.

Các đội bóng chuyền tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên hăng hái tham gia Giải bóng chuyền do huyện tổ chức dịp đầu tháng 3, chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (15/3/1947 - 15/3/2024), kỷ niệm 78 năm Ngày thể thao Việt Nam 27/3.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên chú trọng công tác tuyên truyền, phát động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với nhiều hoạt động cụ thể, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục