Tình yêu quê hương trong tập thơ “Lời riêng” của Lê Văn Lộc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/1/2017 | 8:09:20 AM

YBĐT - Nhà thơ, Nhà giáo Ưu tú Lê Văn Lộc - một trong những cây bút thơ chủ lực của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh đã có 12 tập thơ, 1 tập văn xuôi.

Tháng 1/2016, ông lại cho ra mắt bạn đọc tập thơ "Lời riêng" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Sách có độ dày 100 trang, gồm 60 bài thơ và một trường ca. Mượn hình tượng "Lời riêng" để bộc bạch tình yêu cùa mình với quê hương, gia đình, Lê Văn Lộc đã định hình một phong cách thơ riêng.

Từ hình ảnh "Con đê sông Trà vỗ về mặt phố/ Cánh diều tuổi thơ ấp trong hồn trẻ" nơi quê gốc Hà Nam, tác giả đã tạo ra một trường liên tưởng về quê hương. Cha mẹ lên Yên Bái lập nghiệp.

Hình ảnh ông đồ Nuôi uyên thâm chữ nghĩa cùng bà vợ hiều dịu, tảo tần mở trường dạy học ở miền đất lành Tuy Lộc hiện còn nhiều môn sinh giờ đây đã ở tuổi 80, 90 ghi nhận. Lê Văn Lộc cùng 8 anh chị em sinh ra và lớn lên ở đây. Yên Bái nghĩa tình đã để lại trong tâm khảm nhà thơ niềm yêu thương, niềm tự hào về đất và người: "Yên Bái anh hùng núi sông hào phóng/ Bến nước Âu Lâu biếc sóng Thác Bà" (Khúc tráng ca xanh).

Quê hương thứ hai gắn bó với nhà thơ bằng những kỷ niệm khó quên thuở thiếu thời cùng những con người lao động: "Nắng mưa chân đất đầu trần" với "Ban thờ đình làng dáng nét uy nghiêm", với "Rười rượi nắng chàm tán cọ xum xuê"...

Để rồi nhìn lại sự trưởng thành của mình hôm nay mà nói lời tri ân: "Tôi lớn lên bên bến nước dòng sông/ Ươm dấu chân son cánh cung đồng bãi" (Trường ca năm tháng trốn tìm). Nhà thơ vui mừng khi nhìn thấy mảnh đất đã nuôi dưỡng mình lớn khôn nay ngập tràn niềm vui trong phong trào xây dựng nông thôn mới: "Nhà nông quê mình vươn tầm đổi mới/ Đất trả công người hỷ hả nắng nôi" (Trường ca năm tháng trốn tìm).

Giờ đây đã ở tuổi được nghỉ ngơi, mỗi khi đi thăm con cháu hoặc gặp gỡ người thân ở những nơi xa, nhà thơ vẫn luôn nhớ về những kỷ niệm khó phai nơi miền quê Tuy Lộc. Đó là hương cỏ ban mai, cây ổi già trong vườn, phiên chợ quê tấp nập kẻ bán, người mua... nhưng đọng lại vẫn là những hình ảnh nên thơ của tuổi trẻ mộng mơ ở chốn quê bình yên, thanh thản: "Săn se hạt nắng quê mình/ Mẩy mày mau hạt, duyên tình trăng non" (Vàng).

Biết ơn công sinh thành dưỡng dục, nhà thơ đã dành cho cha mẹ những vần thơ tràn đầy tấm lòng hiếu nghĩa: "Thương lắm cha tôi trọng chữ thánh hiền" và "Mẹ học từ câu chữ ngấm gió sương/ Chín đứa con khiêm nhường vòng tay mẹ" (Trường ca năm tháng trốn tìm).

Nhiều bài thơ, câu thơ xúc động Lê Văn Lộc dành cho những người cùng máu thịt với mình. Anh trai từ mặt trận trở về còn nguyên mùi thuốc súng của lửa đạn chiến tranh: "Anh trở về lúc nguôi lửa chốt/ Khói đạn còn bay, đất quê nghèo thót" (Trường ca năm tháng trốn tìm).

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em gái tự nguyện ở nhà giúp mẹ công việc ruộng vườn để anh trai được tiếp tục đến trường. Lời thơ như chia sẻ nỗi niềm: "Trường lớp xa nhà thời buổi chiến tranh/ Em gái thảo hiền đã dành xuất học" (Trường ca năm tháng trốn tìm). Ông yêu: "Một gia đình lỉnh kỉnh giấy mực gom/ Trang giáo án e bất thành bài giảng" mà mình đứng mũi chịu sào.

Cảm thông chia sẻ với người vợ hiền và cũng là đồng nghiệp, lời thơ sâu lắng, chứa chan ân tình: "Thương nhà mình chỉ biết âm thầm/ Lo dạy học lại chăm chồng bận rộn" (Trường ca năm tháng trốn tìm). Nhưng đó cũng là niềm vui, tự hào về hạnh phúc gia đình: "Ngày mới thêm ríu rít cháu con/ Mẹ thêm tuổi trời, săn gân chặt gối" (Trường ca năm tháng trốn tìm).

Bút pháp đa dạng, ngoài việc sử dụng các thể thơ tự do, truyền thống để chuyển tải những cảm xúc tự sự, trữ tình, Lê Văn Lộc còn có chùm lục bát mà có những bài chỉ gồm 2 câu hoặc 4 câu nhưng vẫn chuyển tải được suy tư, cảm xúc sâu sắc. Kỷ niệm xưa tưởng đã lùi sâu vào quá vãng nay đột nhiên trở về giữa bâng khuâng thương nhớ: "Câu thơ lăn lóc rêu phong/ Bỗng dưng nhói tiếng ướt lòng bút nghiên" (Tự thoại).

Người làm nông nghiệp quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thế mà lúc nào nỗi lo hạn hán, lụt lội, mất mùa... cũng thường trực xung quanh. Nhà thơ nói hộ họ nỗi vất vả ấy qua hai câu lục bát bình dị, chan chứa tình người: "Mùa về nợ sém nắng mưa/ Bùn non ướt ngực có chừa cháy lưng" (Mùa về).

Có thể nói, với cảm xúc sâu lắng, trữ tình, tập thơ "Lời riêng" của Lê Văn Lộc để lại cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình yêu quê hương, tình yêu gia đình. Tuy nhiên, nếu như ở một số bài thơ, câu thơ bớt đi sự cầu kỳ trong lập tứ và diễn đạt thì sự gần gũi với độc giả sẽ ở mức độ cao hơn. Hy vọng rằng, trong những tập thơ tiếp theo, Lê Văn Lộc sẽ đem lại cho người đọc sự thỏa mãn nhiều hơn về giá trị nội dung và nghệ thuật trong thơ.  

Quang Bách

Các tin khác
Hồ Thác Bà (Ảnh minh họa)

Nhằm lựa chọn những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng về nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật phản ánh về vùng đất, con người Yên Bình trên chặng đường 77 năm xây dựng và phát triển, huyện Yên Bình phát động cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với chủ đề “Yên Bình đổi mới, phát triển, hội nhập”.

- Thiết thực kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Đội văn nghệ xung kích bản Tu San, xã Nậm Có biểu diễn tiết mục múa khèn Mông trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc.

Với trên 90% dân số là đồng bào Mông nên người dân xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải rất quan tâm gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống như: vũ điệu múa khèn, độc tấu sáo, nhị, kèn môi, kèn lá, hát dân ca, dân vũ, ném pao; các lễ hội Gầu tào, Lễ mừng cơm mới...

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Lễ phát động Giải báo chí về tiết kiệm năng lượng.

Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục