Nỗi nhớ quê hương Yên Bái trong “Lời ru người xa xứ”của Lê Thanh Bình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/12/2016 | 8:11:21 AM

YBĐT - Lê Thanh Bình là một người Yên Bái, anh đã từng cầm súng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, hiện đang sinh sống ở Ba Lan. Tôi chắc công việc làm ăn, buôn bán ở xứ người cũng bận rộn và phải hao tâm tổn trí nhiều, vậy mà Thanh Bình vẫn dành thời gian cho thơ.

Anh đã xuất bản tập thơ “Lời ru người xa xứ” năm 2002 do Nhà Xuất bản Lao động ấn hành với hơn 50 bài thơ, đều viết ở Ba Lan. Dẫu đây là tập thơ đầu tay và Thanh Bình viết thơ chỉ là để giãi bày, giải tỏa những cảm xúc dồn nén của mình nhưng quả thật “Lời ru người xa xứ” đã làm cho tôi thực sự xúc động bởi những tình cảm, suy nghĩ của anh với quê hương Yên Bái và thân phận, nỗi niềm của người xa xứ.

Mở đầu tập thơ “Lời ru người xa xứ” là bài “Yên Bái và thơ”. Không phải vô tình mà anh xếp bài thơ này ở vị trí mở đầu. Song điều đáng nói là anh đã rất hiểu, rất nặng lòng với Yên Bái. Ngay câu thơ đầu, anh đã vẽ rất trúng chân dung thị xã miền rừng, đặc biệt là chân dung tâm hồn người Yên Bái: “Yên Bái gặp nhau/ Vỗ vai hỏi/ Mày cây số mấy ?”. Chỉ có người Yên Bái mới hỏi nhau như thế. Thành phố Yên Bái trước đây chỉ có 1 tuyến đường chính, cũng là tuyến phố chính trải dài từ ga Yên Bái gần tới cây số 10 đường đi Hà Nội, có đặc điểm là “nhà không số, phố không tên”, mọi người hỏi thăm hay cho nhau địa chỉ đều theo cây số cả.

Ví dụ: Nhà tôi ở cây 2 dốc Cao Lanh, hay cây 3 cầu Dài, cây 4 bách hóa, ngã ba cây 5, chợ cây 6, cây 7 nhà thờ, cây 8 công ty thương nghiệp, ngã ba cây 9, ngã ba cây 10… Chỉ bằng cây số thế thôi, gọi mãi thành quen ai cũng hiểu và thấy tiện cả. Bây giờ “nhà có số, phố có tên” nhưng người Yên Bái vẫn quen cách gọi cũ ấy, rất hồn nhiên, không màu mè, khách sáo. Tôi nghĩ, phải hiểu, phải yêu, phải nhớ Yên Bái lắm mới viết được câu thơ ngắn gọn, mộc mạc mà lại thắm tình đến như thế.

Ở những khổ tiếp theo trong bài “Yên Bái và thơ”, Lê Thanh Bình cũng có cách nói rất riêng, rất Yên Bái về quê hương của mình. Từ cái bắt tay của người Yên Bái, cái bắt tay mà bạn bè tỉnh khác hay nói vui trong cuộc rượu: “Uống rượu bắt tay, biết ngay Yên Bái”, Thanh Bình liên tưởng tới những con đường Yên Bái: ... “Cái bắt tay/ Đẹp như mười sợi giây / Quấn chặt…/ Kể về quê hương của núi của rừng/ Bằng bàn tay xòe như cánh lá/ Lòng tay là thị xã/ Các ngón tay xòe ra là những con đường/ Ngón lên Lào Cai đến với Mường Khương/ Ngón sang Lai Châu, ngón vào Nghĩa Lộ…/ Và cổ tay - Đường về thủ đô… Bàn tay mình/ Yên Bái và thơ”…

Điều đáng nói nữa là Thanh Bình viết bài thơ này khi anh đang ở Ba Lan, nơi có những con đường rất đẹp: “Đường Bạch Dương, sương trắng, nắng tràn/ Anh đi nghe tiếng người xưa vọng/ Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn” (Tố Hữu), anh vẫn nhớ da diết những con đường quê núi của mình và những kỷ niệm tuổi thơ: “Tuổi thơ ơi/ Đẹp như giấc mộng vàng/ Cả em nữa sao dịu dàng đến thế/ Để mười năm, mấy phương trời góc bể/ Mấy  gian nan anh vẫn phải tìm về…/ Thị xã đây rồi/ Con đường phượng nằm kia/ Khơi kỷ niệm lần đầu mình đắm đuối/ Anh gọi tên - Con đường em bối rối/ Em đặt tên - Đường đón đợi anh về”. Tôi thực sự xúc động khi đọc những câu thơ này của Thanh Bình và gợi cho tôi nhiều kỷ niệm.

Đọc bài “Nhớ lửa rừng”, tôi lại ấn tượng bởi hình ảnh thơ: “Tiếng hú dài gọi lửa/ Ơ lửa thiêng của núi/ Ơ lửa thiêng của rừng”…  Chỉ có những người ở miền rừng mới gọi nhau, tìm nhau như vậy và cuộc sống mới gắn liền với lửa. Ngọn lửa sưởi ấm trong đêm ngủ rừng, ngọn lửa soi đường đêm tối băng rừng, ngọn lửa đêm hội xòe tưng bừng và quanh bếp lửa nhà sàn bập bùng cả nhà quây quần đoàn tụ… Ngọn lửa ấy đã thành điều thiêng liêng trong tâm hồn người phải xa quê như Thanh Bình. Ở nơi xứ tuyết, Thanh Bình thèm lửa hay là thèm cái nồng ấm của tình người xứ núi đến mức phải thốt lên da diết: “Đốt nữa lên đi cho người xa nhớ với/ Cháy nữa lên đi cho người xa ấm với/ Cháy lên đi, cháy nữa... lửa rừng ơi”.

Nỗi nhớ quê hương xứ sở bao giờ cũng gắn liền với nỗi nhớ những người thân yêu nhất của mình, đó là mẹ cha, vợ con, anh em, bè bạn. Ai cũng vậy cả, chỉ khác ở cách nói về nỗi nhớ, Thanh Bình đã chọn cách nói về nỗi nhớ bằng điệu ru dịu ngọt, trữ tình: “À ơi/ Ngủ đi con, ngủ đi em/ À ơi ngon giấc ngủ trên tay này/ Cánh tay mỏi những tháng ngày/ Làm sao mỏi với ngần này yêu thương…/ Với đời tay lúc sắt gang/ Với tình em mãi tay làm gối êm/ Ngủ đi con, ngủ đi em/ À ơi… ngon giấc ngủ trên tay này”. (Lời ru trong đêm mơ). Tôi rất thích câu thơ: “Cánh tay mỏi những tháng ngày/ Làm sao mỏi với ngần này yêu thương”… Đó là một tình cảm đẹp, được thể hiện bằng một câu thơ đẹp.

Thông thường, thời điểm người đi xa nhớ quê, nhớ người thân nhất là vào buổi chiều tà hay lúc đêm khuya. Rất nhiều người đã nói về nỗi nhớ trong thời điểm ấy. Trong bài “Trăng lạnh” Thanh Bình đã viết: “Đêm khuya rồi/ Em thức đó phải không/ Mà phía ấy ngôi sao còn lấp lánh…”. Điều đáng nói là sự gắn kết 2 hình ảnh: “Em thức” với “ngôi sao còn lấp lánh”. Em thức làm ngôi sao lấp lánh hay anh nhìn sao lấp lánh lại nghĩ tới em còn thức cũng đều hay cả.

Bài thơ “Bầm ơi” của Lê Thanh Bình lại đem lại cho tôi nhiều suy nghĩ về cuộc sống, về thân phận người xa xứ: “Nơi phương trời xa xôi/ Bầm ơi/ Ngày mỗi ngày/ Từ sớm tinh mơ/ Mở cửa nhà/ Chúng con ra thẳng chợ/ Lại đếm đếm, đong đong/ Lại quên quên, nhớ nhớ/ Lo đồng vốn đi ra / Có nhớ cửa mà về / Làm gì có con đường ra chợ/ Xanh biếc tiếng ve/ Trên cánh đồng hoa/ Ven bờ cỏ mướt/…/ Chiều chợ tan tác bạc mặt người/ Chúng con chỉ thấy trăng sao/ Trong mộng mị thôi”…  

Tôi hiểu, đồng cảm và rất trân trọng tình cảm của những người xa xứ. Trong cuộc vật lộn mưu sinh ở xứ người, có thể kiếm được rất nhiều bạc tiền thì họ vẫn không thể nào quên được, không gì có thể đổi được vòng tay của bà mẹ Việt quê mùa: “Bây giờ chúng con ở xa…/ Mà vẫn thấy bầm/ Dang rộng vòng tay/ Mở đón chúng con…/ Bầm sẽ lại ru lời thương, lời nhớ/ Cả những lời đau đến vỡ lòng…”.

Theo tôi, những người tha hương nơi đất khách làm thơ thường viết về nỗi nhớ và câu thơ viết về nỗi nhớ hay nhất, thương nhất luôn là những câu thơ viết về nỗi nhớ mẹ bởi đó là tình cảm sâu nặng nhất, sợi dây tình thiêng liêng nhất kết nối người xa xứ với quê hương. Mất sợi dây tình cảm đó sẽ mất đi tất cả. “Bầm ơi” của Lê Thanh Bình cũng vậy, nhớ về mẹ, gọi mẹ và cảm thấy như đang được nghe lời ru của mẹ : “À ơi…/ Con cò, con vạc, con nông/ Còn bao con nữa sao không thấy về…/ Thôi thì một góc đồng quê/ Mấy sâu, rộng… nhớ mà về… à ơi”.

Tôi trân trọng những tình cảm đó của Thanh Bình và vì vậy rất yêu “Lời ru người xa xứ” của anh.

Nguyễn Hiền Lương

Các tin khác
Cổng chính vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Tối 17/4, tại sân khấu Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Hội tụ non sông”, chào mừng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Chương trình nghệ thuật sử thi

Tối 16/4, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Thánh Nguyễn (xã Gia Thắng và Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), UBND huyện Gia Viễn khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2024. Đây là lễ hội gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Các đại biểu tham gia chương trình.

Chiều 16-4, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ, Hà Nội), Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đã khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVIII - năm 2023. Đáng chú ý, sau khi tiến hành sơ loại, có 1.827 tác phẩm đủ điều kiện tham gia Giải Báo chí quốc gia kỳ này.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên họp.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Sở Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn xây dựng về kinh phí, trên cơ sở nguyên tắc đảm bảo đúng đủ kinh phí cho hoạt động kỷ niệm; các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể các điểm bắn pháo hoa, chương trình nghệ thuật ánh sáng tối 10/10/2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục